Tầm nhìn Olympic trong 'Đôi mắt Luân Đôn' - Kỳ 1

Kỳ 1: Ý tưởng mang tên Gaskell


Khi ngọn đuốc Thế vận hội Luân Đôn 2012 dần tắt, khép lại một kỳ đại hội thể thao thành công, ấy cũng là lúc từng đoàn xe tải, xe ben phía ngoài sân vận động lặng lẽ vào ca để biến mảnh đất của những kỷ lục, những tấm huy chương thành khu du lịch và thể thao đa năng. Dư âm về Thế vận hội không chỉ đọng mãi trong tâm khảm mỗi người dân Luân Đôn, mà còn tạo ra nguồn thu quan trọng, giúp chính quyền thành phố vượt qua thời kỳ khó khăn kinh tế.

 

Andrew Gaskell và các con.

 

Chiến lược phát triển phía đông thủ đô Luân Đôn thành Công viên Olympic đề ra những mục tiêu dài hạn, với tầm nhìn vượt qua tất cả kỷ lục trên đấu trường, nhằm khai thác tối đa các công trình thể thao vào mục đích thương mại và dân sinh. Nhưng ít ai biết rằng ý tưởng này lại được khơi nguồn cảm hứng từ ý chí và nghị lực của một người đàn ông hài hước làm nghề phát triển bất động sản, đó là Andrew Gaskell.

 

Chỉ 4 năm sau khi được tuyển dụng vào làm việc tại Cơ quan Phát triển Luân Đôn (LDA), Gaskell có cơ hội thử sức mình với dự án đầy tham vọng: Chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho Thế vận hội mùa hè 2012. Vấn đề khó khăn nhất đặt ra với LDA và bản thân Gaskell là làm thế nào để thuyết phục người dân ở Stratford - nơi dự kiến sẽ xây dựng Công viên Olympic, về lợi ích trước mắt mà họ được hưởng trong mối quan hệ hài hòa với lợi ích chung của cả cộng đồng và đất nước.

 

Nhà đàm phán tài ba


Việc người dân buộc phải bán đất để xây dựng Công viên Olympic đã kéo theo hàng loạt những kế hoạch tái định cư rất nhạy cảm. Họ phải chia tay với nơi mà mình đã gắn bó cả đời người, với những chốn tâm linh như nhà thờ, tu viện. Điều gì xảy ra nếu những khu nhà tái định cư không thỏa mãn nhu cầu của người dân Stratford chuyển đến. Nhiều cuộc đàm phán khó khăn, nhiều lần vấp phải sự phản đối quyết liệt, nhưng Gaskell vẫn không bỏ cuộc và cuối cùng, anh luôn là người chiến thắng. Một số giải pháp mà Gaskell đưa ra đã giúp người dân Stratford có được nơi ở mới khang trang và tiện lợi hơn rất nhiều.


 

Thế vận hội Luân Đôn 2012 khép lại trong thành công.

 

Nhưng dấu ấn đậm nét nhất mà Gaskell để lại chính là kế hoạch tổng thể xây dựng, phát triển và khai thác lâu dài Công viên Olympic hậu Thế vận hội Luân Đôn 2012. Theo sáng kiến của anh, Công ty Di sản Công viên Olympic và sau này là Tập đoàn Phát triển Di sản London (LLDC) đã được thành lập với sứ mệnh đặc biệt: Phá vỡ mọi kỷ lục trước đó để tạo ra nguồn lợi nhuận lâu dài từ việc "canh tác" trên mảnh đất Stratford. Ngay sau khi Thế vận hội kết thúc, toàn bộ bất động sản và các công trình xây dựng đã được chuyển giao cho LLDC. Rosanna Lawes - Giám đốc phát triển và Richard Brown - Giám đốc chiến lược của LLDC khẳng định rằng chính Gaskell là người đã mang đến luồng gió mới, giúp tái sinh cả một vùng rộng lớn ở phía đông Luân Đôn bằng sự thông minh, tính hài hước và nỗ lực không mệt mỏi.


Tháng 1/2011, đúng lúc mọi công việc chuẩn bị cho Thế vận hội đến giai đoạn nước rút, thì Gaskell được chẩn đoán mắc bệnh nơron vận động (MND) - một căn bệnh quái ác không có thuốc đặc trị và có thể cướp đi sinh mạng bệnh nhân trong vòng 3 năm. Nén lại cú sốc trong đời, Gaskell tranh thủ từng giây phút còn lại, lao vào công việc bằng lòng nhiệt huyết và ý chí chiến thắng bệnh tật. Nhưng số phận không mỉm cười với anh. Gaskell đã ra đi cuối tháng 2/2013 ở tuổi 38, để lại đằng sau biết bao dấu ấn mà giờ đây cũng trở thành di sản của thành Luân Đôn.

 

Bài học nhãn tiền


Để chốt lại kế hoạch tổng thể phát triển, quản lý và khai thác Công viên Olympic sau mùa hè sôi động năm 2012, giới chức Luân Đôn đã dày công nghiên cứu và tiến hành khảo sát kinh nghiệm tại 3 nơi từng tổ chức Thế vận hội là Aten (Hy Lạp), Sydney (Ôxtrâylia) và Barcelona (Tây Ban Nha). Và họ rút ra kết luận: 2 thành công, 1 thất bại.


Đó là Barcelona 1992, sau Thế vận hội, làng vận động viên được chuyển đổi thành 2.000 căn hộ, khách sạn và văn phòng. Với vị trí đẹp, sát bờ biển, khu vực này nhanh chóng trở nên tấp nập với siêu thị, quán ăn, hộp đêm... Kết quả khảo sát sau 10 năm diễn ra Thế vận hội cho thấy giá căn hộ có mặt tiền hướng ra biển đã tăng 5 lần kể từ lần đầu tiên được chào bán trên thị trường.


Đó là Sydney 2000, công viên Olympic và làng vận động viên đã được chuyển đổi thành công để hình thành một quần thể nhà ở, khu vui chơi giải trí, khách sạn, văn phòng... Sân vận động mang tên mới là ANZ giờ đây thường diễn ra những trận bóng đá và cricket của Ôxtrâylia. Công viên Olympic là địa điểm thú vị để tổ chức lễ hội và hòa nhạc. Làng vận động viên gần đó được chuyển đổi thành 900 căn nhà, 700 căn hộ với giá vừa phải, đáp ứng nhu cầu cao trong đối tượng trung lưu và gia đình trẻ.


Nhưng đó còn là "cơn ác mộng" Aten 2004, làng Olympic cách thủ đô khoảng 12 dặm được chuyển đổi thành 10.000 căn nhà giá thấp. Tuy nhiên, những người muốn mua nhà phải trải qua một trò chơi may rủi để giành quyền sống ở đó trong khi số lượng bán ra quá lớn. Tình trạng khó khăn của nền kinh tế Hy Lạp nhanh chóng đẩy khu vực bất động sản đồ sộ này lâm vào quên lãng bởi không còn vốn đầu tư. Những công trình Olympic bị bỏ rơi, còn câu chuyện bán nhà ở đây bỗng chốc thành điều hoang tưởng...


Lê Phương (P/v TTXVN tại Anh)


Đón đọc kỳ tới: Cuộc chạy nước rút... 1 năm

Tầm nhìn Olympic trong "Đôi mắt Luân Đôn" - Kỳ 2
Tầm nhìn Olympic trong "Đôi mắt Luân Đôn" - Kỳ 2

Khép lại những ngày thi đấu sôi động của Thế vận hội Luân Đôn 2012, Công viên Olympic chính thức mang tên Nữ hoàng Elizabeth II để kỷ niệm 60 năm trị vì của bà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN