Lễ ký của Tổng thống Trump được tiến hành tại Vườn Hồng, với sự tham dự của hơn 60 nạn nhân - là các nhân viên y tế đầu tiên được điều động tới hiện trường của vụ tấn công 11/9, những người làm việc trong điều kiện nguy hiểm để giải cứu các nạn nhân và đang phải chịu đựng các di chứng về sức khỏe sau thảm kịch này.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Trump đã gọi các nạn nhân vụ khủng bố 11/9 là "những chiến binh thực thụ của nước Mỹ" và nhấn mạnh rằng "các bạn đã tạo cảm hứng cho nhân loại". Với tuyên bố nước Mỹ có "nghĩa vụ quan trọng" phải chăm sóc các nạn nhân và gia đình của họ, Tổng thống Trump đã phê duyệt dự luật gia hạn Quỹ bồi thường nạn nhân vụ khủng bố 11/9 đến năm 2092, mốc thời gian mà về cơ bản đã khiến luật này có thời hạn vĩnh viễn.
Trước đó, dự luật này cũng đã được thông qua tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ với tỉ lệ ủng hộ áp đảo.
Loạt vụ tấn công khủng bố bằng máy bay xảy ra ngày 11/9/2001 ở Mỹ đã khiến 2.996 người thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương. Đây là lý do trực tiếp khiến Mỹ phát động cuộc chiến tại Afghanistan. Gần 18 năm kể từ khi xảy ra vụ tấn công khủng bố, số người thiệt mạng vẫn tiếp tục tăng do các di chứng đối với sức khỏe mà truyền thông gọi chung là "căn bệnh 11/9".
Trước đó, trong giai đoạn từ 2001 - 2004, Quỹ bồi thường nạn nhân 11/9 đã chi 7,4 tỷ USD cho thân nhân của 2.880 người thiệt mạng và 2.680 người bị thương trong vụ tấn công này. Quốc hội Mỹ đã bổ sung ngân quỹ vào năm 2011 và 2015 để hỗ trợ thêm hàng nghìn người, song quyết định ngừng chấp nhận yêu cầu bồi thường mới vào cuối năm 2020, sau khi ngân quỹ nhanh chóng cạn kiệt khiến các nhà quản lý phải cắt giảm tới 70% các khoản thanh toán lợi ích.
Tính tới thời điểm này, đã có hơn 40.000 người đăng ký được nhận hỗ trợ từ Quỹ bồi thường nạn nhân vụ khủng bố 11/9.