Sự thật về kho chất độc Dioxin ở Okinawa - Kỳ I: Lời đảm bảo trong chiến dịch Mũ Đỏ

Kể từ năm 1945, hòn đảo nhỏ Okinawa (Nhật Bản) đã phải miễn cưỡng đón tiếp sự hiện diện quân sự quy mô lớn của người Mỹ cùng một hệ thống kho lớn dùng để chứa các loại vũ khí và các chất hóa học nguy hiểm, trong đó có loại khí làm tê liệt thần kinh, hơi cay, và tên lửa hạt nhân. Tuy nhiên, trong đó còn có một loại vũ khí mà Bộ Quốc phòng Mỹ luôn luôn phủ nhận việc họ cất nó ở Okinawa. Đó là là chất độc Dioxin. Những thông tin về kho chất độc khổng lồ này vừa được giới nghiên cứu và truyền thông phanh phui, gây chấn động dư luận.

 

Thời báo Nhật Bản đăng bài và ảnh về các thùng chất độc da cam/dioxin phát hiện tại Okinawa năm 1981.

 

Giờ đây, lần đầu tiên, một báo cáo quân sự Mỹ vừa được phát hiện thời gian gần đây đã tiết lộ rằng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã dự trữ 25.000 thùng chất độc Dioxin tại hòn đảo nằm ở Thái Bình Dương này. Những thùng chất độc Dioxin này chứa hơn 1,4 triệu gallon (khoảng 5,3 triệu lít) đã được đem từ Việt Nam tới Okinawa, trước khi được đưa tới đảo Johnston ở biển Thái Bình Dương, nơi quân đội Mỹ đã thiêu hủy các hóa chất cất giữ của họ vào năm 1977.


Trái với hàng thập kỷ phủ nhận của Oasinhtơn, báo cáo nói trên là lời thừa nhận trực tiếp đầu tiên của quân đội Mỹ rằng họ đã cất giữ những chất độc đó ở Okinawa. Một loạt bức ảnh cũng đã được tiết lộ, dường như cho thấy 25.000 thùng chất độc Dioxin được cất giữ ở Trại Kinser trên đảo Okinawa, gần thành phố Naha, thủ phủ tỉnh Okinawa.


Báo cáo do quân đội Mỹ soạn thảo năm 2003 nhưng chỉ được phát hiện gần đây. Báo cáo này có nhan đề "An Ecological Assessment of Johnston Atoll." (Đánh giá sinh thái học của chuỗi đảo san hô Johnston), đã mô tả những nỗ lực của quân đội Mỹ nhằm làm sạch hòn đảo nhỏ mà họ đã sử dụng trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh để làm nơi cất trữ và vứt bỏ những vũ khí sinh học. Báo cáo này nêu rõ: “Năm 1972, không lực Mỹ đã đưa khoảng 25.000 thùng loại 55 gallon (208 lít) hóa chất Herbicide Orange (HO – chất diệt cỏ màu Da Cam) tới đảo Johnston. Số hóa chất này trước đó được đưa từ Việt Nam đến lưu giữ ở Okinawa."


Vào thời điểm đầu những năm 1970, chính phủ Mỹ đã cấm việc sử dụng chất độc Dioxin ở Việt Nam sau khi kết quả các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy loại thuốc diệt cỏ chứa chất Dioxin này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Báo cáo được phát hiện gần đây cho thấy rằng những thùng chất độc màu da cam đó là một phần của Chiến dịch Mũ Đỏ (Operation Red Hat), một chiến dịch quân sự được quân đội Mỹ tiến hành năm 1971 nhằm chuyển kho vũ khí hóa học 12.000 tấn (gồm hơi cay, chất độc thần kinh VX và khí độc Sarin) khỏi Okinawa nhằm chuẩn bị cho việc trao trả hòn đảo này cho Nhật Bản kiểm soát năm 1972.


Đây không phải là lần đầu tiên chất độc Dioxin được liên hệ với chiến dịch Mũ Đỏ. Theo một thông báo năm 2009 từ Bộ Cựu Chiến binh Mỹ, “những hồ sơ liên quan đến chiến dịch Mũ Đỏ cho thấy các chất diệt cỏ đã được lưu giữ và sau đó vứt bỏ ở Okinawa từ tháng 8/1969 tới tháng 3/1972.” Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm tiếp cận những nguồn thông tin mà Bộ Cựu Chiến binh Mỹ đã sử dụng để tổng hợp thành thông báo nói trên luôn bị ngăn cản, và Lầu Năm Góc đã từ chối giúp đỡ các cựu binh Mỹ, những người tuyên bố rằng họ đã bị phơi nhiễm các chất độc làm rụng lá cây trong chiến dịch Mũ Đỏ.


Điều tăng thêm sức nặng cho mối nghi ngờ về những chiếc thùng được vận chuyển trong chiến dịch Mũ Đỏ chính là phát hiện của nhà nghiên cứu độc lập Nao Furugen về một loạt bức ảnh trong cơ quan lưu trữ của tỉnh Okinawa. Những bức ảnh được chụp để đảm bảo với truyền thông địa phương rằng quân đội Mỹ đã thực hiện đầy đủ các thủ tục an toàn cho chiến dịch Mũ Đỏ. Hậu cảnh của các bức ảnh có một đống những chiếc thùng. Có vẻ như những chiếc thùng này được sơn những vệt sọc, đúng với cách mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong khi vận chuyển các chất diệt cỏ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.


Tuy nhiên, theo những tài liệu do các cựu binh Mỹ cung cấp liên quan đến việc vận chuyển các kho chất độc Dioxin tới đảo Johnston, những chiếc thùng được đưa đến trong các giai đoạn bị xuống cấp khác nhau. Một số báo cáo, tài liệu cho thấy rằng gần 9.000 trong tổng số 25.000 thùng ngày càng bị rò rỉ nhiều hơn trên đảo Johnston, làm ô nhiễm nhiều khu vực rộng lớn ở hòn đảo này. Những tài liệu này đã làm dấy lên cảnh báo ở Okinawa, nơi những người dân địa phương đang kêu gọi các cấp chính quyền tiến hành xét nghiệm môi trường trong các căn cứ mà những cựu binh Mỹ cho là đã lưu giữ chất độc Dioxin. Tuy nhiên, cả Tôkyô và Oasinhtơn đã thẳng thừng từ chối những yêu cầu này của người dân Okinawa.


Tiến Trung (Theo Atimes)

 

Đón đọc kỳ cuối: Phơi bày sự thật

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN