Vụ đấu súng đẫm máu nhất lịch sử FBI - Kỳ 1

Vụ đấu súng của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) chi nhánh Miami năm 1986 đã khiến hai tên cướp ngân hàng và hai đặc vụ thiệt mạng, dẫn đến một loạt thay đổi trong việc huấn luyện và trang bị của FBI, góp phần vào quá trình quân sự hóa rộng rãi lực lượng thực thi pháp luật tại Mỹ.

Kỳ 1: So sánh vũ khí của đặc vụ và tội phạm

Vào ngày 11/4/1986, một nhóm nhỏ đặc vụ FBI đã lần theo dấu vết của hai tên cướp ngân hàng sát nhân Michael Lee Platt và William Russell Matix, dồn chúng vào góc trên một con phố ở Miami, dẫn đến một cuộc đấu súng đẫm máu khiến cả hai tên tội phạm bị tiêu diệt.

Chú thích ảnh
Xe của các đặc vụ FBI tại hiện trường vụ việc năm 1986. Ảnh: FBI

Trước 10 giờ sáng, ba chiếc xe của FBI đã đâm vào xe của bọn cướp, buộc xe của chúng phải rời khỏi đường. Ngay lập tức, Platt và Russell bắt đầu nổ súng vào các đặc vụ bằng súng tự động và bán tự động. Trong khi đó, hầu hết các đặc vụ chỉ được trang bị súng lục và chỉ có hai người có súng ngắn. Họ thực sự bị áp đảo về vũ khí.

Ước tính có khoảng 145 phát đạn được bắn ra chỉ trong vài phút. Cuối cùng, FBI đã tiêu diệt được cả Matix và Platt. Tuy nhiên, thương vong của FBI Miami đã khiến đây là một trong những ngày đẫm máu nhất trong lịch sử FBI.

Vụ việc này vẫn là một vết nhơ trong lịch sử của FBI và đến nay vẫn được nghiên cứu trong các khóa huấn luyện của lực lượng thực thi pháp luật.

Trước khi đi sâu vào cuộc đấu súng, điều quan trọng là phải có một cái nhìn đúng đắn về lực lượng thực thi pháp luật vào thời điểm đó. Trong những năm 1980, nhiều người quản lý trong lực lượng thực thi pháp luật dường như có một quan điểm khá lạc quan khi họ trang bị cho các sĩ quan của mình. Thái độ này tồn tại trong một giai đoạn mà số lượng sĩ quan bị giết trong khi thi hành công vụ là cao đáng kinh ngạc. Ngay cả khẩu súng săn Model 870 đáng tin cậy cũng bị cất vào cốp xe của các đội vì các quản lý nghĩ rằng những vũ khí này trông quá đáng sợ.

Mặc dù súng lục bán tự động đã tồn tại được 90 năm, nhưng hầu hết các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ phản đối chuyển sang sử dụng những vũ khí này. Áo giáp mềm có sẵn, nhưng chỉ có vài cơ quan mua cho các sĩ quan mặc và hầu như không có cơ quan nào yêu cầu nhân viên phải mặc.

Một số sĩ quan đã tự mình mua áo giáp và trang bị súng lục bán tự động. Những sĩ quan này đã phải trang bị và đào tạo bằng tiền và thời gian riêng.

Vào ngày 11/4/1986 nói trên, nhiều đặc vụ vẫn mang theo súng lục nhỏ. Vũ khí nặng nhất mà một sĩ quan có thể sử dụng là một khẩu súng săn Remington model 870 calibre 12 được nạp 4 viên đạn.

Đó là những gì mà lực lượng thực thi pháp luật địa phương, bang và liên bang Mỹ được trang bị, cho thấy hình ảnh một lực lượng thực thi pháp luật phi quân sự hóa.

Ngược lại, tội phạm đã đi trước lực lượng thực thi pháp luật trong cuộc đua vũ khí. Điển hình là Platt và Matix, hai tên tội phạm quân sự hóa. Chúng có cách tiếp cận khác để chuẩn bị cho các cuộc đấu súng với nhiều đối thủ trong lực lượng thực thi pháp luật. Chúng thống nhất rằng sẽ không để mình bị bắt sống. Cả hai đều đã qua đào tạo quân sự và thường xuyên luyện tập với vũ khí.

Chúng trang bị cho mình súng bán tự động và súng tự động. Cả hai đã lên đạn để chuẩn bị cho một cuộc đấu súng kéo dài. Dù Platt và Matix không có ý định để mình bị bắt sống, nhưng chúng không phải là người liều mạng. Ngược lại, chúng là những kẻ giết người. Chúng chỉ có một quy tắc tương tác khi đối mặt với việc bị bắt: giết hoặc bị giết.

Trong nhiều tháng trước khi diễn ra vụ đấu súng của FBI Miami năm 1986, hai tên tội phạm vũ trang hạng nặng này đã liên tục cướp ngân hàng và xe bọc thép khắp khu vực Miami-Dade. Ban đầu không rõ ai đứng sau những vụ án đó, chỉ biết rằng chúng rất thành thạo với vũ khí và cũng không ngần ngại sử dụng vũ khí.

Cuối cùng, FBI đã phát hiện ra rằng hai kẻ cướp này là hai người thợ làm vườn từng phục vụ trong quân đội, tên là Michael Lee Platt và William Russell Matix.

Chú thích ảnh
Phác họa chân dung hai người đàn ông cướp xe bọc thép và ngân hàng ở Miami. Ảnh: local10.com

Matix đã phục vụ trong Thủy quân lục chiến từ năm 1969 đến năm 1972, khi hắn được giải ngũ danh dự. Sau đó, hắn tiếp tục phục vụ trong Đơn vị Cảnh sát Quân sự cho đến khi giải ngũ danh dự vào tháng 8/1976. Trong khi đó, Platt đã được phân vào Đơn vị Cảnh sát Quân sự sau khi hoàn thành chương trình huấn luyện lính dù của Lục quân Mỹ. Cả hai đã gặp nhau và trở thành bạn khi cùng phục vụ trong Đơn vị Cảnh sát Quân sự.

Ngay sau khi cả hai người trở về cuộc sống dân sự, bi kịch đã xảy ra. Theo các báo cáo của FBI, vợ của Matix là Patricia cùng với đồng nghiệp Joyce McFadden đã bị đâm chết dã man vào ngày 30/12/1983 tại phòng thí nghiệm của Bệnh viện Riverside Methodist ở Columbus, Ohio. Hai người phụ nữ đều là nhà nghiên cứu ung thư tại bệnh viện, được tìm thấy trong tình trạng bị trói, bịt miệng và bị cắt cổ. Ngón đeo nhẫn của cả hai người phụ nữ đã bị cắt và không tìm thấy. 

Cảnh sát Dayton (Ohio) coi Platt và Matix là những nghi phạm và các thám tử ở Dayton đã bay đến Miami để xem xét các bằng chứng. Matix đã khai với cảnh sát rằng vào thời điểm vụ án mạng xảy ra, hắn ta đang ở nhà với con gái nhỏ.

Tờ The Columbus Dispatch đưa tin rằng Matix đã thu được 350.000 USD tiền bảo hiểm nhân thọ sau cái chết của vợ và cũng đã nộp đơn kiện đòi bệnh viện Riverside Methodist bồi thường 3 triệu USD cho cái chết oan uổng của vợ. Matix đã từ chối tham gia cuộc kiểm tra nói dối sau khi vợ bị sát hại và không hợp tác với các nhà điều tra. Dù là nghi phạm trong vụ án, nhưng Matix không bao giờ bị buộc tội.

Cuối cùng, Matix kết hôn với người vợ thứ hai là Christy Lou Horne. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này không kéo dài và họ chia tay sau chỉ vài tuần, trong thời gian đó, Christy cho biết đã phát hiện ra rằng chồng mình là một “quái vật”.

Năm 1984, Matix chuyển đến Florida để sống gần Platt hơn. Tại đó, cả hai đã mở một doanh nghiệp làm vườn có tên Yankee Clipper. Nhưng vào tháng 12 cùng năm, bi kịch lại xảy ra với vợ của Platt là Regina. Regina được phát hiện chết với một vết đạn bắn vào miệng. Cái chết của Regina ban đầu được coi là tự sát.

Chỉ vài tuần sau cái chết của Regina, Platt kết hôn với người vợ thứ hai là Brenda và quay trở lại với vai trò của một người đàn ông gia đình điển hình của Mỹ.

Trên thực tế, bất chấp những tình huống kỳ lạ xung quanh cái chết của vợ hai người, nhưng cả Platt và Matix đều được cho là những công dân mẫu mực, không có tiền án.

Vì vậy, khi thông tin về hành vi phạm tội của cả hai được tiết lộ, điều này càng khiến dư luận bàng hoàng hơn.

Đón đọc kỳ cuối: Cuộc truy đuổi

Thùy Dương/Báo Tin tức (Allthatsinteresting)
Vụ đấu súng đẫm máu nhất lịch sử FBI - Kỳ cuối
Vụ đấu súng đẫm máu nhất lịch sử FBI - Kỳ cuối

Trước khi diễn ra vụ đấu súng với các đặc vụ FBI, Platt và Matix đã gây ra hàng loạt tội ác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN