‘Vua sư tử’ của Mali - Người sáng lập đế chế giàu có nhất châu Phi

Đế chế Mali không chỉ nổi tiếng trong phạm vi châu Phi mà còn vang danh ra ngoài biên giới lục địa.

Chú thích ảnh
Hình ảnh Sunjata Keita. Ảnh: RT

Hoàng đế của đế chế này, Mansa Musa, từng xuất hiện trên các bản đồ châu Âu thời trung cổ với dòng mô tả: “Nhà vua là người giàu có và cao quý nhất vì đất nước của ông rất nhiều vàng”. Dưới triều đại của ông, đế chế Mali đạt đến đỉnh cao quyền lực. Tuy nhiên, chính người dân Mali lại thường xem một vị vua khác, Sunjata Keita, là nhân vật có tầm quan trọng lớn nhất. Ông là người sáng lập Đế chế Mali, hay còn được gọi là “Vua sư tử”.

Người dân Mali ngày nay rất coi trọng lịch sử trước thời kỳ thực dân, đặc biệt là giai đoạn đế chế trung cổ. Dù vẫn giữ nguyên tên gọi, nhưng ranh giới của nhà nước Mali hiện đại khác xa so với lãnh thổ đế chế này trước đây.

Đế chế này khởi nguồn từ một vương quốc nhỏ nằm ở thượng nguồn sông Niger. Ở thời kỳ cực thịnh vào thế kỷ 14, Mali bao gồm các vùng lãnh thổ tương ứng với các quốc gia ngày nay như Senegal, Mali, Guinea, Guinea-Bissau, Mauritania, Burkina Faso, Gambia và Bờ Biển Ngà.

Lịch sử về đế chế Mali vĩ đại được biết đến thông qua thiên sử thi Sunjata. Câu chuyện này đã được truyền miệng từ khoảng thế kỷ 13, được các griot gìn giữ qua nhiều thế hệ. Griot là ca sĩ và người kể chuyện, một vai trò thường được truyền từ cha sang con. Griot là một nét văn hóa đặc trưng của các quốc gia Tây Phi. Trong thời cổ đại, họ đóng vai trò cố vấn cho các vị vua, đưa ra lời khuyên và hướng dẫn về dòng dõi cũng như sứ mệnh cai trị.

Câu chuyện về “Vua sư tử”

Sử thi Sunjata kể về Sunjata - người sáng lập vĩ đại của Đế chế Mali. Câu chuyện này là hành trình chữa lành và chiến thắng cái ác. Mặc dù các griot mô tả nhiều phép màu xung quanh nhân vật Sunjata, nhưng ông không phải là một nhân vật huyền thoại mà là một nhân vật lịch sử có thật. Giai đoạn này được giảng dạy chi tiết ngay từ bậc tiểu học.

Những người xung quanh ông đã nhận thức được vận mệnh vĩ đại của ông ngay cả trước khi ông chào đời. Một thợ săn quyền năng đã tiên đoán điều này với cha của ông. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe kém của Sunjata (ông không thể đi lại) khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng trở thành người kế vị, đặc biệt là sau khi cha ông qua đời và việc kế thừa ngai vàng trở thành vấn đề cấp bách.

Người vợ cả của vua vốn mong muốn con trai mình lên nắm quyền và đã không ngừng hành hạ, làm nhục mẹ của Sunjata. Khi sự chịu đựng chạm đến giới hạn, bà trút giận lên chính con trai mình. Điều này trở thành động lực để Sunjata thực hiện một quá trình chữa lành kỳ diệu. Theo yêu cầu của Sunjata, các thợ rèn đã rèn một cây gậy giúp ông đứng dậy. Chính cây gậy này cũng trải qua một sự biến đổi kỳ diệu, uốn cong và biến thành một cây cung, giúp Sunjata vượt qua những giới hạn thể chất và trở thành một người đàn ông mạnh mẽ, đúng như lời tiên tri. Sau đó, ông nhổ bật một cây bao báp từ gốc và dâng lên mẹ mình.

Khoảnh khắc ra đời của người anh hùng được griot cất lên bằng những lời ca: “Tránh đường, tránh đường! Tránh đường!/ Sư tử đã đi!/ Lũ linh dương, hãy trốn đi/ Sư tử đang đến!”

Có thể hiểu được nếu ai đó thắc mắc về lý do lựa chọn hình tượng sư tử. Trước hết, sư tử là linh vật của dòng dõi bên nội của Sunjata. Thứ hai, điều này được phản ánh trực tiếp trong tên của ông, vốn có thể dịch nghĩa đen là “Jara của Sogolon” (Sogolon là tên mẹ ông, còn jara nghĩa là “sư tử”). Sau này, tên ông được rút gọn thành Sunjata và ông được gọi là “Vua sư tử”.

Mặc dù có nhiều điểm tương đồng với cốt truyện của bộ phim hoạt hình nổi tiếng cùng tên, nhưng công ty Walt Disney khẳng định rằng nguồn cảm hứng sáng tạo của mình không bắt nguồn từ lịch sử tiền thuộc địa của châu Phi, mà thay vào đó là từ vở Hamlet của Shakespeare.

Hành trình của Sunjata

Chú thích ảnh
Sunjata Keita. Ảnh: Wikipedia

Việc Sunjata hồi phục một cách kỳ diệu đã củng cố lời tiên tri rằng ông sẽ kế vị ngai vàng và đưa Mali vươn lên vĩ đại, khiến người vợ cả của vua càng thêm lo lắng. Bà ta tìm cách vô hiệu hóa ông. Để bảo vệ con trai và một người con gái khác của mình, mẹ ông là bà Sogolon đã quyết định rời khỏi vương quốc.

Trong thời gian lưu vong, Sunjata trở thành một thợ săn tài ba, đồng thời thể hiện sự tinh thông về phép thuật theo truyền thống Tây Phi. Sau này, ông lãnh đạo cuộc kháng chiến chống kẻ tiếm quyền Soumaoro Kanté, người đã chiếm đoạt vương quốc.

Câu chuyện trên chỉ là một phiên bản của sử thi Sunjata, bởi có hơn 60 bản ghi chép được ghi lại, cùng vô số cách diễn giải khác được lưu giữ bởi các griot trên khắp châu Phi. Điều có thể khẳng định chắc chắn là mọi người Mali, bất kể sắc tộc nào, đều tự hào về Sunjata. Dù câu chuyện chủ yếu thuộc về người Malinke, nhưng đã trở thành di sản của cả châu lục. Trong các cuộc khảo sát, Sunjata Keïta luôn được nhắc đến là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử châu Phi. Sử thi này cũng đã được chuyển thể thành nhiều bộ phim và vở kịch.

Tuy nhiên, câu chuyện về “Vua sư tử” không kết thúc khi ông đánh bại kẻ xâm lược Soumaoro. Sau chiến thắng, Sunjata đối mặt với thử thách tái thiết một vương quốc đã suy yếu. Một trong những hành động đầu tiên của ông là thiết lập Hiến chương Kurukan Fuga, còn gọi là Hiến pháp Manden.

Tại Kurukan Fuga (Mali), Sunjata triệu tập cả đồng minh lẫn sứ giả của phe bại trận để cùng nhau định hình cơ cấu chính trị tương lai của Đế chế Mali. Ông được tuyên bố là mansa - nghĩa là người cai trị toàn bộ vùng Manden, đồng thời xác lập quy tắc chuyển giao quyền lực từ anh trai sang em trai.

Tại Kurukan Fuga, những nguyên tắc cơ bản về tổ chức xã hội, quyền và nghĩa vụ của công dân đã được thiết lập. Được tạo ra vào năm 1236, hiến chương này thường được coi là bản hiến chương nhân quyền lâu đời nhất được biết đến. Ban đầu, hiến chương được các griot của Sunjata truyền miệng và duy trì trong nhiều thế kỷ. Mãi đến những năm 1990, bản Hiến chương mới được dịch sang tiếng Pháp và đến năm 2009, hiến chương này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hiến chương Kurukan Fuga gồm một lời mở đầu, bảy chương và 44 điều khoản. UNESCO mô tả ngắn gọn nội dung của hiến chương này là những nguyên tắc về hòa bình xã hội trong sự đa dạng, tính bất khả xâm phạm của con người, giáo dục, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh lương thực, xóa bỏ chế độ nô lệ và quyền tự do ngôn luận cũng như thương mại.

Kể từ khi giành được độc lập vào năm 1960, nhà nước Mali hiện đại đã tích cực sử dụng sử thi Sunjata để kiến tạo bản sắc dân tộc. Chiến lược này nhằm đoàn kết các dân tộc khác nhau trên lãnh thổ Mali quanh hình ảnh của đế chế Mali vĩ đại - thực thể tồn tại trước khi nước cộng hòa hiện đại hình thành.

Ngoài ra, những cuộc trao đổi với người dân Mali cho thấy chính phủ nước này đang duy trì sự cân bằng tinh tế giữa truyền thống và hiện đại - điều mà nhiều quốc gia châu Phi khác chưa làm được.

Thùy Dương/Báo Tin tức (RT)
Bí ẩn lời nguyền xác ướp trong lăng mộ Vua Ai Cập Tutankhamun
Bí ẩn lời nguyền xác ướp trong lăng mộ Vua Ai Cập Tutankhamun

Năm 1922, nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter đã tìm thấy thứ mà ông đã bỏ suốt 6 năm tìm kiếm: lăng mộ Vua Tutankhamun. Lăng mộ nép mình trong Valley of the Kings (Thung lũng các vị vua) gần Luxor (Ai Cập) và kho báu trong lăng mộ vẫn được coi là một trong những phát hiện huyền thoại nhất của ngành khảo cổ học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN