Bộ xử lý "không chính xác" do các chuyên gia Đại học Rice và một số viện nghiên cứu tạo ra, đạt hiệu quả rất cao nhờ một tỷ lệ lỗi nhất định trong quá trình xử lý. Nhờ một cơ chế cân bằng tinh tế giữa xác suất lỗi và việc giới hạn các hoạt động chấp nhận lỗi, các nhà thiết kế chip đã cắt giảm đáng kể nhu cầu về điện năng và gia tăng tốc độ của chip.
Chip "lỗi" cho hiệu quả gấp 15 lần chip thường. Ảnh: Internet |
Một trong các phương pháp được các kỹ sư sử dụng là từ bỏ các đoạn vi mạch ít khi dùng đến. Một cơ chế khác cho phép thực hiện các hoạt động nhất định với tốc độ tính toán cao với điện áp nguồn thấp. Theo các kết quả thử nghiệm, phương pháp thứ nhất cho phép cắt giảm tới 3,5 lần lượng điện tiêu thụ nếu giảm độ chính xác trong 0,25% trường hợp. Còn nếu tăng mức sai sót lên 8%, hiệu quả sử dụng năng lượng sẽ tăng lên gấp 15 lần.
Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng, một số loại ứng dụng cho phép có sai số đáng kể. Ví dụ, các kết quả xử lý hình ảnh có thể sai sót đến 0,54% mà mắt người không phân biệt được, và thậm chí sai số lên đến 7,5% thì vẫn có thể nhận rõ bức ảnh. Kết quả xử lý ảnh theo cách thông thường (trái), xử lý với tỷ lệ sai sót 0,54% (giữa) và với mức sai sót 7,58% (phải).
Các bộ xử lý "không chính xác" là một thành phần cơ bản của chiếc máy tính bảng I-slate, đang được phát triển dành cho các cơ sở giáo dục Ấn Độ. Những chip này được sẽ cho phép tiết kiệm đáng kể điện năng tiêu thụ, nhờ đó I-slate có thể vận hành nhờ các pin Mặt Trời nhỏ.
Anh Quân