Tờ Guardian đưa tin giới khoa học đã đưa ra kết luận trên sau khi nghiên cứu các bộ xương người hóa thạch được tìm thấy tại một bãi chôn cất bên trong hang núi mang tên Sima de los Huesos, thuộc khu di tích khảo cổ Atapuerca, phía Bắc Tây Ban Nha.
Sử dụng kính hiển vi và công nghệ chụp cắt lớp CT, các nhà nghiên cứu phát hiện những bộ hài cốt có niên đại gần 430.000 năm này bị gián đoạn phát triển xương nhiều tháng, giống tình trạng thường thấy ở các loài động vật ngủ đông.
Bằng cách làm chậm quá trình trao đổi chất, loài người tiền sử có thể đã ngủ trong nhiều tháng để sống sót qua mùa đông băng giá. Đây là thời điểm mà nguồn cung cấp thực phẩm trở nên cực kỳ khan hiếm.
Nhóm nghiên cứu - trong đó có ông Juan-Luis Arsuaga, người đứng đầu tổ chức Atapuerca Foundation và ông Antonis Bartsioka tại Đại học Thrace ở Hy Lạp – đều hiểu rõ giả thuyết con người từng trải qua trạng thái giảm trao đổi chất để ngủ đông là nghe như thể phim khoa học viễn tưởng.
Tuy nhiên, trong một bài đăng xuất bản trên tạp chí chuyên ngành L’Anthropologie số ra tháng 12, họ chỉ ra rằng các động vật có vú và linh trưởng thời nguyên thủy như vượn mắt to và cu li đều ngủ đông. Điều này cho thấy cơ sở di truyền và sinh lý học cho quá trình giảm trao đổi chất như vậy có thể được bảo tồn ở nhiều loài động vật có vú, trong đó có con người.
Trả lời tờ Guardian, ông Patrick Randolph-Quinney, nhà nhân chủng học tại Đại học Northumbria, cho biết: “Nói con người từng ngủ đông là một lập luận rất thú vị. Điều này chắc chắn sẽ gây tranh luận. Tuy nhiên, có những cách giải thích khác cho các bộ xương bị tổn thương xương được tìm ở Sima. Điều này cần được giải quyết đầy đủ trước khi chúng tôi có thể đưa ra bất kỳ kết luận thực tế nào”.
Trong thế giới động vật có một số loài ngủ đông như ong vò vẽ, nhím, sóc đất, rùa, vượn cáo đuôi vòng, dơi...