Yasa - Bộ luật của Thành Cát Tư Hãn - Kỳ 2: Cai trị xã hội

Thành Cát Tư Hãn không chỉ là một thiên tài quân sự. Khả năng lãnh đạo của ông còn góp phần gây dựng đế quốc Mông Cổ thành một xã hội trong đó người tài được trọng dụng; quan lại được bổ nhiệm không phải vì giàu có hay quen thân, mà phải có năng lực, thành tích và trí tuệ.


 

Đế chế Mông Cổ vào cuối thế kỷ 13.

 

Thành Cát Tư Hãn rất giỏi về xây dựng chế độ chính trị và xã hội, nhưng ông cũng nhận ra tầm quan trọng của giao thương và ngoại giao. Để thúc đẩy quan hệ với bên ngoài cũng như trao đổi hàng hóa và tư tưởng, ông đã cho ban hành các loại thẻ bài lớn bằng vàng và bạc, gọi là “bài tử”, và phân phát cho một số nhà buôn, sứ thần và các nhân vật quan trọng khác. Là tấm giấy thông hành cấp cao nhất, “bài tử” cho phép họ đi lại an toàn trong khắp đế quốc Mông Cổ. Yasa quy định rằng những ai can thiệp, không giúp đỡ hay cản trở những người này sẽ đều bị xử tử.


Vị Khả Hãn coi các nền văn minh thịnh vượng giáp giới với thảo nguyên mênh mông của ông, mà chủ yếu là Trung Hoa về phía nam và các nhà nước Hồi giáo ở phía tây, là những nguồn trí thức và kinh tế có thể khai thác được. Ông đã nhận được không ít lời chỉ giáo của các ngoại giao quan Trung Hoa và xây dựng thương mại với giới nhà buôn Hồi giáo. Yasa thậm chí còn thiết lập một hệ thống tín báo bằng các kíp ngựa, để mọi thông tin của đế chế được đưa đến kịp thời nhất.


 

Tượng dựng lại Thành Cát Tư Hãn.

 

Với quy định hầu hết mọi dạng tội phạm đều bị trừng phạt, Yasa đóng vai trò then chốt trong việc duy trì trật tự trên khắp đế quốc Mông Cổ. Nó đặt ra những hình phạt nghiêm khắc để giảm thiểu tội phạm hình sự và lừa đảo tiền bạc. Những ai 3 lần đi vay mượn mà không trả lại được sẽ bị xử tử. Kẻ trộm ngựa nếu không trả lại được sẽ phải để chủ nợ lấy đi con cái (nếu không có con, người đó sẽ bị chặt cơ thể ra làm đôi). Hình phạt cho những vụ trộm cắp nhỏ hơn thì tùy thuộc vào giá trị của những thứ bị lấy cắp, ngoài ra kẻ trộm còn phải chịu đòn 7, 17, 27 hay 700 gậy. Kẻ nào muốn thoát án phạt này có thể trả lại gấp 9 lần giá trị thứ đồ ăn cắp.


Không những vậy, Yasa còn là một bộ luật suy tôn đạo đức và danh dự. Ngay từ thời đó, việc đàn ông ngoại tình đã bị coi là tội lỗi nghiêm trọng và sẽ phải chịu hình phạt là cái chết. Những kẻ dối trá, hành nghề yêu thuật, dò xét người khác hay chen vào tranh chấp để giúp một bên cũng đều phải chịu án tử. Không ai được phép hỗn xược với người già hay khinh thường người ăn xin.


Yasa còn coi sở hữu tài sản là một quyền bất khả xâm phạm và kiểm soát rất chặt chẽ việc bảo vệ hay truyền lại những tài sản đó. Nó quy định rằng ai tìm thấy nô lệ hay tù binh mà không trao trả lại cho chủ nhân thì đều đáng bị xử tử. Chỉ những người thừa kế hợp pháp duy nhất mới được thừa hưởng tài sản của người quá cố.


Trong khi đó, bộ luật này không ngừng khuyến khích phát triển các kỹ năng cá nhân có lợi cho xã hội. Đặc biệt nhất, các y sư, học giả, giáo sĩ hay những người tẩy rửa xác chết đều không phải chịu tô thuế.


Thành Cát Tư Hãn chỉ tin vào đơn thần. Bộ luật Yasa của ông áp đặt niềm tin đó lên tất cả dân chúng. Với ông, chỉ có một vị thần duy nhất sinh ra trời đất, tạo ra sinh tử, giàu nghèo, có quyền năng tối cao. Tuy nhiên, nó cũng ngăn cấm việc đàn áp và trói buộc các tôn giáo mà ông đã chinh phục. Mọi tôn giáo đều phải được tôn trọng, nhưng cũng không có sự thiên vị nào.


Ông còn dùng luật để đưa ra những lời răn dạy của chính mình. Theo đó, nếu không thể cai rượu, một người đàn ông được phép say 3 lần mỗi tháng. Vượt số này là có tội. Những người không màng rượu chè được coi là cao quý nhất.


Khả Hãn cũng cho phép sửa đổi và cải tiến Yasa. Khi đế quốc Mông Cổ mở rộng, ông dựa vào văn hóa Trung Hoa ở phương nam và truyền thống Hồi giáo ở phía tây để hoàn thiện cũng như bổ sung các điều luật. Không những thế, dù thất học và chỉ biết tiếng Mông, ông nhanh chóng nhận ra tầm quan trọng của chữ viết. Một trong số những thành tựu vĩ đại nhất của ông là dựa trên văn tự Duy Ngô Nhĩ để tạo ra chữ viết Mổng Cổ, và đó chính là thứ chữ viết dùng để ghi chép lại bộ luật Yasa. Khi nó đã được ghi lại, ông ra lệnh cất giấu các cuộn giấy Yasa vào tàng thư bí mật và chỉ cho phép một số người trong hoàng tộc được đọc.


Trần Anh

Đón đọc kỳ cuối: Những gì còn lại

Yasa - Bộ luật của Thành Cát Tư Hãn
Yasa - Bộ luật của Thành Cát Tư Hãn

Là một bộ luật rộng lớn, nhiều chi tiết với những nội dung luân lý tâm linh khác thường, Yasa còn hơn cả một thứ luật pháp. Nó chính là công cụ đầy sức mạnh mà Thành Cát Tư Hãn dùng để duy trì trật tự chính trị và quân sự, một chỉ dẫn đạo đức, tư tưởng cho xã hội...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN