Tìm giải pháp để các doanh nghiệp vừa và nhỏ bứt phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đều đang thờ ơ hoặc xem những khái niệm của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đều rất xa vời...

Ngày 20/9, tại TP Hồ Chí Minh, Hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phối hợp cùng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HIDS) và Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) tổ chức hội thảo “Chuyển đổi kinh tế số Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”, nhằm tìm các giải pháp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), cung cấp các kiến thức về nền tảng số hóa, chia sẻ về lộ trình chuyển đổi số cũng như ứng dụng công nghệ 4.0 trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC cho biết, hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ được coi là động lực tăng trưởng và đổi mới sáng tạo, với số lượng chiếm tới 97% và sử dụng hơn 50% lao động trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, sự năng động của khối doanh nghiệp này cũng đóng góp tới 40% GDP và sử dụng tới 51% lao động.

Chú thích ảnh
Giao lưu với các diễn giả là chuyên gia nghiên cứu, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số, tại hội thảo.

Tuy nhiên, sự đóng góp này vẫn còn khá nhỏ bé do hàm lượng sử dụng công nghệ còn thấp. Điều đáng nói là hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đều đang thờ ơ hoặc xem những khái niệm của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đều rất xa vời...

Ông Vũ Ngọc Anh, Giám đốc điều hành AVSE Global tin tưởng nếu dành đủ sự quan tâm và quyết tâm cho Cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ chuyển biến nhanh chóng, tạo ra một thế hệ các doanh nghiệp lớn tiếp theo, dẫn dắt nền kinh tế, giúp Việt Nam cất cánh.
 
Các SME cũng như các Startup (doanh nghiệp khởi nghiệp) đều có thể chuyển đổi số dễ dàng trong các hoạt động của mình. Điển hình như Ami, một công ty công nghệ triển khai ứng dụng “Quản gia thời 4.0”, ứng dụng hỗ trợ những người cho thuê nhà riêng lẻ, được phát triển thành một hệ sinh thái với 26 sản phẩm ứng dụng phục vụ cho việc quản lý bất động sản trên diện rộng.

Sản phẩm đã đoạt giải Nhất trong Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp Techfest 2017. Mục tiêu năm 2018 của Ami là quản lý 20.000 phòng và đã nhận được cam kết của một nhà đầu tư nước ngoài số tiền 200 tỷ đồng, nhằm tiếp tục phát triển các nền tảng mà Ami đã và đang xây dựng có thể ứng dụng trong mọi lĩnh vực từ y tế đến giao thông, nông nghiệp.

Tại hội thảo, Hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu và Công viên phần mềm Quang Trung công bố sự kiện “Diễn đàn kinh tế số hóa Việt Nam 2018” (Vietnam Digital Economy Forum - VDEF) lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam về “Kinh tế số hóa” nhằm tạo cơ hội đối thoại đa phương cho các chuyên gia hàng đầu, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp quan tâm đến chủ đề này trên toàn thế giới.

Hai mục tiêu chính của VDEF 2018 là chia sẻ tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm thực tế của những người tiên phong và xu hướng của sự chuyển đổi không thể thiếu trong nền kinh tế kỹ thuật số; đồng thời đánh giá hiện trạng, thách thức và cơ hội liên quan đến nền kinh tế kỹ thuật số.

VDEF 2018 dự kiến diễn ra tháng 11/2018, thu hút trên 500 đại biểu tham dự, quy tụ các diễn giả hàng đầu từ quốc tế, đại diện Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp điển hình trong nước. VDEF có 4 phiên chính, gồm: Con đường 4.0 của Việt Nam; công nghệ số tác động đến các quyết định chiến lược của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME); ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của SME; các dịch vụ số hỗ trợ doanh nghiệp SME.

Tin, ảnh: Thế Anh (TTXVN)
Hợp tác xã nhập cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Hợp tác xã nhập cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Có thể nói, thương mại điện tử được xem như một trong những giải pháp hiệu quả, bền vững để các hợp tác xã nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường cũng như tham gia sâu vào các hoạt động kinh tế trước cách mạng công nghiệp 4.0.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN