Trước đây, người ta vốn mới biết đến Tống Mỹ Linh trong tư cách của một Đệ nhất Phu nhân Dân quốc, cùng chia sẻ ngọt bùi, đắng cay với Tưởng Giới Thạch. Hai người đã trải qua cuộc hành trình hôn nhân kéo dài gần nửa thế kỉ, tới tận khi Tưởng Giới Thạch qua đời ở tuổi 88 vào ngày 5/4/1975. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trước khi bước vào nhà họ Tưởng, cô ba của nhà họ Tống đã từng có một mối tình mặn nồng với một người bạn đồng học của anh trai Tổng Tử Văn, tên là Lưu Kỉ Văn. Thậm chí, hai người đã bí mật đính hôn với nhau.
Kỳ 1: Lá bài ngửa không đúng lúc
Tống Mỹ Linh, sinh năm 1897, tại Thượng Hải (Trung Quốc), là con thứ 4 trong một gia đình danh môn quyền thế có 6 người con, gồm: Tống Ái Linh (kết hôn với Khổng Tường Hy, Bộ trưởng Tài chính thời Trung Hoa Dân quốc), Tống Khánh Linh (kết hôn cùng Tôn Trung Sơn, Tổng thống lâm thời của Trung Hoa Dân quốc), Tống Tử Văn, Tống Mỹ Linh, Tống Tử An và Tống Tử Lương. Thuở nhỏ, Tống Mỹ Linh theo học trường tư thục Motyeire của Mỹ ở Thượng Hải. Sau đó, Tống Mỹ Linh được gia đình cho sang Mỹ du học. Năm 1917, Tống Mỹ Linh tốt nghiệp hạng cao trường Wellesley College chuyên ngành chính là văn học Anh và chuyên ngành phụ là triết học. Cũng chính trong thời gian ở Mỹ, Tống Mỹ Linh đã gặp và đem lòng yêu Lưu Kỉ Văn, chàng trai đất Giang Tô có khuôn mặt thanh tú, phong thái lịch thiệp và lối sống đậm vẻ phương Tây. Trước sự chứng kiến của anh trai, Tống Tử Văn, Tống Mỹ Linh và Lưu Kỉ Văn đã làm một việc đi ngược lại lễ giáo phong kiến (cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy) là tự ý đính hôn với nhau.
Tối nọ, hai bố con Tống Mỹ Linh ngồi hàn huyên. Sau khi hớp một ngụm trà, ông Tống Diệu Như nói: “Sáng mai, bố sẽ dẫn con đi xem mặt một người. Con gái lớn rồi thì phải lấy chồng, đó cũng là lẽ thường tình. Người này tên là Chu Tử Thanh, cả phẩm chất và tướng mạo đều rất được, vả lại gia đình họ cũng thuộc hàng phong lưu dư dả”. Dù đã có trù tính, nhưng khi nghe bố nói vậy, Tống Mỹ Linh vẫn cảm thấy bấn loạn, muốn nói rõ sự thật lại sợ sẽ gây ra hậu quả khôn lường, nên thôi.
Sáng hôm sau, Tống Mỹ Linh dậy từ sớm, trang điểm qua, rồi cùng bố đến nơi hẹn. Sau khi mọi người ổn định chỗ ngồi, từ phía đối diện, Tống Mỹ Linh lặng lẽ nhìn Chu Tử Thanh, vừa nhìn vừa thầm đánh giá. Tống Mỹ Linh cảm thấy Chu Tử Thanh đúng như những gì bố cô giới thiệu, vừa có học vấn, vừa biết đối nhân xử thế. Lúc nói chuyện, Chu Tử Thanh cho biết anh không chỉ sinh, mà còn rời Thượng Hải ra nước ngoài du học cùng một năm với Tống Mỹ Linh. Điểm khác giữa hai người là Tống Mỹ Linh tới Mỹ theo học chuyên ngành văn học Anh, còn Chu Tử Thanh lại sang Anh nghiên cứu kinh tế... Mặc dù rất thán phục tài nhìn người của bố, nhưng Tống Mỹ Linh vẫn đau đáu với lời hứa hôn cùng Lưu Kỉ Văn. Bởi cô là một người phụ nữ không chỉ trọng tình cảm, mà còn biết tín nghĩa, không thể “có mới nới cũ”, vừa gặp Chu Tử Thanh đã quên Lưu Kỉ Văn, bội phản lời thề son sắt lòng chung.
“Mỹ Linh, bố biết con không có điểm gì để chê trách Chu Tử Thanh. Nếu bố nhìn nhầm người thì đã không giới thiệu cho con”. Câu nói hồ hởi của bố đưa Tống Mỹ Linh trở về thực tại. “Không. Con không đồng ý. Cho dù Chu Tử Thanh có tốt đến mấy, con cũng không lấy anh ấy. Bởi vì... bởi vì khi ở Mỹ con đã có bạn trai...”, Tống Mỹ Linh nói một cách kiên nghị. Ông Tống Diệu Như gần như sôi lên: “Con có bạn trai? Đó là ai? Sao bố không được biết?” Nhìn ánh mắt giận dữ của bố mẹ hướng về mình, không hiểu sao Tống Mỹ Linh lại bớt căng thẳng. Cô bình tĩnh trả lời: “Thưa cha, thưa mẹ, anh ấy là Lưu Kỉ Văn, bạn tốt của anh Tống Tử Văn, từng du học ở Nhật Bản”.
Sau một hồi lặng đi, ông Tống Diệu Như đột nhiên quát lớn: “Mỹ Linh, lẽ nào con lại dám vượt qua sự cho phép của gia đình, tự tiện đính hôn với người ta ở nước ngoài. Đó chẳng phải là việc vô thiên vô tắc ư! Bây giờ không nói đến việc con đính hôn với Lưu Kỉ Văn, cho dù con nói không với Chu Tử Thanh, cuộc hôn nhân này vẫn do ta quyết định”. Nói xong, mặt của ông Tống Diệu Như đột nhiên biến sắc, chuyển sang trắng bệch, toàn thân run lên rồi ngã vật ra phía sau.
Ngày 3/5/1918, cha của Tống Mỹ Linh mất, được an táng tại khu mộ của Tống gia.
Minh Thành (Tổng hợp)
Đón đọc kỳ sau: Những lời tự đáy con tim vẫn có thể thay đổi được