Những cỗ máy sát thủ tự động

Cuộc cách mạng mới trong chiến tranh - Kỳ II: Những cỗ máy sát thủ tự động


Sáng kiến của Maxim không nhằm tạo ra khả năng bắn tự động mà mục đích là để khẩu súng tự nạp đạn qua đó tăng đáng kể tốc độ bắn. Maxim đã thay thế lực cơ tay bằng lực nẩy của súng khi bắn, theo đó mỗi viên đạn bắn ra sẽ tạo đủ lực để vận hành bộ máy nạp đạn và đẩy một viên mới lên buồng đạn. Nhờ đó súng máy Maxim có thể bắn với tốc độ 600 viên/phút.


Vào thời gian này, quân đội Anh được trang bị loại súng trường cổ điển Lee - Enfield 0,303 lên đạn từng viên một. Trong cuộc diễn tập bắn nhanh, một xạ thủ lão luyện sẽ có khả năng bắn trúng mục tiêu 15 lần trong 60 giây nhưng không thể duy trì tốc độ bắn “điên rồ” này trong thời gian lâu hơn. Khác với súng trường, súng máy Maxim không cần phải ngắm lại sau mỗi phát bắn vì nó luôn giữ đường ngắm ổn định so với mục tiêu. Người điều khiển súng chỉ cần thực hiện một thao tác đơn giản là siết cò. Maxim đã chứng minh tính năng này trong một màn trình diễn mà súng máy của ông có thể “cưa” đổ một cái cây chỉ với một loạt đạn duy nhất. Một xạ thủ súng Maxim có thể bắn trúng mục tiêu 15 lần chỉ trong vài giây, và có thể làm đi làm lại điều này miễn là còn đạn.


Máy bay MQ1 - Predator chuẩn bị cất cánh hỗ trợ chiến dịch ở Tây Nam Á.


Máy bay không người lái vũ trang cũng không hoàn toàn tự động. Nó tuy có một phi công tự động nhưng vẫn cần người điều khiển, trong bất cứ mức độ yêu cầu nào, để nhận dạng và xác định mục tiêu rồi triển khai vũ khí. Cái lợi của máy bay không người lái là thời gian hoạt động của nó kéo dài hơn do không có phi công điều khiển. Máy bay không người lái Predator thường thực hiện nhiệm vụ bay trong 24 tiếng liên tục với những người điều khiển làm việc theo ca kíp, duy trì sự giám sát liền mạch các mục tiêu, động tĩnh trên chiến trường.


Những máy bay không người lái đời đầu bị giới hạn trong khả năng truyền tín hiệu tầm nhìn thẳng giữa các trạm phát sóng và dễ bị chặn sóng vô tuyến. Tuy nhiên, ngày nay người ta có thể điều khiển máy bay không người lái từ một lục địa khác nhờ khả năng liên lạc qua vệ tinh.


Các máy bay không người lái Predator thế hệ trước không được trang bị vũ khí và chỉ có thể phát hiện mục tiêu. Thế mới dẫn đến một vụ việc đáng thất vọng khi một chiếc Predator dù đã phát hiện ra trùm khủng bố Osama bin Laden, và các sĩ quan điều khiển gấp rút cầu viện một cuộc không kích nhưng rốt cuộc máy bay chiến đấu đến quá muộn và để xổng mục tiêu. Chính bởi lẽ đó mà từ năm 2001 trở đi, Mỹ đã bắt đầu trang bị vũ khí cho máy bay không người lái, rút ngắn thời gian từ “phát hiện đến tiêu diệt” mục tiêu xuống còn 0. Như vậy cũng giống với súng máy, máy bay không người lái đã trở thành một cỗ máy giết người tự động.


Hạn chế của thời đại


Có lẽ điểm chung quan trọng nhất giữa súng máy và máy bay không người lái vũ trang chính là thái độ của giới quân sự đối với công nghệ mới. Cả hai đều bị những đơn vị được trang bị loại vũ khí mới này xem thường. Sau này khi nhìn lại lịch sử chúng ta mới nhận thấy rằng súng máy là một bước phát triển mới quan trọng làm thay đổi diện mạo chiến tranh, nhưng người ta lại không nhìn ra điều này vào thời điểm đó.


Không gì có thể thay thế tốc độ của ngựa và uy thế của kỵ binh.


Với các quân đội ở châu Âu, trận Omdurman chỉ nói lên một điều rằng súng máy chỉ hiệu quả đối với những kẻ thù không có kỷ luật. Quan điểm được chấp nhận rộng rãi khi đó vẫn cho rằng lưỡi lê của bộ binh và gươm giáo của kỵ binh mới là những vũ khí quan trọng nhất. Hỏa lực chỉ được xem như một màn “dạo đầu” trước khi tiếp cận đối phương trong một trận đánh giáp lá cà. Chiến thắng chỉ đến từ đòn tấn công bằng lưỡi lê cố định. Tài liệu hướng dẫn huấn luyện kỵ binh của Anh năm 1907 từng viết: “Súng trường không thể thay thế tác dụng được tạo ra bởi tốc độ của ngựa, uy thế của kỵ binh và nỗi khiếp sợ trước lưỡi gươm lạnh”.


Cũng có một số ít người giữ quan điểm trái ngược, nhưng không nhận được sự đồng tình. Edward Spears, khi đó là một sĩ quan súng máy trẻ tuổi, trong khi diễn tập từng mạnh dạn đề xuất với viên chỉ huy một lữ đoàn kỵ binh rằng trên thực địa, các khẩu súng của anh ta có thể xóa sổ cả lữ đoàn kỵ binh này. Kết quả là, tay súng này đã bị khiển trách về tội xấc xược, bị phạt nộp lại ngựa và đi bộ về doanh trại.


Giới chỉ trích đã chỉ ra những hạn chế rõ rệt của súng máy. Theo họ, vũ khí này không đáng tin cậy và dễ bị kẹt, đặc biệt với những viên đạn kém chất lượng. Hơn nữa súng máy quá cồng kềnh, về cơ bản là những khẩu pháo nhỏ cần phải khiêng qua những chướng ngại vật mà bộ binh và kỵ binh có thể dễ dàng vượt qua. Đối với một chỉ huy muốn tiến quân chớp nhoáng thì súng máy lại là một gánh nặng gây phiền toái.


Trong cuốn “Lịch sử xã hội của súng máy”, tác giả John Ellis cho rằng tâm lý xem thường công nghệ bắt nguồn từ đặc điểm quyền quý của giới sĩ quan, những người có quan điểm thanh tao và thậm chí là lãng mạn về chiến tranh. Họ cho rằng nông nghiệp và công nghiệp có thể được cơ giới hóa chứ trong chiến tranh thì con người vẫn là trung tâm. Các sĩ quan quân đội hầu như không có thời gian dành cho khoa học công nghệ và giáo dục quân sự chỉ tập trung giảng dạy các trận đánh trong lịch sử từ Thermopylae (480 trước công nguyên) đến Waterloo (1815), với tâm niệm rằng bản chất chiến tranh không thay đổi qua từng thời đại.


Quan điểm này cũng phổ biến ở Đức và Pháp. Những cuốn sổ tay chiến trường ở cả hai nước đều yêu cầu các binh sĩ đánh giáp lá cà bằng lưỡi lê vào lúc đỉnh điểm của một cuộc tấn công. Gươm giáo, như những lưỡi giáo của quân Dervish, được đánh giá cao hơn cả hỏa lực tầm xa.



Huy Lê

Đón đọc kỳ cuối: Diện mạo của chiến tranh tương lai?

Diện mạo của chiến tranh tương lai
Diện mạo của chiến tranh tương lai

Không được trọng thị, súng máy chỉ được sản xuất theo số lượng nhỏ. Năm 1914, một tiểu đoàn bộ binh của Anh chỉ trang bị hai khẩu Vicker (phiên bản có phần khác so với nguyên bản súng máy Maxim).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN