Thảm họa kinh khí cầu R101 - Kỳ cuối: Kết cục bi thảm

Khoảng 2 giờ 5 phút chiều, mũi của chiếc R101 chúc xuống. Kỹ sư Henry Leech, lúc đó ngồi một mình trong phòng hút thuốc, ngã trượt khỏi chiếc ghế sô pha. Nhân viên radio Arthur Disley tỉnh giấc.


Xác của chiếc R101.


Ông chỉ mới chợp mắt khi vừa gửi bức điện về nước Anh. Giờ đây Disley phát hiện ra có điều gì đó không ổn. Ở phòng điều khiển, hoa tiêu nhận thấy dụng cụ đo độ cao ghi nhận chiếc khinh khí cầu đang ở rất gần mặt đất mà không biết rằng những ngọn đồi xung quanh Beauvais quá cao.

Các kỹ sư John Binks và Albert Bell đang trò chuyện. Cả hai đều bị ngã khi chiếc khí cầu bổ nhào. Nhân viên lắp ráp Alf Church đang đi tới khu đội bay ở cuối ca trực của mình thì nghe thấy một sĩ quan hét lên: “Thả đối trọng khẩn cấp”. Church quay trở lại vị trí của mình và thả một nửa tấn nước ở mũi khí cầu. Chiếc R101 cân bằng trở lại và tiến lên trong mưa gió.

Trong phòng hút thuốc, Leech nhặt cốc nước vừa rơi xuống sàn lên. Nó chưa vỡ. Ông lại quay lại ghế sô pha nằm. Ở Beauvais, giờ địa phương chưa đến 2 giờ, và một số người dân nhoài ra khỏi cửa sổ để xem chiếc khí cầu bay qua. Nó đi qua trung tâm thị trấn, lắc lư và bổ nhào rồi biến mất đằng sau cánh rừng.

Ở bìa rừng, Alfred Roubaille đang đi săn. Ông nghe thấy tiềng gầm của động cơ trên bầu trời. Dưới tán cây, ông đã chứng kiến từ đầu đến cuối thảm họa làm rung chuyển thế giới. Chiếc R101 đang bay thẳng và thăng bằng, nhưng lại rất thấp. Bất ngờ mũi khí cầu chúc xuống lần thứ hai.

Đài tưởng niệm R101 tại Cardington.


Kết cấu mỏng manh của nó rách toạc, gió tràn vào còn hydro thoát ra ngoài. Alfred Roubaille sau này kể lại: “Chiếc khí cầu bắt đầu đâm xuống mặt đất. Nó rơi chậm và chúc mũi xuống phía dưới”. Còn phi công Altherstone đang quan sát qua những cánh cửa sổ ở phòng điều khiển.

Ông nhận ra chiếc khí cầu đã gặp họa và ra lệnh cho phi công Hunt cảnh báo cho mọi người rằng R101 sắp sửa tan tành. Nhân viên radio Disley nghe thấy tiếng hét của Hunt: “Chúng ta tiêu rồi!”, Disley bật dậy khỏi giường ngủ, Leech nhảy khỏi chiếc ghế sô pha. Còn các kỹ sư Cook, Bell, Binks và Savory kinh hoàng chứng kiến mặt đất đang ở rất gần họ.

Ngay khi R101 ở gần mặt đất, một cơn gió mạnh lại đẩy nó xuống. R101 đâm ngang xuống mặt đất ẩm ướt cách không xa Roubaille. Trong tích tắc, âm thanh duy nhất có thể nghe thấy là tiếng khí ga phụt ra, sau đó là những tiếng nổ. Một tia sáng chói lòa chiếu lên trên bầu trời, rồi lại thêm hai vụ nổ nữa.

Làn khói trắng nhấn chìm chiếc khí cầu vốn từng rất huy hoàng ấy. Kỹ sư Victor Savoy lóa mắt vì ánh lửa tràn vào khoang. Ông nhảy qua cửa sổ và may mắn thoát ra ngoài. Đồng nghiệp Albert Cook cố gắng thoát ra khỏi khoang bằng cửa chính nhưng lại bị một chiếc xà chặn chặt cửa lại.

Sau này ông kể lại: “Tôi đã nằm xuống đầu hàng, nhưng chỉ một lúc thôi”. Cook dùng tay không đẩy chiếc xà ra và lao xuống bụi cây non khi thân mình đã bị bỏng. Các kỹ sư Binks và Bell tưởng chừng như phải chịu chết vì khoang của họ bị lửa bủa vây.

Nhưng rồi phép màu đã xảy ra: một thùng nước đối trọng phía trên khoang trào xuống và dập tắt những ngọn lửa. Họ đã thoát ra ngoài thành công. Trong khi đó, Leech vẫn đang ở phòng hút thuốc. Ông lao xuống sàn rồi bò đến một lỗ hổng mở ra trên tường và nhảy ra ngoài, bỏ lại đằng sau chiếc khí cầu bốc cháy.

Leech đã thoát an toàn, nhưng ông nghe thấy tiếng kêu của Disley, vốn vẫn đang ở trong chiếc R101, cố gắng cào, thậm chí còn dùng răng để xé rách thân khí cầu. Leech quay trở lại để cứu đồng nghiệp. Thật may mắn là bất ngờ một lỗ hổng xuất hiện trên thân khí cầu và Disley ngay lập tức tận dụng thời cơ lao ra ngoài.

Sau đó Leech và Disley cùng nhau chạy khỏi hiện trường. Trong số 54 người trên chiếc khinh khí cầu, chỉ có Savory, Cook, Binks, Bell, Leech và Disley là sống sót. Roubaille kể lại: “Tôi nghe thấy tiếng người kêu cứu trong đống đổ nát. Tôi ở cách đó không xa nhưng sức nóng thật là khủng khiếp. Tôi chạy nhanh nhất có thể để thoát khỏi nơi đó”.

Trong khi đó, những nạn nhân còn lại của chiếc khinh khí cầu được chế tạo từ niềm kiêu hãnh ương ngạnh đã chẳng có chút hy vọng nào thoát khỏi những ngọn lửa.


Việt Anh





Thảm họa kinh khí cầu R101 - Kỳ 2: Thất bại được báo trước
Thảm họa kinh khí cầu R101 - Kỳ 2: Thất bại được báo trước

Ngày 29/7/1930, 7 năm sau khi Vickers lần đầu tiên đề xuất dự án khinh khí cầu khổng lồ, chiếc R100 khởi hành đi Canada. Nó hoàn thành chuyến đi hai chiều thành công mà không gặp bất kỳ sự cố nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN