Sự sụp đổ của đế quốc La Mã - Kỳ 1

Là quốc gia rộng lớn và hùng mạnh nhất thời kỳ cổ đại, đế quốc La Mã trải dài 6 triệu km2 với dân số khoảng 60 triệu người. Các kỹ sư La Mã đã phát hiện và trùng tu hơn 1.000 thành phố và thị trấn, biến một châu Âu thuần nông thành một đại công trường đô thị hóa. Trong thế kỷ thứ 3, quân đội La Mã sở hữu 450.000 bộ binh và 45.000 lính hải quân. Nhưng rốt cuộc nhà nước ấy cũng không tránh khỏi quy luật hưng vong của lịch sử, đạt cực thịnh dưới Triều đại Trajan (98 - 117 sau Công nguyên) để rồi bị diệt vong dưới tay các man tộc.

 

Kỳ 1: Sự lớn mạnh của các man tộc

 

La Mã là một hình mẫu chói lọi cho sự ưu việt về văn hóa, công nghệ và xã hội đương thời. Năm 356, thành phố này có 28 thư viện, 10 vương cung thánh đường, 11 bể bơi công cộng, 2 nhà hát ngoài trời, 3 rạp hát, 2 rạp xiếc (rạp Maximus có sức chứa 150.000 người và rạp Colosseum có 50.000 chỗ ngồi), 19 cống dẫn nước, 11 quảng trường công cộng, 1.352 đài phun nước và 46.602 tòa nhà dân cư. Tuy nhiên, hơn một thế kỷ sau đó, những kẻ xâm lược man tộc đã khai tử đế quốc này, biến La Mã thành một đống hoang tàn.


Thành Rome cổ đại.


Đến nay, những nguyên nhân khiến đế quốc La Mã sụp đổ vẫn là vấn đề lịch sử trọng đại đang được thảo luận. Dẫu vậy, người ta vẫn có thể xác định một số căn nguyên chính khiến đế quốc này không thể đương đầu với những thách thức chí tử, trong đó có bốn yếu tố nổi bật: Mối đe dọa bên ngoài đối với các đường biên giới phía tây của đế quốc đang thay đổi; những cuộc nội chiến liên tiếp giữa những người tranh giành ngai vàng; hoạt động di cư và định cư bên trong các đường biên giới đế quốc của các man tộc lớn khác biệt về văn hóa và có vũ trang; sự suy kiệt nguồn nhân lực và nguồn thu thuế của đế quốc vốn cần thiết để duy trì, bảo vệ và cai quản nhà nước La Mã.


Người La Mã gọi khu vực nằm ngoài đường biên giới phía tây của đế quốc dọc các con sông Rhine và Danube là vùng đất của các man tộc, chủ yếu là những người nói tiếng Đức sống thưa thớt trong những ngôi làng nhỏ. Dân số của họ bị hạn chế bởi những kỹ thuật nông nghiệp thô sơ. Chỉ sử dụng lưỡi cày gỗ, người nông dân German không thể làm cho đất trở nên phì nhiêu. Khi đất nhanh chóng bạc màu không thể duy trì sản lượng nông nghiệp cần thiết, thì họ buộc phải di cư qua từng thế hệ để tìm kiếm những vùng đất màu mỡ hơn.


Tượng bán thân hoàng đế Trajan.


Quy mô dân số nhỏ cùng với thói quen du cư của các bộ lạc German đã kìm hãm sự phát triển của các cấu trúc chính trị. Chính quyền chỉ mang tính cục bộ, chủ yếu bao gồm các tộc trưởng nhưng quyền lực của họ bị hạn chế bởi hội đồng cố vấn, là những người được lựa chọn từ các thành viên bộ tộc có vai vế khác. Một tộc trưởng đơn lẻ không có đủ tiền của và nhân lực để thành lập một nhóm chiến binh chỉ trung thành với ông ta. Thay vào đó, các chiến binh thị tộc quy tụ lại với nhau khi hoàn cảnh đòi hỏi. Những nhóm này thường có quy mô nhỏ và chỉ có thể tiến hành các cuộc đột kích hạn chế. Trong một số trường hợp, các bộ lạc cung cấp chiến binh phục vụ một cách hạn chế trong quân đội La Mã.


Người La Mã sử dụng trợ cấp, huân chương quân đội và các cuộc viễn chinh trừng phạt để đảm bảo lòng trung thành của các bộ lạc, đồng thời thường xuyên kích động họ đối đầu với nhau. Các bộ lạc German ở dọc biên giới phía tây không gây ra mối đe dọa nào đối với các doanh trại La Mã và quy mô dân số hạn chế của những bộ lạc này không làm bùng phát hoạt động di cư ồ ạt. Trên thực tế, người La Mã đôi khi cho các nhóm nông dân nhỏ định cư ở bên trong đường biên giới của đế quốc.


Nhưng đến thế kỷ thứ 3, tình hình trong khu vực này đã thay đổi. Sự hiện diện của các doanh trại và thương nhân La Mã đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế, chính trị và xã hội của các bộ lạc ở biên giới. Các doanh trại trở thành những thị trường lớn cho sản phẩm nông nghiệp địa phương, kim loại, nô lệ và tân binh. Việc áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp của La Mã - cày sắt lưỡi sâu, phân bón và tưới tiêu - dẫn đến những trang trại lớn hơn, lương thực dồi dào, bùng nổ dân số bộ lạc và sự xuất hiện của các thị trấn. Tất cả góp phần chấm dứt xu hướng du cư nông nghiệp truyền thống của các thị tộc và làm ổn định dân số.


Lãnh thổ đế quốc La Mã thời hưng thịnh.


Các bộ lạc lớn hơn cần tới những cấu trúc chính trị và tổ chức phức tạp hơn. Một trong những bước phát triển quan trọng là việc các thủ lĩnh bộ lạc giàu có nay đã có khả năng hỗ trợ các nhóm chiến binh lớn. Đến cuối thế kỷ thứ 2, dân số của các bộ lạc dọc vùng biên thùy phía tây của đế chế La Mã gia tăng đáng kể. Khi các thủ lĩnh bộ lạc kết thành liên minh, dưới sự chỉ huy của những nhà lãnh đạo được bầu ra, thì những liên minh này có thể dễ dàng gây dựng các đội quân đông tới 10.000 người.


Đồng thời, việc phát hiện các trữ lượng quặng kim loại lớn nằm bên ngoài đường biên giới của đế quốc đã giúp sản sinh ra ngành công nghiệp quân dụng. Chỉ hai mỏ quặng nằm trong các đường biên giới ngày nay của Ba Lan đã tạo ra hơn 7.000 tấn sắt trong thời kỳ La Mã. Trước sự phát hiện này, các vũ khí bằng kim loại được sản xuất đơn lẻ, đắt đỏ và bị chính quyền La Mã kiểm soát nghiêm ngặt.

 

Huy Lê

Đón đọc kỳ 2: Những hiểm họa khôn lường

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN