Hãng tin RT dẫn nội dung từ cuốn sách mới xuất bản tuần qua của cựu chuyên viên phân tích cấp cao CIA George Beebee. Lời cảnh báo khẩn cấp của nhà lãnh đạo Nga được đề cập trong cuốn sách “The Russia Trap: How Our Shadow War with Russia Could Spiral into Nuclear Catastrophe” (lược dịch “Cái bẫy của Nga: Cuộc chiến bóng tối của chúng ta với Nga có thể leo thang thành thảm họa hạt nhân như thế nào?”).
“Ông Putin đã gọi điện cho Tổng thống Bush hai ngày trước khi xảy ra các vụ tấn công. Ông Putin cảnh báo cơ quan tình báo Nga đã phát hiện dấu hiệu về một chiến dịch khủng bố mới được chuẩn bị từ rất lâu xuất phát từ Afghanistan. Sau đó, ngày 11/9, ông Putin là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi điện cho Nhà Trắng bày tỏ sự cảm thông và hỗ trợ”, cuốn sách có viết.
Tiết lộ của cựu quan chức CIA một lần nữa trở thành bằng chứng cho thấy Washington đã được nhiều lần cảnh báo về vụ tấn công khủng bố vào ngày 11/9/2001.
Vào ngày xảy ra vụ tấn công, Tổng thống Bush đang có chuyến làm việc tại bang Florida và không ngay lập tức quay trở về thủ đô. Sau thảm kịch tòa tháp đôi ở Mỹ, câu hỏi được đặt ra là chính quyền Washington đã biết gì trước về các mối đe dọa khủng bố và tại sao không có đủ biện pháp để đảm bảo an ninh.
10 năm sau, cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice miêu tả trong hồi ký của mình rằng ngay tại hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ ở Ljubljana vào tháng 6/2001 - ba tháng trước khi xảy ra sự kiện 11/9, nhà lãnh đạo nước Nga Putin đã cảnh báo Tổng thống Bush về mối đe dọa nhóm khủng bố quốc tế Al Qaeda tấn công bằng đường không.
Theo bà, ông chủ Điện Kremlin sau đó nói "đó chỉ là vấn đề thời gian", điều này sẽ sớm mang đến một rắc rối cực lớn. Theo cựu Ngoại trưởng Rice, Tổng thống Putin đã đúng song người Mỹ không coi trọng lời nói của ông ấy.
Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện thông tin Nga thông báo cho Mỹ về thảm kịch khủng bố cách đây 18 năm. Giới chức tình báo Nga từng tiết lô vấn đề này chỉ một thời gian ngắn sau khi hai chiếc máy bay bị không tặc cướp đâm vào tòa tháp đôi ở Mỹ.
Tuy nhiên, tiết lộ từ cuốn sách của cựu nhân viên Beebee phần nào cho thấy không có giới hạn trong việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan tình báo các nước. Ngoài Nga, Anh cũng nhiều lần cảnh báo Mỹ về mối nguy này.
Ngày 11/9/2001, 19 tên không tặc thuộc tổ chức Hồi giáo cực đoan Al Qaeda chia thành 4 nhóm, cướp 4 máy bay chở khách và tấn công vào các địa điểm quan trọng của nước Mỹ, khiến khoảng 3.000 người tới từ hơn 90 quốc gia khác nhau thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương. Đây là lý do trực tiếp khiến Mỹ phát động cuộc chiến tại Afghanistan. Tới tháng 5/2011, đặc nhiệm Mỹ đã tiêu diệt Osama bin Laden trong cuộc đột kích tại Abbottabad, Pakistan.
18 năm trôi qua, nhưng những hình ảnh tang thương về vụ tấn công khủng bố kinh hoàng vẫn ám ảnh người dân nước Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung. Số người thiệt mạng tiếp tục tăng do các di chứng đối với sức khỏe mà truyền thông gọi chung là "Căn bệnh 11/9".
Ngày 29/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua một dự luật đảm bảo rằng Quỹ bồi thường nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu 11/9/2001 sẽ không bao giờ cạn kiệt. Trước đó, dự luật này cũng đã được thông qua tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ với tỉ lệ ủng hộ áp đảo. Trong giai đoạn từ 2001 - 2004, Quỹ bồi thường nạn nhân 11/9 đã chi 7,4 tỷ USD cho thân nhân của 2.880 người thiệt mạng và 2.680 người bị thương trong vụ tấn công.
Sự kiện 11/9 đến nay được coi là một cột mốc trong nền chính trị thế giới, đặc biệt là nước Mỹ, để lại nhiều tác động lâu dài. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng sự kiện 11/9 đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử nhân loại – thời kỳ Hậu hiện đại.