Chìa khóa cho tham vọng không gian

Thế giới đã biết đến Ấn Độ như một cường quốc không gian vũ trụ kể từ lúc 19h34 tối 23/8/2023 (giờ Việt Nam), khi tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của nước này hạ cánh mềm thành công xuống cực Nam của Mặt Trăng trong một sứ mệnh cùng tên.

Chú thích ảnh
Hình ảnh do Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cung cấp ngày 25/8/2023 cho thấy xe tự hành trên tàu thám hiểm Chandrayaan-3 di chuyển trên bề mặt Mặt Trăng. Ảnh: AFP/TTXVN

Ấn Độ đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có phương tiện hạ cánh xuống vùng cực Nam của Mặt Trăng và là quốc gia thứ tư, bên cạnh Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, đặt chân lên Mặt Trăng.

Tới tháng 1/2024, tàu thăm dò Mặt Trời Aditya-L1 của Ấn Độ đã đi vào quỹ đạo Mặt Trời sau hành trình kéo dài 4 tháng. Đây cũng là thành công bứt phá trong tham vọng thám hiểm không gian của quốc gia đông dân nhất thế giới. Tiếp nối thành công trên, ngày 16/1, Ấn Độ đã ghi danh vào nhóm 4 quốc gia ưu tú trên thế giới có khả năng thực hiện những kỳ tích công nghệ phức tạp trong môi trường không trọng lực.

Thí nghiệm Ghép nối Không gian (SpaDeX), được Tổ chức nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) triển khai vào ngày 30/12 từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan, bang miền Nam Andhra Pradesh, đã thành công khi hai vệ tinh Target và Chaser, mỗi vệ tinh nặng khoảng 220 kg, thực hiện việc ghép nối trên quỹ đạo. Sau quá trình ghép nối phức tạp, hai vệ tinh đã tách ra thành công, khẳng định khả năng ghép nối trong không gian của Ấn Độ. Hiện chỉ có Mỹ, Nga và Trung Quốc thực hiện các sứ mệnh lắp ghép không gian, cho phép các vệ tinh riêng biệt hoạt động như một nhóm, điều phối nhiệm vụ và chia sẻ tài nguyên mà một tàu vũ trụ không thể mang theo.

Giới chuyên gia cho rằng thành công này có “tầm quan trọng đặc biệt” đối với tham vọng không gian và các sứ mệnh sắp tới của Ấn Độ. Vậy ý nghĩa đặc biệt đó như thế nào? Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mô tả việc lắp ghép thành công là “bước đệm quan trọng cho các sứ mệnh không gian đầy tham vọng của Ấn Độ trong những năm tới”. Ông cũng chính là người phát động chiến lược không gian, đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho Ấn Độ bao gồm xây dựng trạm vũ trụ Bhartiya Antriksh vào năm 2035, đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2040. Theo đó, Ấn Độ hy vọng sẽ có một trạm vũ trụ nặng 20 tấn trên quỹ đạo cố định cách Trái Đất 400 km, có khả năng tiếp đón các phi hành gia từ 15 đến 20 ngày/lần.

Đồng quan điểm trên, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Ấn Độ, ông Jitendra Singh cho biết: “Điều này mở đường cho Ấn Độ thực hiện suôn sẻ các sứ mệnh đầy tham vọng trong tương lai”. Nhà vật lý thiên văn Somak Raychaudhury, Hiệu phó trường Đại học Ashoka ở ngoại ô New Delhi, cho biết: “ISRO đã chứng minh được khả năng phóng và đưa mọi thứ vào quỹ đạo cũng như hạ cánh rất tốt. Giờ đây, việc lắp ghép là một phần quan trọng trong các nhiệm vụ sắp tới - và ISRO hiện đang đạt đến một khả năng vô cùng quan trọng”.

Trên thực tế, công nghệ lắp ghép đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc ghép nối trạm vũ trụ và trong các sứ mệnh của phi hành đoàn, cung cấp các phương tiện thiết yếu bao gồm tiếp liệu trên quỹ đạo và lắp ráp cơ sở hạ tầng hạng nặng trong môi trường vi trọng lực.

Sau thành công của sứ mệnh Chandrayaan-3, Ấn Độ đang nỗ lực chuẩn bị cho sứ mệnh Chandrayaan-4, gồm việc thu thập các mẫu vật từ Mặt Trăng để mang về Trái Đất. Ông Raychaudhury giải thích rằng, các nhiệm vụ như Chandrayaan-4 phức tạp đến mức chúng không thể được thực hiện riêng rẽ. Nó quá nặng và các mảnh cần phải kết hợp lại trong không gian trước khi hạ cánh xuống Mặt Trăng để lấy mẫu vật. Chính vì vậy, sứ mệnh này cần tới khả năng ghép nối. Ngoài ra, ISRO có thể cung cấp dịch vụ ghép nối cho những bên có nhu cầu. Những điều kiện nói trên càng thúc đẩy ISRO tăng cường khả năng làm chủ công nghệ này cho các sứ mệnh trong tương lai.

Một nét độc đáo của sứ mệnh SpaDeX là sự kết hợp của hai chục thử nghiệm đến từ các tổ chức phi chính phủ, bao gồm các công ty khởi nghiệp công nghệ vũ trụ và các tổ chức học thuật. Pawan Goenka, Chủ tịch Trung tâm cấp giấy phép và Xúc tiến Không gian Quốc gia Ấn Độ, cho biết: “Bằng cách làm cho (khu vực tư nhân) được tiếp cận nền tảng khoa học này, chúng tôi đang giảm bớt các rào cản gia nhập và cho phép nhiều thực thể hơn đóng góp cho lĩnh vực vũ trụ”.

Khi nói về ISRO, chuyên gia ngành hàng không vũ trụ Ấn Độ Pallava Bagla cho rằng “đây không còn là một tổ chức không gian của Chính phủ Ấn Độ nữa mà hiện là một hệ sinh thái không gian, trong đó ISRO là người chơi chính hiện đang nắm giữ các tổ chức và công ty khởi nghiệp tư nhân”.

Giống như các dự án không gian gây chú ý trước đây của Ấn Độ, SpaDeX được xây dựng và phóng vào vũ trụ với kinh phí eo hẹp. Sau cuộc đổ bộ lịch sử của Chandrayaan-3 xuống Mặt Trăng và sau khi phóng tàu thăm dò mặt trời Aditya-L1 vào quỹ đạo, Chính phủ Ấn Độ tháng 10/2024 đã phân bổ khoản ngân quỹ lớn kỷ lục cho các dự án không gian trong tương lai là 116 triệu USD. Mặc dù đây là khoản tiền kỷ lục của Ấn Độ nhưng nếu so sánh mới mức kinh phí mà các nước trên thế giới đầu tư vào các dự án không gian vũ trụ tương tự thì mức đầu tư này vô cùng khiêm tốn. Thậm chí, mức đầu tư “khủng” này còn ít hơn khoản đầu tư 165 triệu USD mà đạo diễn Christopher Nolan dành cho bộ phim không gian nổi tiếng "Interstellar" và nhỉnh hơn mức 100 triệu USD mà nhà làm phim Alfonso Cuaron dành cho phim "Gravity".

Vậy làm thế nào để các nhà khoa học Ấn Độ có thể làm nên những thành tích “khủng” với số vốn eo hẹp? Ông Mylswamy Annadurai, người đã làm việc 36 năm tại ISRO và được gọi là “Người Mặt Trăng” của Ấn Độ khi ông lãnh đạo sứ mệnh Chandrayaan-1 thực hiện khám phá quan trọng về nước trên Mặt Trăng, chỉ rõ: “Chúng tôi chỉ chế tạo và bay một module phần cứng, không giống như 4-5 thiết bị thử nghiệm của các cơ quan khác”. Bên cạnh đó, ông liệt kê những cách mà các nhà khoa học vũ trụ của Ấn Độ cắt giảm chi phí như: “Sử dụng phương tiện phóng vừa phải, thiết kế khéo léo, lập biểu đồ cho các chuyến đi dài hơn và chậm hơn cũng như sử dụng ít nhiên liệu hơn”.

Theo chuyên gia Raychaudhury, sử dụng các nguồn lực đơn giản là “một trong những đặc điểm nổi bật của các sứ mệnh ISRO”. Ông nhấn mạnh: “ISRO có những cách tiếp cận mới và đảm bảo sử dụng tài nguyên một cách rất tiết kiệm”. Tuy nhiên, ông cho rằng “việc cố định ngân sách này hiện đang trở thành một rào cản. Đổi mới phải là bản sắc của ISRO chứ không phải tính tiết kiệm”.

Thành công nói trên đã cho thấy khả năng tối ưu hóa nguồn lực của ISRO trong nỗ lực đạt được các mục tiêu sứ mệnh. Thành tựu của Ấn Độ trong không gian là minh chứng cho năng lực và quyết tâm khoa học của quốc gia Nam Á. Thành tựu này không chỉ chứng tỏ khả năng công nghệ tiên tiến của Ấn Độ mà còn mở rộng vai trò của New Delhi trong thị trường không gian toàn cầu, dự kiến sẽ đạt giá trị 400 tỷ USD trong tương lai.

Ngọc Thúy (TTXVN)
SpaceX phóng 2 tàu đổ bộ tư nhân của Mỹ và Nhật Bản lên Mặt Trăng
SpaceX phóng 2 tàu đổ bộ tư nhân của Mỹ và Nhật Bản lên Mặt Trăng

Ngày 15/1, Tập đoàn công nghệ khai phá không gian SpaceX đã phóng 2 tàu đổ bộ của Mỹ và Nhật Bản lên Mặt Trăng, trong bối cảnh các công ty toàn cầu đang chạy đua nghiên cứu bề mặt của Mặt Trăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN