Sức ép của những đòn tấn công mạnh mẽ
Để độc chiếm người đẹp, Tưởng Giới Thạch không chỉ làm cho Lưu Kỉ Văn thối chí trên đường tình, khẩn cầu sự giúp đỡ của bề trên Tôn Trung Sơn, mà còn vận động cả hai người chị gái của Tống Mỹ Linh là Tống Khánh Linh và Tống Ái Linh. Nhờ sự sắp xếp của chị cả Tống Ái Linh, Tưởng Giới Thạch từ Quảng Châu lên Thượng Hải gặp Mỹ Linh. Tại buổi gặp đó, cho dù Tống Mỹ Linh đã nói rõ rằng cô đã có chồng chưa cưới và hai người đính hôn với nhau được 5 năm, nhưng với Tưởng Giới Thạch, điều đó không có nghĩa lý gì. Tưởng Giới Thạch tuyên bố sẽ cạnh tranh với Lưu Kỉ Văn, thậm chí còn không úp mở về việc mình cần một người phụ nữ như Tống Mỹ Linh để hoàn thành đại nghiệp và chỉ ra cho Tống Mỹ Linh thấy tương lai không mấy xán lạn của Lưu Kỉ Văn.
Tống Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch trong ngày hôn lễ. |
Ở điểm này, Tưởng Giới Thạch không chỉ giành điểm so với Lưu Kỉ Văn, mà còn đánh trúng khát khao của người đẹp. Tổng kết về ba chị em nhà Tống, người ta thường nói: "Cô cả yêu tiền, cô hai yêu nước và cô ba yêu quyền". Bởi trên thực tế, Tống Ái Linh lấy Khổng Tường Hi, chủ một nhà băng giàu có, đồng thời là Bộ trưởng Tài chính dưới thời Trung Hoa Dân Quốc, còn Tống Khánh Linh thì gắn bó cả đời với Tôn Trung Sơn, người lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc chủ nghĩa lật đổ đế chế phong kiến cuối cùng tại Trung Quốc năm 1911. Đối với Tống Mỹ Linh, đó là tâm nguyện phải thực hiện kì được: "Không phải anh hùng quyết không lấy". Đặt trên bàn cân, rõ ràng, Tưởng Giới Thạch nặng hơn Lưu Kỉ Văn rất nhiều.
Ba chị em nhà họ Tống, từ trái qua phải: Tống Ái Linh, Tống Khánh Linh và Tống Mỹ Linh. |
Trong khi đó, việc Lưu Kỉ Văn thường xuyên tìm cách lảng tránh càng ngày càng đẩy Mỹ Linh về phía Tưởng Giới Thạch, nhất là khi cô ba của nhà họ Tống tận mắt chứng kiến con đường hoạn lộ thênh thang của Tưởng Giới Thạch. Tháng 5/1924, Tưởng Giới Thạch được uỷ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Quân sự Hoàng Phố, hơn hai năm sau đã leo lên chức Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Trung ương Quốc dân Đảng, Tổng tư lệnh quân Bắc phạt, nắm quyền lãnh đạo tối cao cả trong đảng lẫn trong quân đội. Tháng 4/1927, nhân dịp đưa đại quân tiến vào Nam Kinh, Thượng Hải, Tưởng Giới Thạch tới nhà họ Tống, ngỏ lời cầu hôn với Mỹ Linh. Sau đó, Tưởng Giới Thạch còn đích thân dẫn Tống Mỹ Linh đi du ngoạn sơn thuỷ. Sự lãng mạn và những lời có cánh của con người nửa đời chỉ biết đến báng súng này cuối cùng đã làm chuyển hướng trái tim Tống Mỹ Linh.
Người đẹp đã ngã lòng, nhưng trở ngại mới lại xuất hiện, nhất là từ phía bà Nghê Quế Trân, mẹ của Tống Mỹ Linh. Bà Nghê Quế Trân kiên quyết không cho con gái lấy Tưởng Giới Thạch chủ yếu là vì họ Tưởng vốn có điều tiếng lăng nhăng và không phải là tín đồ Cơ đốc giáo. Để thuyết phục mẹ vợ tương lai, Tưởng Giới Thạch nhanh chóng hoàn tất thủ tục li dị vợ cả, Mao Phúc Mai và tuyên bố cắt đứt quan hệ với hai cô vợ hờ là Diêu Di Thành và Trần Khiết Như. Không những vậy, Tưởng Giới Thạch còn tỏ ra chịu khó học Thánh kinh và cam kết tự nguyện theo đạo. Với sự tác động thêm của con trai, con gái và con rể, cuối cùng, bà Nghê Quế Trân cũng siêu lòng. Ngày 1/12/1927, hôn lễ giữa Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh được cử hành long trọng và hào nhoáng ở Thượng Hải, một lần theo nghi lễ của đạo Cơ đốc, một lần theo nghi lễ truyền thống của Trung Quốc.
Nhiều người cho rằng sở dĩ Tưởng Giới Thạch quyết tâm "hạ gục" Tống Mỹ Linh là muốn tranh thủ nguồn tài lực dồi dào của nhà họ Tống để phục vụ đại nghiệp "cách mạng". Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng một phần. Bởi sau này khi những trang nhật ký của Tưởng Giới Thạch được hé mở, người ta thấy quả thật Tưởng Giới Thạch đã bị Tống Mỹ Linh hớp hồn từ cái nhìn đầu tiên. Tưởng Giới Thạch đã tự mình thú nhận rằng: "Bình sinh, chưa bao giờ cảm nhận thấy mình yêu mãnh liệt đến thế" và cảm thấy hổ thẹn khi thấy Tống Mỹ Linh vì mình mà phải chịu nhiều gian khổ, ngã bệnh. Thậm chí, nhằm củng cố vị trí của Tống Mỹ Linh trong nhà họ Tưởng, ngày 5/7/1934, Tưởng Giới Thạch dặn dò hai người con riêng của mình là Tưởng Kinh Quốc và Tưởng Vỹ Quốc rằng Tống Mỹ Linh là mẹ hợp pháp duy nhất của họ và sau khi mình chết phải nghe theo sự dạy dỗ của "mẹ Mỹ Linh".
Minh Thành (Tổng hợp)
Đón đọc kỳ sau: Tống Mỹ Linh - Người đàn bà không chỉ là "nội tướng"