Diện mạo của chiến tranh tương lai

Cuộc cách mạng mới trong chiến tranh - Kỳ cuối: Diện mạo của chiến tranh tương lai?


Không được trọng thị, súng máy chỉ được sản xuất theo số lượng nhỏ. Năm 1914, một tiểu đoàn bộ binh của Anh chỉ trang bị hai khẩu Vicker (phiên bản có phần khác so với nguyên bản súng máy Maxim). Trong khi đó, quân đội Đức triển khai các khẩu Maschinengewehr 08 (MG08) hay Spandau MG08, cũng được chế tạo dựa trên thiết kế ban đầu của súng máy Maxim. Nhưng mỗi tiểu đoàn chỉ được cung cấp sáu khẩu như vậy.


Sĩ quan điều khiển cho một chiếc MQ-1B Predator cất cánh.


Một thế kỷ sau, định kiến lịch sử này cũng vận vào máy bay không người lái. Các sĩ quan không quân cấp cao đã nhanh chóng chỉ ra những khiếm khuyết của công nghệ mới. Theo họ, máy bay không người lái không đáng tin cậy, “vụng” và dễ gây tai nạn. Một sai sót trong quá trình điều khiển có thể khiến chúng vượt ngoài tầm kiểm soát. Ít nhất trong một trường hợp, quân đội Mỹ đã phải bắn hạ một trong những chiếc Predator của họ. Chính những sai sót như vậy khiến giới hữu trách không thiết tha với máy bay không người lái.


Các lực lượng không quân vẫn thường phản đối triển khai máy bay không người lái. Trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, Hải quân Mỹ đã sử dụng khá thành công các máy bay không người lái vũ trang thử nghiệm để đối phó với Nhật Bản. Nhưng sau chiến tranh, những máy bay này đã nhanh chóng được “đắp chiếu” trong kho. Trong những năm 1970, các máy bay không người lái của Không quân Mỹ đã phóng thành công tên lửa dẫn đường nhằm vào nhiều mục tiêu khác nhau, nhưng chương trình đó đã không bao giờ được theo đuổi.

Chiếc MQ1-Predator bắn tên lửa tiêu diệt mục tiêu trên mặt đất.


Không quân Mỹ không muốn trang bị Predator. Người đề xuất ý tưởng trang bị loại máy bay không người lái này là Cofer Black (sinh năm 1950), cựu Giám đốc Trung tâm chống khủng bố thuộc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA). Nếu không phải vì ông này gây áp lực thì không hiểu các máy bay này có được triển khai như hiện nay hay không. CIA vẫn là một trong những cơ quan sử dụng Predator nhiều nhất. Có lẽ vì giới sĩ quan CIA không phải là những phi công mang định kiến với máy bay không người lái mà là những quan chức điều hành muốn thấy mục tiêu của họ “bị hủy diệt thảm khốc” bằng phương tiện sẵn có tốt nhất.


Trong khi đó, Không quân Hoàng gia Anh (RAF) lại tiếp cận với công nghệ mới này muộn hơn. Lô máy bay không người lái đầu tiên của họ không chỉ được sản xuất ở Mỹ mà còn được vận hành tại cùng một căn cứ ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Mặc dù hiện nay Anh đang theo đuổi các kế hoạch tham vọng, như dự án Taranis của tập đoàn quốc phòng BAE, là một loại máy bay oanh kích tàng hình gần như tự động, song những dự án đó còn lâu mới đạt đến giai đoạn đi vào vận hành. RAF thậm chí còn không ưa gì thuật ngữ “máy bay không người lái”. Trên trang web của mình, RAF gọi công nghệ này là “các hệ thống trên không được điều khiển từ xa”, nhấn mạnh tầm quan trọng của “người điều khiển” (bên bàn trước màn hình).


Tài liệu chiến lược mới nhất của RAF về các hoạt động không quân trong tương lai chỉ duy nhất một lần đề cập đến máy bay không người lái: “Với những mục tiêu khó lường, không lực tiếp tục sử dụng các máy bay có người điều khiển thông thường trong vai trò tạo ảnh hưởng chiến lược. Ngoài ra, các máy bay chiến đấu tàng hình không người điều khiển có thể phối hợp với các lực lượng khác để thực thi “những nhiệm vụ nhất định”.


Điều này chứng tỏ máy bay không người lái, cũng giống với súng máy một thế kỷ trước, ít được hoan nghênh. Nhưng có mấy ai khi đọc tài liệu này lại nghĩ rằng máy bay không người lái sẽ là tương lai, còn máy bay có người điều khiển có khi sẽ trở nên lỗi thời cũng giống như chiến mã trong các giai đoạn lịch sử trước.


Một trăm năm trước, các nhà tư tưởng quân sự châu Âu vẫn tin rằng mọi thứ sẽ gần như không có gì thay đổi trong tương lai. Những con số thương vong khủng khiếp trong cuộc Nội chiến Mỹ (1861-1865) chỉ được nhìn nhận là một điều khác thường và được lý giải bởi sự thiếu khả năng thực hiện các đòn tấn công đủ mạnh. Tiếp đến là trận Somme (1916) khi bộ binh Anh “vững tiến” trước các họng súng máy của quân Đức với kết quả là hàng nghìn lính Anh bỏ mạng ở giữa chốn đồng không mông quạnh. Phát minh của Maxim đã gây đổ máu cho chính người Anh cũng giống như những gì đã diễn ra với quân Dervish của Xuđăng. Không lòng quả cảm nào có thể bảo vệ họ trước những cơn mưa đạn không ngớt và không sự kỷ luật nào có thể đẩy lùi cuộc tấn công dưới hỏa lực vô biên.


Trong thời đại của chúng ta, những thiết bị công nghệ khổng lồ như tàu sân bay và oanh tạc cơ tàng hình không nhiều, nhưng hơn 50 nước trên thế giới đã và đang chế tạo máy bay không người lái, trong đó có Trung Quốc, Iran và Triều Tiên. Không một nước nào thực sự ủng hộ máy bay không người lái và có kế hoạch xây dựng một lực lượng không quân không người điều khiển quy mô lớn. Tuy nhiên, đó có thể sẽ là một bước đi hợp lý trong tương lai đối với một quân đội không mặn mà với lĩnh vực hàng không có người điều khiển.


Người ta hầu như không nghĩ đến việc đối phó với máy bay không người lái của đối phương cũng giống như khi các binh sĩ đều đặn tiến quân trước hỏa lực của súng máy trước Chiến tranh thế giới thứ Nhất. Nhưng máy bay không người lái rẻ hơn so với chiến đấu cơ thông thường và có thể “bị hy sinh”, tạo ra mối đe dọa tiềm tàng. Các hệ thống phòng thủ dù có khả năng đối phó với một số máy bay chiến đấu thông thường nhưng có thể bị áp đảo bởi hàng chục máy bay không người lái nhỏ và rẻ. Và khi khả năng phòng không bị triệt tiêu thì công việc còn lại hết sức đơn giản, “làm cỏ” các mục tiêu trên mặt đất chỉ bằng một thao tác điều khiển từ xa.


Súng máy đã chi phối chiến tranh chiến hào năm 1916 và liệu những phi đội máy bay không người lái có hay không ngự trị các chiến trường trong đầu thế kỷ 21?



Huy Lê

Những cỗ máy sát thủ tự động
Những cỗ máy sát thủ tự động

Sáng kiến của Maxim không nhằm tạo ra khả năng bắn tự động mà mục đích là để khẩu súng tự nạp đạn qua đó tăng đáng kể tốc độ bắn. Maxim đã thay thế lực cơ tay bằng lực nẩy của súng khi bắn, theo đó mỗi viên đạn bắn ra sẽ tạo đủ lực để vận hành bộ máy nạp đạn...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN