Trại St Mary - nỗi hổ thẹn của Ireland - Kỳ cuối

Trong trại, nhóm phụ nữ làm đủ thứ việc như đào đất, lau chùi, nấu nướng, giặt là, dọn giường… Mỗi sáng, họ phải giặt giũ chăn ga. Lúc 17 giờ, họ phải thu chăn ga và trải giường. Trong trại, họ cũng nuôi gà, lợn và thường xuyên phải dọn chuồng, mang phân ra bón cây ở vườn. Họ không bao giờ nhận được tiền công.

CUỘC SỐNG TẺ NHẠT

Bà Julia Devaney là cư dân cuối cùng rời trại St Mary sau khi các bà mẹ và lũ trẻ được đưa tới tu viện Sean Ross ở Roscrea khi trại đóng cửa. Trại St Mary không chỉ ảnh hưởng tới các bà mẹ và con cái họ, mà còn ảnh hưởng đến bản thân những người giúp việc như bà Devaney. 

Sống trong trại, Devaney thường xuyên cảm thấy tự ti và luôn nghĩ mình không có những điều mà mọi bạn học đều có. Ở trường, cô bị gạt ra bên lề khi cả lớp thi nhau kể chuyện mình làm gì trong kỳ nghỉ hè vừa rồi. Cô bé học hành không nổi trội vì lẽ sống trong môi trường trại St Mary, khó đứa trẻ nào có thể thông minh được.

Các xơ không bao giờ dạy bảo Devaney điều gì về cuộc sống. Cô không được các xơ nói cho về kiến thức sinh lý cơ thể. Các xơ còn thậm chí không đưa cho ai khăn vệ sinh, áo lót hay bất kỳ thứ gì. Khi trải qua kỳ kinh nguyệt đầu tiên, Devaney đã phải giấu giếm, dùng vải cũ, giẻ rách để tự xử lý theo lời chỉ dẫn của những phụ nữ trong trại.

Bà Julia Devaney giúp việc trong trại suốt 36 năm.

Nói về cha mẹ mình, bà Devaney kể: “Tôi chưa bao giờ nghĩ về việc không có cha mẹ… Cha mẹ không xuất hiện trong đầu trẻ con vì bạn không thể nhớ điều mà bạn không có. Bạn chỉ biết rằng mình không có ai và chấp nhận điều đó”.

Trong trại, nhóm phụ nữ làm đủ thứ việc như đào đất, lau chùi, nấu nướng, giặt là, dọn giường… Mỗi sáng, họ phải giặt giũ chăn ga. Lúc 17 giờ, họ phải thu chăn ga và trải giường. Trong trại, họ cũng nuôi gà, lợn và thường xuyên phải dọn chuồng, mang phân ra bón cây ở vườn. Họ không bao giờ nhận được tiền công. Các xơ thường bảo tiền công đã được gửi vào bưu điện cho họ nhưng họ không bao giờ nhìn thấy.

Sân chơi nghèo nàn của trẻ em trong trại.

Cuộc sống của những người giúp việc cứ tẻ nhạt như thế. Cuộc sống của các bà mẹ đơn thân và con cái sinh ra trong trại còn nghèo nàn về tinh thần hơn. Dù là nơi ở của trẻ con nhưng trong trại không có đồ chơi. Trẻ con chỉ chơi trò hát ru và lủi thủi với nhau vì không người lớn nào quan tâm tới chúng.

Các bà mẹ chỉ biết giải trí bằng hát hò, đánh bài quanh cái đàn organ nhỏ để quên đi mọi thứ. Âm nhạc là thứ xa xỉ vì họ không có trải nghiệm gì về thế giới bên ngoài. Có lần, vào một lễ hội tổ chức ngày 5/11 hàng năm ở Ireland, phụ nữ trong trại nghe thấy tiếng nhạc vọng vào từ đường Tubberjarlath và họ phải nghển cổ ra ngoài cửa sổ để cố gắng nghe. Lễ Giáng sinh là thời điểm hiếm hoi cư dân trong trại được xem kịch và đó được mọi người coi là sự kiện lớn.

Những lần được ra ngoài nhiều nhất là khi các xơ về một căn nhà ven biển ở Achill mỗi mùa hè trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 tuần. Mỗi người giúp việc sẽ được ở đó một tuần cùng các xơ để nấu nướng, dọn dẹp, làm việc nhà. Bà Devaney coi đó là kỷ nghỉ dưỡng hàng năm. Đối với bà, không bao giờ bà nghĩ mình đang bị các xơ đối xử bất công và bà cũng không nhận ra rằng mình có quyền với cuộc sống của mình.

Sống thu hẹp trong khuôn viên trại nên người dân địa phương thường gọi phụ nữ ở đây “gái trại” và không thiện cảm với họ. Bà Devaney kể: “Tôi luôn cảm thấy rằng thế giới bên ngoài tốt đẹp hơn chúng tôi, rằng người ngoài xem thường chúng tôi. Bạn cảm thấy bạn không thể đối mặt với thế giới bên ngoài… Các gia đình bên ngoài thường coi khu trại là mối đe dọa với con cái họ, rằng nếu chúng không ngoan, chúng sẽ bị tống vào đó”.

Còn với phụ nữ trong trại, hình phạt với họ là bị đưa vào Magdalene Laundry – các viện do các tổ chức tôn giáo Công giáo điều hành từ thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 20. Ở Ireland, viện đầu tiên được thành lập ở Dublin năm 1765, viện cuối cùng bị đóng cửa năm 1996. Các viện Magdalene Laundry là nơi cho các bà mẹ độc thân ở. Ước tính 30.000 người bị giam lỏng trong các viện này khắp Ireland. Các bà mẹ trong trại St Mary không dám nổi loạn vì họ biết họ sẽ bị tống vào Magdalene Laundry để trừng phạt.

Về mối quan hệ của cư dân trại với thế giới bên ngoài, các xơ thường bảo mọi người trong trại không nói chuyện với người dân địa phương đề phòng họ hỏi về trại. Do đó, khu trại trở thành một ốc đảo thực sự. Bà Devaney chưa bao giờ được bạn học mời tới nhà chơi. Luôn cảm thấy tự ti vì mình sống trong trại nên bà Devaney không bao giờ muốn người ngoài biết mình sống trong trại.

Đàn ông bên ngoài cũng hiếm khi nói chuyện với phụ nữ trong trại khi họ có việc vào trại. Tuy nhiên, công nhân hay người giao hàng lại thân thiện với các phụ nữ trong trại và thường cầu hôn họ - một lối thoát với nhiều phụ nữ. Tuy nhiên, những người này không nhận đưa theo cả con của họ.

Đối với bà Devaney, lối thoát duy nhất khỏi trại St Mary là một người đàn ông góa vợ tên John Devaney, một nhân viên làm trong Hội đồng hạt Galway và có nhiều việc liên quan tới trại St Mary. Trong mỗi lần tới thăm trại, ông John Devaney thường trò chuyện với phụ nữ trong trại. Ông đã tâm sự với cô gái Julia rằng vợ ông đã chết cách đây ba năm, ông có một ngôi nhà đẹp nhưng trống vắng và ông sẽ đưa cô ra khỏi nơi đây nếu cô đồng ý lấy ông. Khi nghe lời cầu hôn, Julia quyết định trao thân gửi phận cho người đàn ông này.

Sau đó, ông John đã rủ Julia đi xem phim vào tối chủ nhật và cô gái đồng ý. Ông còn mua cho cô gả một gói kẹo. Mỗi khi ở cạnh nhau, họ thường phải nhét khăn lót đĩa vào miệng để giấu tiếng cười, phòng bị các xơ nghe thấy. Ông John là một thế giới mới lạ với Julia.
Thùy Dương
Trại St Mary - nỗi hổ thẹn của Ireland - Kỳ 1
Trại St Mary - nỗi hổ thẹn của Ireland - Kỳ 1

Trong suốt 36 năm, thi thể gần 800 trẻ em đã bị chôn cất bí mật trong các thùng bê tông bên cạnh khu trại từng là nơi ở của các bà mẹ “không chồng mà chửa”. Trại dành cho các bà mẹ độc thân đó nằm ở hạt Galway, Ireland. Các thông tin gần đây cho thấy trẻ em ở đây đã bị bỏ rơi, bị suy dinh dưỡng hoặc mắc bệnh đến chết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN