Những tiết lộ mới về vụ ám sát Kennedy- Kỳ cuối

Thủ lĩnh nhóm lưu vong Cuba tại Mỹ Jorge Mas Canosa.

Sau thất bại trong cuộc tấn công vào Vịnh Con Lợn, Thủ lĩnh của lực lượng phản động lưu vong Cuba tại Mỹ, Jorge Mas Canosa, một nhân vật có mối liên hệ hết sức chặt chẽ với CIA, tỏ ra vô cùng tức giận trước cách hành xử của Nhà Trắng.

 

Thậm chí hắn cho rằng việc không ra lệnh cho quân đội Mỹ tham gia cuộc viễn chinh này để hỗ trợ cho quân phản cách mạng Cuba là một sự phản bội của Tổng thống Kennedy. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhà văn Pat Jordan hồi đầu năm 1962, Canosa không ngần ngại tuyên bố rằng hai nhân vật mà hắn căm ghét đến tận xương tủy chính là Fidel Castro và John F. Kennedy.


Trước những nghi ngờ về sự tham gia của một thế lực ngầm trong vụ ám sát Tổng thống Kennedy, điều tra viên Gaeton Fonzi, người đã có nhiều năm cộng tác với các ủy ban của Quốc hội Mỹ chuyên điều tra các hoạt động ngầm của CIA, đã bỏ nhiều công sức để thu thập bằng chứng về sự dính líu của CIA và các nhóm phản động gốc Cuba vào vụ ám sát đình đám này. Sau nhiều nỗ lực, Fonzi đã tiếp cận và phỏng vấn được với Antonio Veciana, một người bạn thân thiết từng tham gia cùng với Jorge Mas Canosa vào một số điệp vụ của CIA, và tên này đã tiết lộ một số bằng chứng cho thấy CIA và các nhóm mafia Cuba đã nhúng tay trực tiếp vào “sự kiện Dallas”.


Lễ tang Tổng thống Kennedy tại nghĩa trang quốc gia Arlington.


Antonio Veciana từng làm việc nhiều năm cho trùm tư bản ngành mía đường ở Cuba Julio Lobo. Sau khi chính quyền cách mạng lên nắm quyền ở Cuba, Veciana được CIA chiêu mộ để tham gia các hoạt động chống phá và đến cuối năm 1961 hắn đã trốn khỏi Cuba sau khi thất bại trong một kế hoạch ám sát Tổng Tư lệnh Fidel Castro. Ngay sau khi tới Miami, Veciana tiếp tục tham gia các hoạt động ngầm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của một sỹ quan CIA có biệt danh là Maurice Bishop. Trong suốt hai năm 1962 và 1963, Veciana thường xuyên tiếp xúc với Bishop ở thành phố Dallas và một trong những lần đó hắn đã tận mắt nhìn thấy Lee Harvey Oswald (một trong hai tay súng bắn chết Kennedy) cũng vừa đi ra từ tòa nhà nơi Bishop gặp gỡ với các mối liên lạc của mình.


Tài liệu điều tra do Fonzi công bố cũng cho biết, trong kế hoạch ám sát Tổng thống Kennedy, những kẻ chủ mưu cũng đã chuẩn bị một loạt các hành động tại Dallas, Miami và thành phố Mexico nhằm đánh lạc hướng điều tra của cơ quan chức năng. Mục đích của kế hoạch này là tạo ra hình ảnh Lee Harvey Oswald như là một “người cách mạng” hay “người bảo vệ Cách mạng Cuba”. Chính vì vậy mà tay sát thủ này đã xuất hiện và tham gia tích cực trong các hoạt động đoàn kết với Cuba ở Mỹ, thậm chí Lee Harvey Oswald còn bay sang Mexico để tới Đại sứ quán Cuba xin thị thực và tất cả những hoạt động này của hắn đều được CIA chụp ảnh và ghi hình để lưu vào hồ sơ. Đây cũng là những bằng chứng để sau khi thực hiện vụ ám sát Kennedy thì mọi tội lỗi sẽ được đổ cho Lee Harvey Oswald, “một tay cộng sản Cuba cuồng tín”.


Veciana cũng tiết lộ rằng trong một lần gặp gỡ với Bishop đầu năm 1963, tay này nói rằng hắn biết Veciana có một người anh họ làm cho tình báo Cuba ở Đại sứ quán Cuba tại Mexico và nếu Veciana thuyết phục được người này tham gia vào một phi vụ bí mật thì CIA sẽ trả công một khoản tiền rất lớn. Trên thực tế, người họ hàng đó là chị họ của Veciana, lúc đó là phu nhân của nhân viên lãnh sự Cuba tại Mexico, Guillermo Ruiz. Sau khi Kennedy bị ám sát, bà này đã được CIA tiếp xúc và tìm cách chiêu mộ với mục đích sau khi chạy trốn sang Mỹ, bà sẽ ra làm chứng để tố cáo “mối liên hệ giữa Lee Harvey Oswald với cơ quan tình báo Cuba.


Trong khi đó, tài liệu điều tra của cơ quan an ninh Cuba cũng phát hiện ra mối liên hệ giữa Veciana và Bishop (sau này được xác định chính là David Attle Phillips, một chuyên gia về chiến tranh tâm lý của CIA). Tướng Fabian Escalante, nguyên Giám đốc cơ quan An ninh Nhà nước Cuba, kể lại rằng một điệp viên Cuba hoạt động trong hàng ngũ CIA sau khi gặp gỡ với Veciana đã báo cáo rằng tên này thừa nhận chính CIA đã lên kế hoạch chi tiết vụ ám sát Kennedy và đứng đằng sau là nhiều quan chức cấp cao của CIA, trong đó có David Phillips (Bishop). Mặc dù không thuật lại chi tiết kế hoạch này vì theo Veciana, “đó là sự đảm bảo cho cuộc sống của hắn” song nhân viên tình báo Cuba sau đó đã kiểm chứng được những gì Veciana tiết lộ là sự thật. Bởi vì, khi nghe lén cuộc nói chuyện giữa Veciana và David Phillips sau này, điệp viên Cuba đã nghe thấy Veciana hứa giữ kín những gì đã xảy ra trong điệp vụ ám sát tại Dallas năm 1963.


Cũng theo tài liệu tình báo thu thập được, một số nhân chứng đã khai báo với Ủy ban Warren (Ủy ban điều tra vụ ám sát do Chánh án Tòa án Tối cao Earl Warren lúc bấy giờ đứng đầu), rằng họ đã nhìn thấy hai đối tượng, trong đó có một người da đen, có đặc điểm giống người Cuba rời khỏi Kho sách cũ ở Quảng trường Daley (Dallas) chỉ ít phút sau khi Kennedy bị ám sát. Cùng với đó, cơ quan an ninh Cuba cũng có thông tin về việc trước khi xảy ra vụ ám sát hai ngày, một số tên trong nhóm lưu vong phản động Cuba đã có mặt ở Dallas với nhiều vũ khí, trong đó có cả Eladio del Valle và Herminio Diaz (được xác định là tay súng thứ hai trong vụ ám sát). Đặc điểm nhận dạng của hai sát thủ này cũng trùng khớp với miêu tả mà các nhân chứng đã khai báo với Ủy ban Warren.


Tuy nhiên, đáng ngờ nhất chính là kết cục của hai sát thủ trên: Eladio del Valle bị một nhóm giấu mặt hạ sát ở Miami ngay khi Thẩm phán bang New Orleans, Jim Garrison, quyết định mở cuộc điều tra về vụ ám sát Tổng thống Kennedy. Trong khi đó, Herminio Diaz thiệt mạng khi đang trên đường xâm nhập vào lãnh thổ Cuba để thực hiện nhiệm vụ ám sát Tổng thống Cuba lúc bấy giờ là Osvaldo Dorticos. Điều kỳ lạ là Diaz được cử thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh quân đội Cuba lúc đó đang ở thời điểm báo động cao nhất trong công tác tuần tra bảo vệ bờ biển và đường không sau một vụ đụng độ xảy ra tại căn cứ quân sự Guantanamo mà Mỹ chiếm đóng trái phép. Theo nhận định của giới quan sát thì đó là một “điệp vụ tự sát” và người lên kế hoạch và tổ chức chính là trùm mafia Cuba tại Mỹ, Jorge Mas Canosa. Trên thực tế, đó là những phi vụ “bịt đầu mối” mọi ý định tìm ra sự thật đằng sau âm mưu ám sát Tổng thống Kennedy tại Dallas năm 1963.



Hoài Nam (Tổng hợp)

Những tiết lộ mới về vụ ám sát Kennedy - Kỳ 1
Những tiết lộ mới về vụ ám sát Kennedy - Kỳ 1

50 năm đã trôi qua kể từ khi xảy ra sự kiện Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát... song những nghi vấn về một âm mưu đã được lên kế hoạch từ trước xung quanh cái chết của vị tổng thống thứ 35 của Mỹ vẫn thôi thúc các nhà điều tra độc lập theo đuổi vụ việc đến cùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN