Vụ đấu kiếm rúng động thời Trung cổ: Chồng đòi công lý cho vợ bị cưỡng hiếp - Kỳ cuối

Để đòi lại công lý, Marguerite sẽ phải thuật lại sự việc và nàng biết rằng nàng phải cực kỳ nhất quán trong lời khai cho dù đang chịu chấn thương tâm lý kinh khủng sau sự việc. Marguerite sẽ phải kể đi kể lại về nỗi đau của mình.

Kỳ cuối: Cuộc đấu kiếm sống còn

Lúc đầu, Carrouges nói với Bá tước Pierre về vụ việc của vợ. Do bá tước có quan hệ gần gũi với Le Gris và từng xung đột với Carrouges nên ông ta nhanh chóng bác bỏ lời tố cáo, thậm chí còn nói rằng Marguerite hẳn đã mơ thấy việc đó. Không nhụt chí, Carrouges đã kháng cáo lên Vua Charles VI.

Chú thích ảnh
Tranh vẽ về vụ đấu kiếm tay đôi. Ảnh: Wikimedia Commons

Nếu nỗ lực của chồng thất bại, số phận chờ Marguerite là nàng bị thiêu trên cọc vì tố cáo sai. Đây là hậu quả cực đoan mà người tố cáo có khả năng phải chịu. Theo các sử gia, nếu vụ việc không được chứng minh, người phụ nữ không thể sống mà như chưa có chuyện gì. Họ sẽ phải chịu trừng phạt. Đa số người thua trong vụ kiện cưỡng hiếp sẽ bị phạt tiền hoặc bị giam giữ - dấu chấm hết cho cuộc đời họ.

Mặc dù có nguy cơ bị ô nhục hoặc chết nếu tố cáo người cưỡng hiếp, nhưng những phụ nữ như Marguerite vẫn lên tiếng, có lẽ là để vượt qua tổn thương hoặc đơn giản là vì không thể chấp nhận điều bất công đã xảy ra với mình. 

Luật pháp ở Pháp quy định rằng quý tộc kháng cáo với nhà vua có thể thách đấu người bị tố cáo tham gia đấu kiếm tay đôi. Hình thức này được gọi là “lời phán quyết của Chúa”, tức là người thua cuộc thừa nhận mình có tội khi bị đánh bại. Các vụ đấu kiếm xét xử kiểu này phải đáp ứng bốn yêu cầu, trong đó có yêu cầu đã dùng hết các biện pháp pháp lý khác và xác nhận rằng tội ác thực sự đã xảy ra.

Sử gia Ariella Elema, người nghiên cứu về các vụ xét xử qua giao đấu ở Pháp và Anh, cho biết đấu kiếm đòi công lý phổ biến nhất trong các vụ việc mà bằng chứng thực sự không rõ ràng và khó giải quyết bằng cách khác. Các vụ giao đấu kiểu này ngày càng hiếm vào cuối thế kỷ 14 vì các luật sư phần lớn sử dụng đấu kiếm tay đôi để khuyến khích các bên dàn xếp vụ việc ngoài tòa án.

Trong số các vụ đấu kiếm xét xử đã xảy ra, hiếm khi có người chết. Thay vào đó, giới chức giám sát cuộc đấu thường dàn xếp vụ việc sau khi hai bên đấu kiếm một lúc. Do đã thu hút chú ý của cả nước Pháp nên trong vụ của Carrouges và Le Gris, dàn xếp có nghĩa là thừa nhận có tội hoặc cáo buộc sai trái. Dàn xếp sẽ khiến một trong hai người mất danh tiếng.

Video giới thiệu bộ phim The Last Duel (nguồn: Youtube):

Sau khi nghe lời khai hai bên, Pháp viện Tối cao Paris đồng ý cho đấu kiếm. Đây là lần đầu tiên một vụ cưỡng hiếp được xét xử bằng hình thức giao đấu tại Pháp trong hơn 30 năm. Tòa án có thể không dám bênh vực bên nào và sợ gây tranh cãi nhiều hơn nên đã đồng ý yêu cầu đấu kiếm, cho phép hai bên đấu kiếm tay đôi, để sự việc phức tạp cho Chúa giải quyết.

Cuộc đấu kiếm giữa Le Gris và Carrouges diễn ra vào ngày 29/12/1386 dưới sự chứng kiến của hàng nghìn người. Suốt trận đấu, Marguerite đã cầu nguyện cho chồng. Thay vì kéo dài, cuộc đấu kiếm diễn ra nhanh chóng và khiến người chứng kiến sốc.

Ban đầu, họ đấu trên lưng ngựa. Hai bên dùng giáo để giao chiến. Le Gris đã làm bị thương ngựa của đối thủ. Sau khi Carrouges cũng làm cho ngựa của Le Gris bị thương, họ dùng kiếm đấu với nhau trên mặt đất.

Các nhân chứng cuộc đấu kiếm cho biết Le Gris đã đâm cú đầu tiên vào đùi Carrouges và có vẻ sắp chiến thắng. Le Coq, luật sư của Le Gris, nói rằng khách hàng của mình đã tấn công đối thủ rất tàn bạo khi hai bên đứng trên mặt đất đấu kiếm thay vì cưỡi ngựa. Khi đã làm kẻ thù đổ máu, Le Gris khiến nhà vua rơi vào tình thế không thể ngừng trận đấu kiếm, vì một khi trận đấu đã nghiêng về một bên, thì không ai có thể dừng trận đấu mà không bị coi là thiên vị.

Sau khi giành lợi thế, có lẽ vì đã để cảm giác mình là kẻ mạnh hơn xâm chiếm tâm trí, Le Gris đã lùi lại và mất cảnh giác. Là một chiến binh giàu kinh nghiệm chiến đấu hơn Le Gris, Carrouges nhanh chóng bật dậy sau vết thương, giành lợi thế và quật đối thủ xuống đất. Carrouges yêu cầu Le Gris thú tội trước khi chết, nếu không sẽ chịu cảnh địa ngục hành hạ. Không thể đứng dậy do bộ áo giáp quá nặng, nhưng Le Gris nhất quyết không thú tội theo lời kêu gọi của Carrouges mà tuyên bố: “Ta không có tội”.

Quá tức giận, Carrouges đã tung đường kiếm chí tử, có thể là đâm vào cổ hoặc đùi Le Gris. Những giây phút cuối của Le Gris hết sức bi thảm. Carrouges đã giết kẻ thù rất khó khăn vì Le Gris mặc áo giáp kín người. 

Chú thích ảnh
Le Gris bị treo cổ sau khi chết trong trận đấu kiếm. Ảnh: Getty Images

Sau cuộc đấu, trong khi Carrouges được tôn vinh như anh hùng thì thi thể trần của Le Gris bị kéo khắp các con phố ở Paris tới giá treo cổ chính ở Pháp là Mountfaucon. Tại đó, Le Gris bị treo cổ cùng với những kẻ sát nhân, trộm cắp.

Mặc dù bộ phim năm 2021 về cuộc đấu kiếm này của đạo diễn Ridley Scott coi đây là cuộc đấu kiếm tay đôi cuối cùng, nhưng thực tế không phải vậy. Đó chỉ là cuộc đấu kiếm xét xử cuối cùng mà Pháp viện Tối cao Paris cho phép. Nguyên nhân là cả Pháp viện Tối cao Paris và nhà vua đều thấy vụ đấu kiếm này quá tai tiếng. Sau đó, các cuộc đấu kiếm vì danh dự cũng như đấu kiếm xét xử do các bên khác cho phép vẫn diễn ra nhiều thế kỷ.

Chiến thắng của Carrouges đã cứu cả bản thân ông và vợ mình, mang lại của cải và danh tiếng cho họ. Một thập kỷ sau vụ đấu kiếm, Carrouges chết sau khi thua người Ottoman. Số phận của Marguerite không ai rõ.

Kỳ 1Vụ cưỡng hiếp thời Trung cổ

Thùy Dương/Báo Tin tức (Smithsonianmag)
Vụ đấu kiếm rúng động thời Trung cổ: Chồng đòi công lý cho vợ bị cưỡng hiếp - Kỳ 1
Vụ đấu kiếm rúng động thời Trung cổ: Chồng đòi công lý cho vợ bị cưỡng hiếp - Kỳ 1

Hai hiệp sĩ đứng cạnh nhau, một người chào đón con trai đầu lòng vừa ra đời, người kia là cha đỡ đầu. Tuy nhiên, chỉ hơn chục năm sau, họ đã mặt đối mặt, chĩa kiếm vào nhau trong một trận huyết chiến "một mất một còn".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN