Trận đánh khai tử hải quân phát xít Nhật: Kỳ 3: Hồi chuông báo tử

Phía bên sườn trái của Yamato xuất hiện các máy bay phóng ngư lôi, với lớp sơn phủ màu xám như thể sắp mang đến điều gì đó chẳng lành cho chiến hạm khổng lồ này. Khi các máy bay TBM Avengers của Mỹ bay đến gần hơn, các loại súng nhỏ hơn trên chiến hạm Yamato bắt đầu nhả đạn. Một trong những máy bay phóng ngư lôi bị trúng đạn vào phần cánh, bốc cháy, rồi lao xuống biển. Những chiếc máy bay khác tiếp tục lao tới. Ngư lôi được phóng xuống từ dưới bụng máy bay, lao đi trong nước về phía tàu Yamato.


Chuẩn Đô đốc Deyo nhận được lệnh của cấp trên đưa toàn bộ lực lượng di chuyển về phía bắc. Dẫu không chiến đấu trực diện với Yamato, ông vẫn vớt vát được một chút danh tiếng trong lịch sử quân sự: Morton Deyo là tư lệnh hải quân cuối cùng trong Chiến tranh thế giới lần thứ II thiết lập một phòng tuyến đối phó với một hạm đội của phát xít Nhật.


 

Các khẩu pháo khổng lồ cỡ nòng 460 mm.

 

Ở một đội hình khác, Yorktown Herb Houck, lái chiếc máy bay chiến đấu F6F-5 Hellcat, chỉ huy phi đội máy bay trên tàu sân bay. Lúc đó là 1 giờ 14 phút chiều, đã hơn một tiếng trôi qua kể từ khi phi đội đầu tiên phát hiện thấy quân Nhật. Phi đội của Houck là phi đội thứ ba.


Theo kế hoạch của chiến dịch, các nhóm tác chiến thuộc Lực lượng tác chiến số 58 sẽ hỗ trợ lẫn nhau. Chiến thuật này đã được sử dụng và hoàn thiện kể từ những trận không chiến đầu tiên ở Nam Thái Bình Dương. Trong các đợt tấn công liên tục, các nhóm tác chiến từ mỗi tàu sân bay sẽ thay nhau tấn công quân Nhật. Các máy bay chiến đấu dự kiến sẽ xuất kích đầu tiên, oanh kích, phóng rốckét, sử dụng hỏa lực nhỏ, thu hút quân Nhật; trong khi các máy bay SB2C Helldivers sẽ ném những quả bom có khối lượng lớn gần như thẳng từ trên đầu xuống các tàu Nhật. Chúng sẽ được bám sát bởi các máy bay phóng ngư lôi TBM Avenger, loại máy bay cần phải đánh lạc được hướng của lực lượng phòng không Nhật Bản khi chúng bay ở ngay sát mũi tàu địch - vị trí rất nguy hiểm.


Trên thực tế, không có sự phối hợp nào trong việc không kích vào lực lượng của tàu Yamato. Mỗi nhóm tác chiến tự cho máy bay của mình xuất kích mà không phải chờ đến lượt. Chỉ huy của nhóm nào cũng cố gắng trở thành người đánh trúng mục tiêu.


 

Máy bay TBM Avengers của Mỹ tham gia trận đánh.

 

Lực lượng đầu tiên phát hiện ra nhóm tác chiến của tàu Yamato là các máy bay của Lực lượng tác chiến 58.1, xuất kích từ các tàu sân bay San Jacinto, Bennington, Hornet và Belleau Wood. Ngay phía sau họ là các đơn vị của Lực lượng tác chiến 58.3 và các tàu sân bay Essex, Bunker Hill, Bataan và Cabot. Đợt thứ ba diễn ra sau đó một tiếng là 106 máy bay của Lực lượng tác chiến 58.4 xuất kích từ các tàu sân bay Intrepid, Yorktown và Langley. Đơn vị duy nhất của Lực lượng tác chiến 58 không tham dự trận đánh ở đây là Lực lượng tác chiến 58.2, đơn vị mà Mitscher đã cử đi để hộ tống các tàu sân bay Franklin, Enterprise và Yorktown khi chúng quay trở về một cơ sở sửa chữa ở Ulithi.


Khi mỗi nhóm bay đến chỗ mục tiêu, các máy bay phải lựa vị trí trong dải hẹp giữa đại dương và tầng thấp nhất của các đám mây ở độ cao 457 mét. Nguy cơ dẫn đến va chạm giữa các máy bay với nhau cũng cao như nguy cơ bị trúng đạn của đối phương. Ở đây, quy tắc liên lạc không còn được giữ, tần số chiến thuật là một cảnh tượng hỗn loạn pha tạp giữa tiếng nói chuyện, tiếng các phi công réo gọi vị trí mục tiêu, gọi ném bom, báo cáo máy bay bị rơi.


Các tàu của phát xít Nhật di chuyển theo hình zigzag trên mặt nước trông giống như đàn chuột chạy trốn bầy chó săn. Các tàu khu trục, nhanh nhẹn hơn các tàu tuần dương hạng nhẹ Yahagi và tàu Yamato lớp dreadnough, là các mục tiêu khó bắn trúng nhất. Nhưng chúng đồng thời cũng là các tàu dễ bị loại khỏi vòng chiến đấu nhất, chìm nhanh chóng khi lĩnh trọn một quả bom hay một quả ngư lôi. Tàu khu trục Hamakaze chìm nghỉm sau vài phút diễn ra đợt không kích thứ nhất. Hai tàu khu trục khác đang bốc cháy, chỉ di chuyển bằng nửa vận tốc lúc bình thường. Chúng đang di chuyển ngược chiều kim đồng hồ xung quanh chiến hạm Yamato, cố tiếp ứng hỏa lực cho con tàu này.


Đối với hầu hết các phi công Mỹ, đây là lần đầu tiên họ chứng kiến các quả đạn pháo San Shiki của Nhật được bắn lên từ các khẩu pháo khổng lồ cỡ nòng 460 mm. Chúng là những con quái vật, mỗi quả có trọng lượng bằng một chiếc ô tô và được nhồi đầy thuốc nổ mà khi nổ sẽ tạo ra một hình nón chụp lấy các máy bay của đối phương đang lao đến. Sau đó, các phi công Mỹ còn phát hiện thêm được hiện tượng độc đáo: hỏa lực phòng không Nhật nổ ra có nhiều màu sắc. Đó là một chiến thuật của Nhật Bản mà họ đã nghe nói đến nhưng chưa bao giờ tận mắt chứng kiến - các khẩu pháo trên mỗi con tàu bắn một màu khác nhau để giúp người chỉ huy nhận biết được hỏa lực của họ.


Việc sử dụng San Shiki và hỏa lực có màu khác nhau là một tín hiệu tốt: điều đó nghĩa là các khẩu pháo của Nhật có lẽ không được chỉ huy bắn bằng rađa. Chúng đang được ngắm bắn bằng mắt thường và phương pháp này đang tỏ ra rất thiếu chính xác. Mặc dù những quả đạn pháo bắn ra tạo thành một lưới lửa phòng không dày đặc nhưng thực tế lại không trúng được mục tiêu.


Tin tức tốt lành nhất đối với các phi công Mỹ tham gia trận đánh này là không thấy máy bay Nhật tham chiến. Vì một lý do khó hiểu nào đó mà ở trận này, phát xít Nhật không bố trí sự yểm trợ của không quân; các phi công Mỹ có thể tập trung vào các mục tiêu mà không lo bị tấn công bởi các máy bay đối phương.


Chỉ huy phi đội, Houck, đã giao nhiệm vụ cho 12 máy bay phóng ngư lôi Avenger, dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Tom Stetson, kết liễu số phận tàu Yahagi. Trong khi đó, Stetson vẫn muốn để mắt đến chiến hạm Yamato. Anh gọi điện báo cho Houck rằng anh muốn chia đôi lực lượng và sử dụng 6 chiếc Avenger để bám theo con tàu chiến này.


Houck đồng ý, ra lệnh cho Stetson thay đổi độ sâu phóng ngư lôi từ hơn 30 cm xuống 60 cm. Độ sâu 30 cm chỉ giúp tiêu diệt mục tiêu là các tàu tuần dương. Độ sâu tăng thêm 30cm nữa sẽ giúp các ngư lôi chạm tới các mối nối bên dưới tấm vỏ thép dày của tàu Yamato.


Điều này cũng có nghĩa là hồi chuông báo tử dành cho chiến hạm khổng lồ Yamato bắt đầu được rung lên…


Khánh Chi (tổng hợp)

 

Đón đọc kỳ cuối: Nghĩa địa trên biển

Trận đánh khai tử hải quân phát xít Nhật: Kỳ 2: Cuộc đua “săn” chiến hạm khổng lồ
Trận đánh khai tử hải quân phát xít Nhật: Kỳ 2: Cuộc đua “săn” chiến hạm khổng lồ

Ở mặt phía đông của đảo Okinawa, trên con tàu sân bay Bunker Hill, chỉ huy Lực lượng tác chiến số 58–lực lượng tác chiến nhanh – cũng đang dõi mắt theo “con mồi” Yamato. Phó Đô đốc Marc Mitscher có khuôn mặt nhăn nhó, hốc hác của một con chim săn mồi; ông hoàn toàn thích hợp với biệt danh “Đại bàng trọc”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN