Tại sao Nga bán “đất vàng” Alaska cho Mỹ?

Năm 1867, Nga đã bán vùng lãnh thổ Alaska cho Mỹ với giá 7,2 triệu USD. Chỉ 50 năm sau, Mỹ đã thu lại lợi nhuận gấp 100 lần so với giá ban đầu. Tại sao Nga lại chuyển nhượng một “mảnh đất vàng” như Alaska cho Mỹ?

 

Alaska ngày nay.

Sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea, trên trang web của Nhà Trắng đã xuất hiện một bản kiến nghị với hơn 35.000 chữ ký đề nghị Nga sáp nhập Alaska. Dù bản kiến nghị này sau đó bị hủy nhưng nhiều người cho rằng Mỹ đã đánh cắp hoặc thuê vùng lãnh thổ Alaska từ Nga mà không hoàn trả lại. Mặc dù dư luận nghi ngờ nhưng hợp đồng mua bán vùng đất này rất rõ ràng và cả hai đều có lý do hợp lý của mình.


Thế kỷ 19, Alaska của Nga là một trung tâm thương mại tầm cỡ thế giới. Tại thủ phủ Novoarkhangelsk (nay là Sitka) của Alaska, hoạt động kinh doanh diễn ra rất nhộn nhịp với đủ mặt hàng như vải vóc Trung Quốc, trà và đá - loại hàng hóa mà miền nam nước Mỹ rất cần trước khi phát minh ra tủ lạnh. Ngành đóng tàu, khai thác than đá và hoạt động của các nhà máy đều rất ổn. Do vậy, bán vùng đất này được cho là một hành động điên rồ.


Các lái buôn Nga đã đổ tới Alaska để mua ngà hải mã (giá trị như ngà voi) và lông rái cá biển có giá trị từ thổ dân trong vùng. Quá trình buôn bán do Công ty Nga-Mỹ (RAC) điều hành. Công ty này được các nhà thám hiểm và doanh nhân Nga thành lập từ thế kỉ 18. Công ty cũng kiểm soát tất cả các mỏ và khoáng sản của Alaska, có thể kí hiệp định thương mại với các quốc gia khác một cách độc lập, có cờ và tiền tệ riêng làm bằng da. Những đặc quyền này được Nga hoàng cho phép. Tuy nhiên, chính phủ Nga không chỉ thu các khoản thuế lớn mà còn sở hữu phần lớn cổ phần của công ty này – Nga hoàng và các thành viên trong hoàng gia đều là cổ đông của RAC.

Tờ séc trị giá 7,2 triệu USD mà Mỹ ký để mua Alaska.


Alexander Baranov, lãnh đạo của RAC, đã cho xây dựng các nhà máy và trường học ở đây, dạy dân bản địa cách trồng củ cải và khoai tây, dựng pháo đài và nhà máy đóng tàu, mở rộng hoạt động buôn bán rái cá biển. Ông tự đặt cho mình biệt hiệu “Russian Pizarro” và yêu mến vùng đất này không chỉ vì nó giúp ông kiếm được nhiều tiền mà còn bằng tình yêu thực sự. Ông đã lập gia đình với một cháu gái của tộc trưởng Aleut tại Alaska.


Dưới sự lãnh đạo của Baranov, RAC đã kiếm được doanh thu khổng lồ với hơn 1.000% lợi nhuận. Khi Baranov nghỉ hưu, người kế nhiệm ông là thuyền trưởng, trung úy Hagemeister. Sau đó, ông này đã tuyển thêm nhiều nhân viên và cổ đông mới trong quân đội, khiến quyền điều hành công ty đều tập trung vào các sĩ quan hải quân. Thay vì tập trung điều hành công ty, Hagemeister lại tìm cách chiếm đoạt lợi nhuận kinh doanh.


Ban lãnh đạo mới của RAC đã tự trả cho mình mức lương khổng lồ. Nhân viên quản lý thông thường có thể kiếm tới 1.500 rúp/năm (tương đương với mức lương của bộ trưởng và thượng nghị sĩ), trong khi người đứng đầu của công ty có mức lương 150.000 rúp. Công ty này đã mua lông thú của người dân địa phương với giá chỉ bằng 1/2 so với giá trị thực. Kết quả là 20 năm sau, người dân ở đây đã giết chết gần hết rái cá biển, khiến cho ngành thương mại có lợi nhuận nhất của Alaska sụp đổ. Dân địa phương bắt đầu nổi dậy, nhưng cuộc nổi dậy đã bị các tàu chiến Nga dập tắt.


Trước tình hình đó, RAC bắt đầu tìm kiếm các nguồn thu nhập khác. Hoạt động buôn bán đá và trà bắt đầu phát triển. Nhưng quản lý yếu kém cùng với việc vẫn duy trì mức lương cao cho giới lãnh đạo khiến RAC buộc phải xin trợ cấp nhà nước với số tiền 200.000 rúp/năm. Cuối cùng công ty này cũng bị phá sản.


Sau đó, Chiến tranh Crimea (1853-1856) nổ ra, Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ cùng chống lại Nga. Trong hoàn cảnh này, rõ ràng là Nga không thể chu cấp cũng như bảo vệ Alaska vì các tuyến đường biển ở đó đã bị phong tỏa bởi các tàu của quân đồng minh. Thậm chí hoạt động khai thác vàng ở đây cũng liên tục bị gián đoạn. Lúc đó, Nga lo rằng Alaska sẽ bị Anh cướp mất và như vậy Nga sẽ chẳng còn gì.


Căng thẳng giữa Nga và Anh ngày càng tăng lên, trong khi mối quan hệ giữa Nga và chính quyền Mỹ lại gần gũi bao giờ hết. Cả hai gần như cùng có ý tưởng mua và bán Alaska. Vì vậy Nam tước Eduard de Stoeckl, phái viên của Nga tại Washington, đã đại diện cho Nga hoàng tổ chức đàm phán với Ngoại trưởng Mỹ William Seward.


Trong khi hai bên đang đàm phán, dư luận hai nước đã phản đối mạnh mẽ. Trên các phương tiện truyền thông Nga tràn ngập những câu hỏi như: "Sao chúng ta có thể từ bỏ vùng đất mà chúng ta đã bỏ rất nhiều công sức và thời gian để phát triển, vùng đất đã có thể liên lạc bằng điện báo và có nhiều mỏ vàng?”, trong khi báo chí Mỹ phẫn nộ: “Tại sao Mỹ cần vùng đất băng giá đó?”.


Không chỉ có giới báo chí, quốc hội Mỹ cũng không chấp thuận thương vụ mua bán này. Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối, ngày 30/3/1867, tại Washington, Nga đã ký thỏa thuận bán Alaska với diện tích 1,5 triệu ha cho Mỹ với giá 7,2 triệu USD (4,74 USD/km2), một khoản tiền mang tính tượng trưng. Ở thời điểm đó, một vùng đất bình thường ở Siberia với diện tích tương tự có thể có giá gấp 1.395 lần. Nhưng trong hoàn cảnh nguy kịch đó, Nga vẫn mạo hiểm chấp thuận thỏa thuận trên.


Việc bàn giao chính thức Alaska cho Mỹ diễn ra ở Novoarkhangelsk. Lính Mỹ và Nga xếp hai hàng cạnh cột cờ, cờ Nga bị hạ dần xuống. Một phát súng đại bác vang lên đánh dấu sự kiện này.


Sau đó, người Mỹ đã đổi tên Novoarkhangelsk thành Sitka. Hàng trăm người Nga không nhận quốc tịch Mỹ đã phải rời khỏi khu vực này bằng tàu buôn. Sau một thời gian ngắn, Mỹ đã khai thác vàng và kiếm được hàng trăm triệu USD ở vùng đất Alaska băng giá.


Giả sử Nga không vội bán Alaska cho Mỹ thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong mối quan hệ giữa các cường quốc thời bấy giờ.


Vũ Thanh (B.I)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN