Ở mặt phía đông của đảo Okinawa, trên con tàu sân bay Bunker Hill, chỉ huy Lực lượng tác chiến số 58 – lực lượng tác chiến nhanh – cũng đang dõi mắt theo “con mồi” Yamato. Phó Đô đốc Marc Mitscher có khuôn mặt nhăn nhó, hốc hác của một con chim săn mồi; ông hoàn toàn thích hợp với biệt danh “Đại bàng trọc”. Cũng giống như hầu hết các sĩ quan cao cấp trong lực lượng không quân của hải quân, Mitscher cũng thường có mâu thuẫn nho nhỏ với chỉ huy của các tàu chiến, những người đã điều khiển cách tư duy của hải quân Mỹ trong gần như cả thế kỷ. Một trong những con người đó là cấp trên trực tiếp của ông, Raymond Spruance.
Phó Đô đốc Marc Mitscher. |
Mitscher cảm nhận thấy một sự ganh đua giữa chiến hạm với tàu sân bay. Mặc dù các tàu sân bay đã tham gia hầu hết những trận đánh lớn trên Thái Bình Dương, nhưng liệu chỉ riêng sức mạnh không quân có thể đè bẹp được một lực lượng hoạt động trên mặt biển hay không vẫn còn là điều gây nhiều tranh cãi. Đây là một cơ hội cho ông và cũng là cơ hội chấm dứt vĩnh viễn sự tranh cãi này.
Hiện tại Mitscher ở vào thế khó. Spruance vừa mới phát đi mệnh lệnh cho toàn bộ hạm đội là để chiến hạm Yamato đi về hướng nam, nơi mà lực lượng của Chuẩn Đô đốc Deyo đang phục sẵn. Đồng thời, Mitscher nhận được mệnh lệnh “tập trung vào nhiệm vụ của Lực lượng tác chiến số 58, đó là bay tuần tra để chặn đánh bất kỳ đợt tấn công bằng đường không nào của quân Nhật”.
Mitscher và cấp dưới của ông mải mê nghiên cứu mệnh lệnh ban xuống với hy vọng phát hiện ra điểm sơ hở. Mitscher đã phục vụ dưới quyền Spruance một thời gian đủ lâu để biết về tính cách con người này. Mệnh lệnh của Spruance không nói rõ việc cấm Mitscher truy đuổi quân Nhật. Đó là một kẽ hở mà “Đại bàng trọc” có thể lách qua để thực hiện khao khát được chiến đấu một cách thực sự và trực diện với chiến hạm hiện đại cuối cùng của quân Nhật.
Tàu sân bay Bunker Hill thuộc Lực lượng tác chiến số 58. |
Việc cần làm lúc đó đối với “Đại bàng trọc” là phải biết được hạm đội của Nhật đi về hướng nào và mục tiêu của nó là gì. Lực lượng của Chuẩn Đô đốc Deyo gồm 6 tàu chiến, 7 tàu tuần dương và 21 tàu khu trục đã đi lên phía bắc để đánh chặn lực lượng của phát xít Nhật. Mitscher hành động theo một linh tính rằng chiến hạm Yamato đang đi theo hướng tây bắc. Nếu linh tính của ông đúng, quân Nhật sẽ nhanh chóng ngoặt sang phía nam về hướng đảo Okinawa. Ông ra lệnh cho các nhóm tác chiến tàu sân bay của ông chuẩn bị hành động.
Cuộc đua hướng đến cái đích là con tàu chiến khổng lồ Yamato đã bắt đầu.
Về phía quân Nhật, Đô đốc Ito trên chiến hạm Yamato phát hiện thấy máy bay Mỹ. Ông ta có thể quan sát thấy các máy bay trinh sát của Mỹ thấp thoáng ẩn hiện trong những đám mây, đang theo dõi lực lượng tác chiến của phát xít Nhật. Khi Ito ra lệnh chuyển hướng lực lượng tác chiến Yamato về hướng tây nam, nhằm hướng đảo Okinawa thẳng tiến, thời tiết đã trở nên ngày một xấu. Những hạt mưa rơi ngày một dày trông như một bức màn khổng lồ được hạ từ các đám mây xuống dưới mặt biển.
Lúc 12 giờ 20 trưa ngày 17/4, tín hiệu đầu tiên xuất hiện trên màn hình rađa của quân Nhật. Dướn người lên nhìn vào màn hình, viên sĩ quan rađa trẻ tên là Mitsuru Yoshida cố gắng nhìn rõ xem đó là cái gì. Trên màn hình của anh ta hiện lên ba đốm lớn, mỗi đốm biểu hiện cho một cánh quân. Dần dần chúng tách ra thành các nhóm, sau đó là các phi đội, rồi thành từng máy bay.
Chiến hạm Yamato bị không kích. |
Từ đài chỉ huy của phát xít Nhật, một loạt các mệnh lệnh được ban ra. Mỗi tàu thuộc lực lượng tác chiến phải tăng tốc độ lên 25 hải lý. Toàn bộ đội hình chạy về hướng đông. Thời khắc chờ đợi đã hết; trận đánh cuối của Yamato sẽ là một trận không - hải chiến khốc liệt chứ không phải là một trận hải chiến đơn thuần.
Một đội hình máy bay chiến đấu Mỹ xuất hiện qua một khoảng trống giữa các đám mây. Chiếc nọ nối chiếc kia, chúng thực hiện động tác bổ nhào. Thuyền trưởng tàu Yamato, Chuẩn Đô đốc Kosaku Ariga, đứng trên đài chỉ huy ra lệnh: “Bắn!”. Ngay lập tức, 24 khẩu pháo phòng không và 120 súng máy bắt đầu nhả đạn.
Những tiếng nổ rền vang qua những boong tàu làm bằng thép. Những cột nước bắn tung tóe do phản lực từ những loạt đạn đại bác dội trở lại. Bầu trời đang u ám bỗng chuyển sang đỏ lừ vì tiếng nổ của hàng nghìn quả đạn. Chuẩn Đô đốc Ariga đứng bên ngoài trực tiếp chỉ huy trận đánh khi loạt bom và đạn súng máy đầu tiên trút xuống chiến hạm Yamato. Lớp vỏ thép dày của chiến hạm này giúp nó có thể chống chịu được hầu như mọi loại bom, nhưng những mảnh bom và đạn phạt qua các pháo thủ giống như một chiếc máy cắt cỏ đang hoạt động.
Máy bay ném bom bổ nhào là đối tượng khó đối phó nhất đối với chiến hạm Yamato bởi chúng tấn công thẳng từ trên đầu xuống. Các pháo thủ phải vất vả bám theo chúng cho đến tận lúc những chiếc máy bay này đã cắt bom và phóng vọt lên. Một quả bom ném xuống từ một máy bay SB2C Helldiver đã hất văng một tháp pháo, lửa trùm lên các pháo thủ. Một quả bom khác rơi trúng phòng rađa, giết chết những người lính Nhật bên trong.
Các máy bay chiến đấu F4U Corsairs và F6F Hellcats của Mỹ đang tấn công theo những đường bổ nhào hẹp, chủ yếu ném những quả bom nhẹ, trong khi những khẩu súng máy của chúng phóng những loạt đạn có độ chính xác kinh khủng xuống con tàu. Bản “hòa tấu” của các loại hỏa lực, tiếng động cơ gầm rú và những viên đạn súng máy nghe giống như ai đó cầm một chiếc búa khổng lồ đập vào boong tàu…
Chiến hạm Yamato chưa bao giờ rơi vào tình huống thập tử nhất sinh như lúc này…
Khánh Chi (tổng hợp)
Đón đọc kỳ 3: Hồi chuông báo tử