Yasa - Bộ luật của Thành Cát Tư Hãn - Kỳ cuối: Những gì còn lại

Do hiện tại không còn một bản Yasa nào được tìm thấy, nhiều sử gia hiện đại nghi ngờ sự tồn tại của bộ luật này. Tuy nhiên, phần lớn đều trích dẫn những đoạn đề cập đến Yasa trong các thư tịch cổ là bằng chứng rằng nó thực sự đã từng có mặt trên đời.


Các binh sĩ Mông Cổ trong trận chiến.


Những người chép sử Trung Quốc ghi lại rằng Yasa đã được áp dụng khi Mông Cổ thống trị toàn cõi Trung Hoa và con trai của Thành Cát Tư Hãn là Oa Khoát Đài thề sẽ gìn giữ nó. 60 năm sau, quan lại nhà Nguyên đã tạo ra một bộ luật mới, phần lớn dựa trên một phiên bản đã sửa đổi của Yasa, phù hợp hơn với hệ thống luật pháp của Trung Quốc.


Vào giữa thế kỷ 13, sử gia người Ba Tư Ata al-Mulk Juvanyi, lúc đó đang làm quan trong Đế quốc Mông Cổ, đã viết ra bộ Ta’rika-I Jahan-gusha (Lịch sử nhà chinh phục thế giới), một cuốn tiểu sử về Thành Cát Tư Hãn dựa trên những cuộc nói chuyện với các nhà lãnh đạo Mông Cổ. Juvanyi đã liệt kê nhiều giáo lý của Yasa và kể lại vị Đại Hãn đã ra lệnh ghi chép lại và cất giấu nó vào kho bí mật như thế nào. Juvanyi còn nhắc đến rằng Yasa nhìn chung phù hợp với Sharia, bộ luật Hồi giáo bắt nguồn từ kinh Koran - một điều hết sức quan trọng với những nước Hồi giáo bị chinh phục.


Tuy vậy, một số người Hồi giáo quy kết Yasa là mối đe dọa đối với kinh Koran của người Hồi giáo. Những người khác lập luận rằng khác với Koran, Yasa không có nguồn gốc thần thánh, và vì thế họ được quyền tuân theo các giáo lý của nó như một chỉ dẫn cho cuộc sống.


Trích đoạn Mông Cổ bí sử, bản dịch tiếng Hán.


Khoảng năm 1420, người đứng đầu vương quốc Timurid, Ulugh Beg, đã đi từ quê hương ở tây Afghanistan đến Samarkand (Uzbekistan ngày nay) để học hỏi Yasa từ Tiểu vương Khubaidad. Tiểu vương Beg tỏ bày: “Ngài biết Yasa. Hãy dạy tôi để tôi có thể dùng nó để cai trị vương quốc của mình”. Khubaidad đáp lại: “Chúng tôi từ lâu đã nguyền rủa và từ bỏ Yasa và áp dụng luật của đấng tiên tri. Nhưng nếu ông, với kiến thức khổng lồ về luật pháp, coi Yasa đáng để học, thì tôi sẽ dạy ông và bản thân tôi sẽ bội giáo”.


Bằng chứng thuyết phục nhất về sự tồn tại của Yasa nằm trong cuốn Mông Cổ bí sử, một văn bản bằng chữ Duy Ngô Nhĩ được các thành viên hoàng tộc Mông Cổ viết không lâu sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời. May mắn thay, trước khi bị đánh mất, bản gốc đã được chép lại sang tiếng Hán. Bản chữ Hán sau này cũng bị thất lạc, nhưng tái xuất giữa thế kỷ 19. Từ đó nó đã được chuyển ngữ và nghiên cứu sâu rộng, cung cấp nhiều sử liệu về tổ tông, thuở niên thiếu của Thiết Mộc Châu, và đương nhiên là cả bộ đại luật Yasa.


Các học giả đã đặt ra nhiều giả thuyết tại sao Yasa không được lưu giữ sau thời Thành Cát Tư Hãn. Có thể là do nhiều người Hồi giáo lo sợ nó sẽ thách thức Koran, các nhà cai trị Mông Cổ ở Tây Á đã hạ cấp Yasa để tránh xa lánh những mảnh đất họ mới xâm chiếm được. Một lý do quan trọng khác là mặc dù một số hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn cũng đạt được những thành tích vĩ đại, song không ai sở hữu quyền lực tuyệt đối như ông. Có thể vì thế họ không muốn áp đặt cho các thần dân của mình một bộ luật vốn đòi hỏi phải có lòng trung thành và tận tụy vô điều kiện với các nguyên tắc cao quý.


Sau cái chết của Thành Cát Tư Hãn, ngày càng nhiều người trong đế quốc Mông Cổ quay lưng lại với tư tưởng tập thể và những lý tưởng xã hội tiến bộ để theo đuổi các mục tiêu trước mắt hay của cải vật chất. Trước đó, không ít người coi Yasa là một thứ “ma thuật” vì Thành Cát Tư Hãn có rất nhiều thuật sĩ xung quanh. Các thuật sĩ Mông Cổ uy quyền có lẽ lo sợ thảm họa sẽ xảy ra nếu một thứ ma thuật và đầy sức mạnh như thế rơi vào tay những kẻ xấu xa, nên có thể đã thúc giục hủy bỏ nó.


Trước khi chết, Thành Cát Tư Hãn đã cảnh báo rằng nếu hậu duệ của ông “không trung thành với Yasa thì quyền lực của đất nước sẽ tan vỡ và chấm dứt”. Những lời nói này sau đó hoàn toàn đúng, vì sau khi từ bỏ Yasa, đế quốc Mông Cổ đã từ từ sụp đổ.


Hiểu biết hiện tại về Yasa chủ yếu là từ các tác gia Mông Cổ, Trung Quốc và Hồi giáo trước kia và một phần thông qua việc quan sát hành vi đạo đức cũng như cách ứng xử trong nhiều nền văn hóa khác nhau của đế quốc Mông Cổ. Nhiều sử gia hiện đại nhất trí rằng nó thực sự đã từng xuất hiện với tư cách một bộ luật chính thức phản ánh tín ngưỡng và tư tưởng của Thành Cát Tư Hãn. Bất chấp việc không một bản Yasa nào còn lại đến ngày nay, cốt lõi và truyền thống của nó vẫn tồn tại để đem đến cho người đời sau một cái nhìn, dù là thoáng qua, về một vị vua thích chinh phục và để lại nhiều tranh cãi này.



Trần Anh

Yasa - Bộ luật của Thành Cát Tư Hãn - Kỳ 2: Cai trị xã hội
Yasa - Bộ luật của Thành Cát Tư Hãn - Kỳ 2: Cai trị xã hội

Thành Cát Tư Hãn không chỉ là một thiên tài quân sự. Khả năng lãnh đạo của ông còn góp phần gây dựng đế quốc Mông Cổ thành một xã hội trong đó người tài được trọng dụng; quan lại được bổ nhiệm không phải vì giàu có hay quen thân, mà phải có năng lực, thành tích và trí tuệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN