Kênh truyền hình CGTN đưa tin các đồng lúa thời cổ đại rộng lớn này được phát hiện tại thành phố Dư Diêu, tỉnh Chiết Giang. Nằm trong di tích Shi'ao cách khu di tích Hà Mỗ Độ nổi tiếng khoảng 7,5 km, những cánh đồng này đem đến cái nhìn sâu sắc về xã hội thời tiền sử dọc theo hạ lưu sông Dương Tử.
Phát hiện mới này do Viện Khảo cổ và Di tích Văn hóa tỉnh Chiết Giang phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Di sản Văn hóa Ninh Ba công bố vào cuối tuần trước.
Theo nghiên cứu sơ bộ, các đồng lúa trên có diện tích khoảng 900.000 mét vuông. Cho đến nay, các nhà khảo cổ mới khai quật được khoảng 7.000 mét vuông.
Ông Wang Yonglei, nhà nghiên cứu tại Viện Khảo cổ và Di tích Văn hóa tỉnh Chiết Giang cho biết: “Chúng có thể tồn tại từ thời đầu nền văn hóa Hà Mỗ Độ. Đây là đồng lúa cổ nhất và rộng lớn nhất trên thế giới”.
Các chuyên gia cho biết những cánh đồng này có hình dạng khác biệt do trải qua ba thời kỳ tiền sử kéo dài khoảng 2.000 năm. Cánh đồng cổ đại nhất được đắp gò đất xung quanh, có niên đại khoảng 4.300 năm trước Công nguyên thuộc giai đoạn đầu của nền văn hóa Hà Mỗ Độ thời đồ đá mới.
Hình thành vào thời kỳ cuối của văn hóa Hà Mỗ Độ, một số cánh đồng khác lại có đường bao rõ ràng hơn, xuất hiện các dải nhô cao được sử dụng làm đường đi hoặc phân giới.
Giới khảo cổ cũng tìm thấy các cánh đồng có niên đại gần hơn với hình dạng bàn cờ. Một số được hoàn thiện với đường đi và hệ thống tưới tiêu, tồn tại từ thời văn hóa Lương Chử (năm 2900 – 2500 trước Công nguyên).
Phát hiện trên còn gợi ý rằng việc trồng lúa đã trở thành một trụ cột kinh tế từ thời các nền văn hóa sơ khai ở Trung Quốc như Hà Mỗ Độ và Lương Chử. Ngoài ra, nhóm của ông Wang còn tìm thấy 5 ngôi làng của người tiền sử trong phạm vi 1.000 mét vuông quanh các cánh đồng.