Cây sồi đỏ hơn 100 năm tuổi bị bật gốc do trận bão tháng 7/2024 trong công viên Wolvendael, hiện được lưu giữ làm “cây trú ẩn”.
Khi nhắc đến những khu rừng khỏe mạnh, người ta thường hình dung những tán cây xanh rì, tươi tốt và sinh trưởng mạnh mẽ. Thế nhưng, với kỹ sư sinh học Michel Fautsch, người đứng sau dự án "Chronoxyle", một khu rừng khỏe mạnh đôi khi lại cần… thật nhiều cây chết.
Đây không phải là một tuyên bố gây sốc, mà là một khuyến nghị dựa trên cơ sở khoa học lâm nghiệp và đa dạng sinh học rừng, sau nhiều năm nghiên cứu thực địa tại vùng Wallonie, miền Nam nước Bỉ. Với Michel Fautsch, gỗ chết, cùng với những cây già nua, sâu bệnh, không còn năng suất, chính là “mạch ngầm sinh thái” giữ cho hệ sinh thái rừng vận hành một cách ổn định, bền vững.
Bois du Rideau: Khu rừng không bị đốn chặt
Những cây chết góp phần cân bằng hệ sinh thái rừng.
Rừng Bois du Rideau ở Profondeville là một ví dụ điển hình. Khu vực này vốn nằm trên địa hình dốc và hiểm trở, từ lâu không còn phù hợp với mục tiêu khai thác gỗ thương mại. Do đó, chính quyền địa phương, phối hợp với Cục Thiên nhiên và Rừng của vùng Wallonie, đã quyết định chuyển đổi nơi đây thành “khu bảo tồn nguyên vẹn”, tức không khai thác trong suốt hàng chục năm.
Chính trong môi trường “bỏ mặc có chủ đích” này, Michel Fautsch đã ghi lại được hàng trăm bức ảnh, nghiên cứu sự sống hồi sinh từ cái chết: gỗ mục, cây đổ, thân cây bị sét đánh… nhưng tất cả đều đang đóng vai trò như những “tòa chung cư sinh thái” cho dơi, côn trùng, chim, nấm và thậm chí cả cáo.
“Đây không phải là một khu rừng chết. Trái lại, nó cực kỳ sống động, màu xanh lá tràn ngập và cây non mọc lên khắp nơi. Chỉ hai năm nữa, những cây đó sẽ cao hơn tôi”, ông Fautsch chia sẻ trong một buổi khảo sát hiện trường. “Chúng tận dụng dinh dưỡng từ gỗ mục đang phân hủy, đó là một vòng tuần hoàn khép kín, hiệu quả và hoàn toàn tự nhiên”.
Gỗ chết – nguồn sống cho hàng loạt sinh vật
Gỗ chết, theo ông Fautsch, là một phần cốt lõi của hệ sinh thái rừng. Chúng không chỉ nuôi đất mà còn là nơi cư trú, sinh sản và trú đông của hàng trăm loài sinh vật. Từ những hốc cây tróc vỏ là tổ của dơi, đến những tán rễ lộ thiên thành chỗ ẩn nấp cho cáo, tất cả đều có vai trò thiết yếu trong việc duy trì sự đa dạng sinh học.
Một cây dẻ khô đứng trơ trọi, không còn một chiếc lá nào, vẫn có thể tiếp tục “sống” dưới dạng… khách sạn sinh thái. “Cây thường xuân phủ đầy, tạo nơi trú đông cho côn trùng; các mảnh vỏ bong ra là chỗ cho dơi ẩn mình; hốc cây lại là tổ của chồn mactet hoặc sóc chuột”, ông Fautsch mô tả.
Theo ông, vấn đề là vùng Wallonie đang thiếu nghiêm trọng những “gã khổng lồ chết”, tức các cây cổ thụ đã chết nhưng chưa đổ, vẫn đứng vững để bảo vệ sự sống bên trong thân gỗ. Những loài dơi, chim gõ kiến, hay côn trùng chuyên biệt đều cần những thân cây lớn để tồn tại, điều không thể có nếu rừng liên tục bị đốn sớm vì mục đích kinh tế.
Không chỉ gỗ chết, cây sống nhưng đã già cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Trong lâm nghiệp sinh thái, chúng được gọi là "cây trú ngụ". Vỏ cây nứt, rỗng ruột, chảy nhựa… những khuyết điểm đó lại là cơ hội để nhiều loài khác tận dụng.
Ông Fautsch nói: “Một nhánh cây gãy được chim gõ kiến khoét rỗng, sau đó thành nơi làm tổ cho chim sẻ. Vết nứt trên thân trở thành nơi sinh trưởng của địa y, rêu, hoặc làm túi đựng mùn, nơi hạt giống có thể nảy mầm. Và khi những cây này chết đi, chúng trở thành gỗ chết chất lượng cao, tiếp tục nuôi dưỡng khu rừng thêm vài chục năm nữa”.
Cây dẻ gai ít nhất 150 tuổi và đang trong giai đoạn sung mãn nhất. Các hốc cây của nó là nơi cú mèo sà xuống nghỉ ngơi ban ngày. Ảnh: Michel Fautsch
Hiện nay, theo quy định của vùng Wallonie, các khu vực thuộc mạng lưới Natura 2000 chỉ yêu cầu trung bình 2 cây chết mỗi hecta và 1 cây trú ngụ mỗi 2 hecta. Nhưng theo ông Michel Fautsch, mức đó là “rất thấp” so với chuẩn khoa học.
“Các nghiên cứu đều cho thấy, để duy trì một hệ sinh thái rừng cân bằng và bền vững, ít nhất phải có 40 mét khối gỗ chết mỗi hecta”, ông khẳng định. Trong khi hiện tại, trung bình các khu rừng Wallonie chỉ có khoảng 10 m³/ha – tức chỉ bằng 1/4 mức khuyến nghị.
Nguyên nhân chính vẫn là lợi ích kinh tế và vấn đề an toàn. Một cây chết bị xem như “nguồn tài nguyên bị bỏ phí” có thể tận dụng làm củi đốt. “Nhiều nhà lâm nghiệp nghĩ rằng khai thác cây chết sẽ giúp cân bằng chi phí quản lý rừng. Nhưng trên thực tế, với địa hình khó, năng lượng tiêu hao và lợi nhuận thấp, việc này không hề hiệu quả”, ông Fautsch phân tích.
Thêm vào đó, yếu tố an toàn khiến các nhà quản lý e ngại việc để lại cây chết gần lối đi công cộng. Tuy nhiên, theo ông, có thể giải quyết bằng cách tăng mật độ gỗ chết ở các khu bảo tồn, như Bois du Rideau – nơi hiện đạt đến 80 m³/ha – để từ đó đạt được mức trung bình 40 m³/ha trên toàn vùng, bao gồm cả các khu rừng sản xuất.
Từ các nghiên cứu và quan sát thực tế, Michel Fautsch đưa ra một thông điệp đơn giản mà đầy sức nặng: “Để giữ cho rừng sống động, cần có cây chết”. Không phải cây chết là dấu hiệu của sự suy tàn. Trái lại, đó là điều kiện tiên quyết để sự sống tiếp tục lan tỏa.
“Gỗ chết không nuôi sống con người, nhưng nuôi sống cả khu rừng. Và nếu rừng khỏe mạnh, thì đó là tài sản sinh thái vô giá cho toàn xã hội”, ông Fautsch kết luận.