Nhận thức được tầm quan trọng này, Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã triển khai và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 từ rất sớm để tạo đà cho sự phát triển của Tập đoàn các năm tiếp theo.
Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết, VNPT tiếp cận sớm với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua việc bắt tay vào xây dựng chiến lược phát triển chung của doanh nghiệp và Chiến lược VNPT 4.0. Từ đó, vạch rõ con đường để VNPT chuyển đổi mạnh từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số với mục tiêu tới năm 2025 trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam.
Với định hướng này, VNPT đã xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực với các kế hoạch cụ thể để đến năm 2020 sẽ bổ sung khoảng 5.000 nhân lực tiếp cận các dịch vụ số. Để thực hiện mục tiêu này, VNPT đã thực hiện hàng loạt chương trình hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với các trường đại học trên cả nước. Không chỉ riêng trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin truyền thống mà trong nhiều lĩnh vực khác như y tế, nông nghiệp…
VNPT hiện đã xây dựng được đội ngũ cán bộ có nền tảng tốt về viễn thông – công nghệ thông tin truyền thống. Tuy nhiên, khi chuyển sang kinh doanh các dịch vụ số, yêu cầu tiếp cận với tầm khu vực và thế giới vẫn còn khoảng cách rất lớn và thay đổi là điều vô cùng cần thiết. Cùng với đó, hợp tác cùng phát triển là một trong những nội dung quan trọng mà VNPT đẩy mạnh thông qua chương trình nghiên cứu, phát triển và triển khai các chương trình vườn ươm, hoạt động mua bán và sáp nhập.
Theo ông Phạm Đức Long, để phát triển nhanh, VNPT hợp tác với nhiều trường đại học trên cả nước và cả các doanh nghiệp tư nhân nhằm xây dựng các hệ thống nghiên cứu về nhiều lĩnh vực khác nhau như: 5G, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, an ninh mạng…. Đồng thời, tham gia các chương trình vườn ươm để thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển dịch vụ số tại Việt Nam cũng như tìm kiếm các đối tác tiềm năng.
Ngoài hỗ trợ kinh phí, VNPT tạo cơ hội cho các startup tiếp cận các công nghệ hiện đại cùng sự hướng dẫn của các chuyên gia đầu ngành, hỗ trợ startup thương mại hóa sản phẩm… Bên cạnh đó, VNPT dự kiến dành 1 tỷ USD cho hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong giai đoạn 2018-2025. Riêng hoạt động nghiên cứu và phát triển trong giai đoạn 2018 - 2025, VNPT sẽ dành khoảng 300 triệu USD thực hiện.
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên cho biết, để nắm bắt được những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, Việt Nam phải nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số. Trong quá trình thực hiện, VNPT nhận thấy việc hợp tác cùng phát triển và chuẩn bị hạ tầng thông minh cho việc chuyển đổi số là rất quan trọng. Bên cạnh đó, giống như tất cả các doanh nghiệp khác, VNPT cũng phải đối mặt với thách thức chuyển đổi số mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra. Với đặc thù lĩnh vực hoạt động, VNPT sẽ chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để giải quyết những thách thức, đón đầu những thời cơ mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại.
Cùng đó, sớm nắm bắt được xu hướng phát triển của công nghệ và bắt tay vào việc chuyển đổi số; hiện đại hóa hạ tầng mạng lưới của mình theo hướng hạ tầng thông minh và phát triển các dịch vụ công nghệ thông tin cho các cấp chính quyền địa phương, ngành y tế, giáo dục….
Hạ tầng mạng cáp đồng cũng được VNPT chuyển đổi hoàn toàn sang cáp quang tại 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh. Nếu như năm 2014, lượng thuê bao internet cáp quang của VNPT chỉ chiếm 10% tổng số thuê bao internet băng rộng cố định thì tới nay con số này lên tới 95%.
Tốc độ nhanh và độ ổn định cao của mạng cáp quang đã giúp VNPT tăng gấp đôi lượng thuê bao internet băng rộng cố định sau gần 4 năm. Đến nay, VNPT đã sở hữu hạ tầng mạng lưới dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin truyền thống, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, tin cậy phủ sóng trong cả nước. Đồng thời, phát triển và cập nhật các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo… đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.