Vụ nổ kho vũ khí chấn động ở Anh cách đây 75 năm - Kỳ cuối

Những gì diễn ra bên dưới lòng đất trong kho đạn cũng kinh hoàng không kém những gì xảy ra bên trên mặt đất sau vụ nổ tại Hanbury (Anh) năm 1944.

Kỳ cuối: Bí mật bị bưng bít

Con số thương vong

21 người đang làm việc trong hầm mỏ dọc đường ray hẹp để chuyển thạch cao ra ngoài thì vụ nổ xảy ra trong các đường hầm bên cạnh kho đạn quân sự.

Chú thích ảnh
Các ngôi nhà bị phá hủy sau vụ nổ. Ảnh: Dailymail

Do giữa các hầm có một bức tường bê tông lớn chắn nên họ sống sót được sau phát nổ ban đầu dù bị áp lực thổi văng lên khỏi mặt đất. Tuy nhiên, do không có báo động sơ tán nên họ tiếp tục làm việc rồi bị đám mây khí CO độc hại bao trùm sau vụ nổ. 5 người ngạt tới chết, ngã gục khi cố thoát ra ngoài.

Những người giải cứu anh hùng đã cố gắng đưa được toàn bộ thợ mỏ ra ngoài kịp thời. Nhiều người bất tỉnh. Trong số những người chết, có một người có 8 đứa con, một người có 7 đứa con.

Thương vong trong các hầm thuộc kho đạn chắc chắn không tránh khỏi. 27 người, trong đó có 6 nhân sự thuộc Không quân Hoàng gia Anh và 6 tù binh chiến tranh Italy, thiệt mạng.

Phi công Ken McCleod là một trong số những người cuối cùng thoát ra ngoài. Anh đang làm việc trong hang với 4 người Italy để đưa thùng đạn lên dây băng chuyền. Anh và ba đồng nghiệp khác đang kiểm tra xem các thùng đạn có phù hợp để sử dụng không.

Đột nhiên, McCleod nói: “Có một tiếng nổ kinh hoàng và tôi bị văng vào tường. Đèn tắt phụt và có tiếng nổ thứ hai, mạnh hơn tiếng thứ nhất”. Một tảng thạch cao lớn từ trên mái rơi xuống và suýt trúng McCleod. Họ nắm tay nhau trong bóng tối và lần đường ra ngoài dọc đường ray. 

Sau khi ho sặc sụa suốt quãng đường, họ đã tới được lối ra. Thứ đầu tiên McCleod nhìn thấy qua làn khói đen đặc bốc lên từ đường hầm là một lính gác bị thổi bay người trong vụ nổ. 

Đội cứu hộ trong ngày hôm đó đã rất anh hùng, từ lính cứu hỏa, quân nhân từ cơ sở không quân gần đó cho tới các thành viên nhóm cứu hộ mỏ trong vùng. Tất cả đều nỗ lực dập lửa trong mê cung đường hầm đổ nát. Họ biết rằng một kho 10.000 quả bom đang nằm rất gần với ngọn lửa và có thể nổ bất kỳ lúc nào.

Chú thích ảnh
Một số loại đạn dược trong kho đạn. Ảnh: Dailymail

Những người vừa mới tìm được đường ra ngoài liền quay lại và lao mình vào hầm, tìm những người sống sót. Tất cả trong cộng đồng nhỏ bé đó chung sức để cứu giúp nhau, thể hiện lòng dũng cảm tuyệt vời. Điển hình là Mary Cooper, người đã dọn dẹp và lau chùi nhà xác tạm dựng lên trong trường làng và đích thân làm nhiệm vụ liên quan tới thi thể nạn nhân. Một trong những thi thể đầu tiên mà bà Cooper phải xử lý là thi thể của chính chồng mình, người bị ngạt khí độc trong hầm mỏ.

Gần ba tháng trời, cuộc tìm kiếm thi thể người chết trong đống đổ nát trên một diện tích rộng mới kết thúc, nhưng không ai tìm thấy dấu vết của 18 người biến mất trong vụ nổ. Họ đều bị coi là đã chết. Ít nhất 70 người chết.

Con số người chết có thể sẽ lớn hơn nhiều vì quy mô hoạt động ở đơn vị bảo dưỡng số 21 là rất lớn. May mắn là chỉ một phần kho đạn phát nổ hôm đó và khu đó chỉ chứa 4.000 tấn bom. May mắn là đám cháy không lan ra khu vực chứa đạn chính, nơi có số thuốc nổ nhiều hơn ba lần. Các cột đá trong hầm ở khu vực này vẫn trụ vững và che chắn cho nó trước vụ nổ.

Nếu khu vực đó cũng phát nổ, sức hủy diệt sẽ lớn hơn rất nhiều và thiệt hại sẽ kinh hoàng hơn. Khi đó, các điều tra viên cho rằng thị trấn Burton-on-Trent với dân số 50.000 người sẽ chỉ còn là đống gạch vụn.

Bưng bít thông tin

Thảm kịch tồi tệ nhất đã được ngăn chặn nhưng tin tức về những gì đã xảy ra thì không ai ngăn chặn được. Bất chấp tình trạng kiểm duyệt thời chiến nghiêm ngặt và Bộ Thông tin và Văn phòng Chiến tranh ra sức bưng bít vụ nổ nhưng trang nhất tờ Derby Evening Telegraph vẫn chạy dòng tít: “Nhiều người chết và bị vùi trong vụ nổ: Thảm họa kho đạn chôn người dưới lòng đất, vùng quê bị oanh tạc”.

Chú thích ảnh
Sức hủy diệt của vụ nổ rất lớn. Ảnh: Dailymail

Phóng viên đầu tiên tới hiện trường đã ghi nhận về một mảnh đất bị xới tung và khung cảnh trông giống như bãi chiến trường. Tờ Manchester Guardian bình luận: “Chiến trường Pháp và Đức đã được tái hiện ở góc này nước Anh”.

Giới chức Anh rất giận dữ vì báo chí phớt lờ lệnh cấm và làm ảnh hưởng đến tinh thần chung của dư luận Anh. Lý do Anh tức giận có thể là vì báo chí Đức đã đăng lại tin về sự kiện và nhà tuyên truyền Đức quốc xã William Joyse đã loan báo về vụ nổ trong một chương trình phát thanh của mình. Ông ta lan truyền tin đồn rằng bom bay V-2 của Đức đã đánh trúng khu vực.

Một số nhân chứng nói rằng họ đã nghe thấy tiếng máy bay trên trời không lâu trước vụ nổ. Một tin đồn ác ý nữa là vụ nổ là một hành động phá hoại do hàng trăm người Itay làm việc tại khu vực gây ra. Tất cả các tin đồn này đều không có bằng chứng hoặc độ tin cậy.

Không lâu sau vụ nổ, một tòa án quân sự đã được triệu tập bí mật để xác định nguyên nhân, nhưng không bao giờ có báo cáo nào. Chính phủ Anh kiểm soát thông tin về vụ nổ chặt chặt ngay cả khi chiến tranh kết thúc. Các tờ báo chính thức bị bịt miệng. Thông tin rò rỉ và câu hỏi đưa ra ở Quốc hội đều không có câu trả lời.

Trong khi đó, người dân khốn khó ở Hanbury phải đối mặt với cuộc sống mà người thân không còn, nhặt nhạnh những gì còn sót lại và tiếp tục cuộc sống đã vĩnh viễn thay đổi. Các đường hầm hư hỏng bị bịt lại, nhưng những khu vực không bị ảnh hưởng dường như vẫn an toàn và Không quân Hoàng gia Anh tiếp tục sử dụng để chứa đạn dược và thuốc nổ đến tận những năm 1970. Mỏ thạch cao mở lại và hoạt động tới tận ngày nay.

Chú thích ảnh
Khu vực khoanh đỏ là hố bom còn lại tới ngày nay, giờ um tùm cây cối. Ảnh: Dailymail

30 năm sau thảm họa Chính phủ Anh lúc đó mới công bố bí mật vụ nổ từ kho lưu trữ báo chí chính thức. Kết quả của cuộc điều tra bí mật do tòa án quân sự thực hiện năm 1944 cuối cùng cũng được tiết lộ. Tuy nhiên, cuộc điều tra không thể đưa ra kết luận chắc chắn về nguyên nhân ban đầu, chỉ nói rằng đó là do lỗi con người.

Cụ thể như sau: Một quả bom bị lỗi đã được đưa vào kho. Điều tra cho rằng một kỹ thuật viên bận rộn vì phải làm quá nhiều việc do thiếu nhân lực đã dùng một cái đục bằng đồng thay vì búa gỗ để gỡ ngòi nổ ra khởi lớp vỏ thép. Va chạm giữa kim loại với nhau đã gây ra tia lửa, kích hoạt vụ nổ ban đầu, sau đó lan ra một dãy chứa các quả bom nặng gần 500kg. Một phản ứng dây chuyền các vụ nổ đã diễn ra sau đó, biến lỗi ngớ ngẩn và bất cẩn của một cá nhân thành một thảm họa mà vùng quê này chưa từng chứng kiến.

75 năm sau, Hanbury đã được xây dựng lại, người chết đã yên nghỉ. Tuy nhiên, không ai quên sự việc năm đó. Các hố bom vẫn còn, chỉ khác là mọc đầy cây và bụi rậm. Các hố bom này vẫn dễ dàng nhận ra. Nó không chỉ là một cái hố trên mặt đất mà là lời nhắc nhở về ngày kinh hoàng ở miền quê nước Anh yên bình.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Hành trình đi tìm ngôi mộ mất tích của đôi tình nhân Cleopatra – Anthony
Hành trình đi tìm ngôi mộ mất tích của đôi tình nhân Cleopatra – Anthony

Kể từ sau khi đôi tình nhân nổi tiếng của thế giới cổ đại cùng nhau tự vẫn vào năm 30 trước Công nguyên, mộ của Nữ hoàng Cleopatra và vị tướng La Mã Antony vẫn là một bí mật ẩn giấu đâu đó trên đất Ai Cập. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hiện nay có thể đang khoanh vùng được ngôi mộ này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN