Vụ cháy rừng kinh hoàng khiến nhiều người chết nhất lịch sử Mỹ

Năm 1871, đám cháy rừng Peshtigo ở bang Wisconsin (Mỹ) đã thiêu trụi thị trấn này, khiến 2.500 người thiệt mạng. Dù thảm kịch lớn như vậy nhưng nhiều người hầu như chưa bao giờ nghe tới vụ cháy rừng này.

Ngày 8/10/1871, đám cháy Great Chicago đã thiêu trụi 900 hecta diện tích thành phố Chicago (Mỹ), giết chết 300 người và khiến 100.000 người mất nhà cửa. Đám cháy rừng khiến trên 17.400 tòa nhà bị phá hủy, thiệt hại tổng cộng hơn 200 triệu USD lúc bấy giờ (tương đương 4,4 tỷ USD năm 2021).

Chú thích ảnh
Vị trí của Peshtigo trên bản đồ bang Wisconsin. Ảnh: Earthmagazine

Theo earthmagazine, những gì mà đám cháy gây ra với thành phố đông dân này nhanh chóng trở thành sự kiện chấn động toàn quốc, khiến đám cháy Great Chicago có vị trí đặc biệt trong lịch sử thành phố và lịch sử nước Mỹ. 

Tuy nhiên, cùng ngày đó, một đám cháy còn có sức hủy diệt nặng nề hơn đã quét qua vùng Trung Tây, cách Chicago 400km về phía bắc, quanh thị trấn Peshtigo, bang Wisconsin. Đám cháy rừng này đã thiêu trụi gần 500.000 hecta và khiến 2.500 người chết, cao nhất lịch sử Mỹ. 

Peshtigo và Chicago không phải là hai nơi xảy ra đám cháy duy nhất ở Trung tây nước Mỹ trong tuần đó. Cháy cũng bùng lên ở các thành phố Holland và Manistee ở Michigan, khiến một số người thắc mắc: Có phải trùng hợp hay không khi các đám cháy xảy ra cùng lúc sau nhiều tháng khô hạn? Hay là có gì đó gây ra cả bốn đám cháy?

Quá trình biến Peshtigo thành mồi lửa

Chú thích ảnh
Bản đồ thị trấn Peshtigo trước đám cháy một tháng. Ảnh: Hội Lịch sử Wisconsin

Trong những năm 1870, vùng thượng Trung Tây, hay còn gọi là Northwoods, là trung tâm của ngành khai thác gỗ. Các thành phố phát triển nhanh như Chicago và Milwaukee đã điều thợ đốn gỗ tới miền bắc để cung cấp gỗ cho ngành xây dựng. Các đường tàu hỏa và bến cảng ở hồ Michigan chuyên chở gỗ và sản phẩm gỗ đi khắp nước Mỹ. Tới năm 1870, giá trị gỗ được sản xuất từ các cánh rừng ở Wisconsin có giá trị 15 triệu USD (335 triệu USD ngày nay).

Thị trấn Peshtigo nằm ven bờ sông Peshtigo, cách vịnh Green (một nhánh của hồ Michigan) 11km. Con sông dài 150km này có nhiều thác ghềnh, điểm thuận lời để chuyển khối lượng gỗ lớn từ hạ nguồn Northwoods tới Peshtigo theo các luồng của sông.

Trong Kỷ Đệ Tứ, đã có nhiều lần phần lớn Wisconsin bị dải băng Laurentide bao phủ. Dải băng bao phủ khu vực này lần gần đây nhất là cách đây 10.000 đến 25.000 năm. Khi băng lùi dần về phía bắc, trầm tích băng có mặt khắp Trung Tây. Trầm tích này góp phần hình thành đất đai màu mỡ khắp khu vực. Phía bắc Wisconsin và bán đảo thượng Michigan có đất cát, tính axit là chủ yếu. Đất ở đây là loại đất  phù hợp với cây thông. Lá thông rụng kết hợp với nước, tạo ra loại axit hữu cơ hòa tan sắt, nhôm và chất hữu cơ trong đất. Cây thông trắng mọc rất nhanh trên loại đất này và loại cây được săn lùng này có rất nhiều ở miền bắc Wisconsin.

Người ta đổ về vùng Trung Tây nước Mỹ để tìm việc làm mới mà ngành khai thác gỗ tạo ra. Năm 1870, Peshtigo có khoảng 1.200 dân và cứ mỗi tuần có 50-100 người di cư tới đây.

Không chỉ thợ gỗ đổ tới vùng này. Nông dân cũng tìm đường tới Northwoods để khai hoang đất, dựng nhà. Nhiều nông dân hướng tới khu vực gần đó có tên là Sugar Bush. Họ thường đốt lửa để phát quang đất đai.

Trong những tháng trước khi xảy ra vụ cháy rừng lớn vào tháng 10/1871, lúc nào cũng có đám cháy và có nhiều khói tới mức người dân gặp các triệu chứng do khói như đỏ mắt, ho, sốt. Tổng hợp các đám cháy nhỏ này sẽ dẫn tới đám cháy kinh hoàng cho Peshtigo.

Cuối những năm 1800, hoạt động canh tác và chặt gỗ khiến khu vực này có rất nhiều cành lá bị đốn chặt. Từng đống cây, cành lá, thảm thực vật bị phát quang khỏi rừng thông. Lá thông, cành cây, vỏ cây phủ đầy mặt đất, trở thành thứ nhiên liệu tự nhiên cho đám cháy. Xưởng cưa mọc lên ồ ạt cũng thải ra rất nhiều mùn cưa, phủ khắp các con phố. Mùn cưa còn được người ta dùng để lồng vào nệm. Ngoài ra, các xưởng gỗ và khu vực dọc đường tàu hỏa còn có sẵn một lượng lớn hóa chất, keo dán, sơn để đóng thùng gỗ, cửa sổ, đồ đạc.

Từ năm 1870 đến 1871, vùng Trung Tây xảy ra hạn hán nghiêm trọng. Peshtigo và khu vực xung quanh thường chìm trong một tới hai mét tuyết, nhưng lại không có tí tuyết nào mùa đông đó. Mùa xuân và mùa hè cũng nắng hơn thường lệ. Trước vụ cháy rừng, lần gần nhất mà khu vực này có mưa to là ngày 8/7. Đám cây cỏ bị chặt được hong khô suốt ba tháng nữa qua mùa hè và đầu mùa thu.

Các kỷ lục đáng sợ

Chú thích ảnh
Tranh vẽ trên tờ Harper’s Weekly mô tả khung cảnh kinh hoàng trong đám cháy rừng Peshtigo khi người dân cố thoát ra sông. Ảnh: Hội Lịch sử Wisconsin

Đầu tháng 10/1871, khu vực thời tiết có lốc xoáy hình thành khắp vùng Great Plains, tạo ra gió tây thổi về phía Peshtigo. Khi bão ập vào Northwoods ngày 8/10, chênh lệch nhiệt độ lớn đã tạo ra gió to, cọ xát than đá và thổi bùng các đám cháy nhỏ, biến thành một đám cháy khổng lồ. Một bức tường lửa rộng gần 5km và cao gần 1km đã quét qua cả thị trấn, nhanh chóng lan rộng.

Do cát đã biến thành thủy tinh nên người ta ước tính đám cháy đã đạt tới nhiệt độ 1.000 độ C. Đám cháy dữ dội tới mức đã tạo ra hệ thời tiết riêng, trong đó gió khiến ngọn lửa biến thành cột xoáy khổng lồ như vòi rồng. Gió quét qua thành phố với tốc độ 160km/h. Lối thoát rất hạn chế, chạy khỏi đám cháy là điều bất khả thi. 

Một số người chạy tới sông Peshtigo nhưng nước lạnh đã gây ra rắc rối mới với họ. Lúc đó, nhiệt độ không khí là từ 260-370 độ C. Người dân ra sông tránh hỏa hoạn đã liên tục phải nín thở, dầm người dưới nước lạnh hoặc vỗ nước lên đầu. Bi kịch là một số người thoát khỏi đám cháy lại chết vì hạ thân nhiệt trong dòng sông.

Chú thích ảnh
Tranh vẽ mô tả đám cháy Peshtigo. Ảnh: Simpson Street Free Press

Đám cháy cuối cùng cũng bị bị dập tắt nhờ gió giảm cường độ và có mưa vào ngày hôm sau. Rìa trước của khối khí lạnh cũng làm nhiệt độ hạ và những ai còn sống, sẽ phải chịu đựng thời tiết lạnh giá. 

Toàn bộ nhà cửa ở Peshtigo bị cháy rụi, để lại mảnh đất trơ trọi bốc khói. Nước bốc mùi do đám cháy và thi thể trong sông, giếng.

Sau vụ cháy rừng, nhiều khu vực có cát bị nóng chảy thành thủy tinh, các toa tàu bị lật khỏi đường ray. Đám cháy phá hủy đường dây liên lạc ở Peshtigo. Trạm điện tín gần nhất là ở thành phố Green Bay, cách 70km về phía nam, vì thế người dân còn sống phái một chiếc thuyền tới Green Bay để chuyển thông tin tình hình cho thủ phủ Madison của bang. Khi tin tức vụ cháy lan khắp nước Mỹ và thế giới, người dân khắp nơi gửi dụng cụ, chăn màn, quần áo và thực phẩm cho Peshtigo.

Chú thích ảnh
Hình ảnh còn lại ở Peshtigo sau đám cháy. Ảnh: Hội Lịch sử Wisconsin

Không có số thống kê chính thức về ca tử vong sau vụ cháy. Khi có quá nhiều người chết và số lượng người tới Peshtigo hàng tuần nhiều thì con số thống kê chính xác rất khó xác định. Con số 2.500 người chỉ là ước tính. 

Ngoài gió to và thời tiết khô hạn, người ta đồn đoán rằng còn có một nguyên nhân chung nữa khiến 4 đám cháy cùng xảy ra tại 4 nơi là Chicago, Peshtigo, Holland và Manistee.

Năm 1883, nghị sĩ bang Minnesota là ông Ignatius L. Donnelly và một nhà khoa học nghiệp dư đã đặt ra một giả thiết là nguyên nhân các đám cháy trên do các mảnh sao chổi Biela tách ra, tạo thành thiên thạch và va vào Trái Đất. Năm 2004, một bài báo của Robert Wood cũng ủng hộ giả thiết sao chổi gây hỏa hoạn. 

Mặc dù từng có các tác nhân tương tự gây hỏa hoạn, như vụ sao băng Chicxulub va vào Trái Đất cách đây 66 triệu năm, gây cháy rừng diện rộng, nhưng các thiên thạch nhỏ thường dẫn nhiệt kém. NASA đã bác bỏ giả thiết này năm 2001, nói rằng chưa có vụ thiên thạch nhỏ nào gây cháy trong lịch sử.

Các yếu tố gây ra đám cháy rừng Peshtigo và các vụ cháy khác ở vùng Trung Tây hồi tháng 10/1871 (dùng lửa phát quang, hạn hán quá nghiêm trọng, thời tiết có gió to) không phải là điều hiếm xảy ra ở Mỹ và trên thế giới.

Những năm gần đây, Mỹ cũng liên tục xảy ra những đám cháy rừng nghiêm trọng. Mới đây nhất, ngày 8/8, giới chức Mỹ cho biết đám cháy Dixie tại bang California đã trở thành vụ cháy rừng lớn thứ hai trong lịch sử bang miền Tây nước Mỹ này, khiến hàng nghìn người phải đi sơ tán. 

Thùy Dương/Báo Tin tức
Lật lại chiến dịch của CIA trục vớt tàu ngầm Liên Xô chìm dưới đáy biển sâu 5.000 m
Lật lại chiến dịch của CIA trục vớt tàu ngầm Liên Xô chìm dưới đáy biển sâu 5.000 m

Trong những năm 1970, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã thực thi một trong những chiến dịch táo bạo nhất: Trục vớt tàu ngầm Liên Xô bị chìm sâu dưới đáy biển Thái Bình Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN