Những băng đảng xã hội đen khét tiếng Hồng Công và Ma Cao - Kỳ 5: Tân Nghĩa An-Băng Tam Hoàng lớn nhất thế giới

Tân Nghĩa An là băng nhóm xã hội đen lớn nhất thuộc Hội Tam Hoàng hoạt động ở Hồng Công và Trung Quốc Đại lục, với số thành viên lên tới hơn 55.000 người. Tài liệu điều tra của cảnh sát cho thấy băng xã hội đen này cũng giống như nhiều băng Tam Hoàng khác, đã vươn vòi bạch tuộc ra nhiều nơi khác trên thế giới, như Anh, Mỹ, Canađa, Trung Mỹ, Pháp, Bỉ và Hà Lan.

 

“Làm tổ” trong chính quyền


Băng Tân Nghĩa An do Heung Chin sáng lập năm 1919, ban đầu hoạt động ở Triều Châu. Một số tài liệu nói rằng tổ chức này có mối liên quan trực tiếp đến chính quyền Trung Quốc. Ngoài các hoạt động ngầm ở Hồng Công, các báo cáo tình báo kể từ năm 1994 cho thấy dường như có dấu hiệu là băng Tân Nghĩa An chi phối chính quyền tỉnh Quảng Đông. Có tài liệu nói rằng tay chân của băng nhóm này đã từng có thời điểm còn chui sâu vào “làm tổ” chính quyền tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc Đại lục.


 

Cảnh sát Hồng Công công bố vụ bắt giữ thủ phạm sát hại Lee Tai-lung.

 

Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Tân Nghĩa An là làm hàng giả, đánh bạc, ma túy, đưa người nhập cư bất hợp pháp, mại dâm, buôn lậu và tống tiền. Hoạt động làm ăn của băng này ở châu Âu và Mỹ chủ yếu thông qua cộng đồng người Trung Quốc gốc Do Thái. Băng Tân Nghĩa An điều hành một số cơ sở khét tiếng trong giới ăn chơi Hồng Công ở các khu vực như Tsim Sha Tsui và Yau Ma Tei.


Tháng 11/2010, một nam thanh niên 29 tuổi được cho là nhân vật “có số má” trong băng Tân Nghĩa An, biệt danh là “Sai B” Chan, đã bị bắt giữ vì phạm các tội “đồi bại” và rửa tiền. "Sai B," được mệnh danh là “ông trùm của các nhà thổ,” bị tình nghi điều hành ít nhất 5 hộp đêm và cầm đầu một đường dây rửa tiền với số tiền lên tới 380 triệu đôla Hồng Công từ năm 2002-2009. “Sai B” đã sử dụng hơn 80 tài khoản ngân hàng để phục vụ cho hoạt động rửa tiền.


Dù là băng Tam Hoàng lớn nhất, nhưng địa bàn làm ăn của băng Tân Nghĩa An cũng bị các băng nhóm xã hội đen khác cạnh tranh dữ dội và cũng thường xuyên hứng chịu tổn thất. Điển hình là vụ án Lee Tai-lung, một ông trùm trong băng Tân Nghĩa An ở khu vực Tsim Sha Tsui. Nhân vật này đã bị các thành viên của băng Hòa Thắng Hòa giết chết ngay trước cửa khách sạn Shangri-La Cửu Long ngày 4/8/2009. Lee Tai-lung, 41 tuổi, đã bị một xe tải tông ngã và bị chém đến chết. Có vẻ như Lee là nạn nhân của một một vụ trả thù được tiến hành theo lệnh của Leung Kwok-chung, một tay anh chị khét tiếng của Hòa Thắng Hòa ở Tai Kok Tsui. Leung Kwok-chung đã bị Lee Tai-lung đánh bị thương trong một cuộc ẩu đả tại một quán bar hồi tháng 7/2006 ở Prat.


 

Băng Tân Nghĩa An hoạt động cả trong lĩnh vực chăn dắt gái mại dâm.

 

Sau cái chết của Lee Tai-lung, 3 đàn em của tay anh chị này đã bắt tay vào tiếp quản nhiệm vụ bảo vệ đế chế giải trí của Tân Nghĩa An ở Tsim Sha Tsui. Năm 2011, 3 đàn em này bị một đại ca có số má khác là "Ko Tat" ở Wanchai “xử lý.” Tiếp đó, Tai Hau, thủ lĩnh của một nhóm khác trong băng Tân Nghĩa An hoạt động ở Tuen Mun đã tìm cách thôn tính địa bàn của nhóm này ở Tây Cửu Long và Tsim Sha Tsui. Tuy nhiên, những nỗ lực của Tai Hau đã bị lực lượng cảnh sát mật Hồng Công phá vỡ. Kết quả của chiến dịch truy quét bí mật này là 222 người bị cảnh sát Hồng Công bắt giữ vào tháng 1/2012. Đơn vị Phòng chống Tội phạm có tổ chức và Xã hội đen của cảnh sát Hồng Công hiện đang tình nghi một trùm xã hội đen có tên thường gọi là "Ko Chun" có thể chính là nhân vật mới nhất điều hành hoạt động của phe nhóm do Lee đứng đầu.

 

Gia đình của những “bố già”


Heung Chin - nhân vật sáng lập băng Tân Nghĩa An, được coi là “Bố già của mọi Bố già” xã hội đen ở Hồng Công. Tuy nhiên, nhân vật này đã bị trục xuất tới Đài Loan vào những năm 1950 và y tiếp tục ở đó dẫn dắt băng Tân Nghĩa An. Người ta cho rằng người con trai lớn của Heung Chin là Heung Wah-yim, người bề ngoài là một viên chức luật, đã tiếp quản vị trí cầm đầu băng Tân Nghĩa An.


Tháng 2/1986, một cựu sĩ quan cảnh sát Hồng Công là Anthony Chung gia nhập băng Tân Nghĩa An, đã yêu cầu được cảnh sát bảo vệ. Nhân vật này chỉ đích danh Heung Wah-yim là thủ lĩnh của băng Tân Nghĩa An và việc này dẫn đến vụ bắt giữ 11 thành viên băng xã hội đen này vào ngày 1/4/1987. Khi cảnh sát lục soát văn phòng luật của Heung Wah-yim, họ tìm thấy một bản danh sách gồm 900 người có vẻ như là các thành viên của băng nhóm này.


 

Biểu tượng của băng Tân Nghĩa An.

 

Tháng 11 năm đó, Heung Wah-yim bị đưa ra tòa xét xử cùng với 5 đồng phạm, trong đó có một người con trai và một người con rể. Đây được coi là phiên xử các phần tử xã hội đen thuộc các băng tội phạm có tổ chức lớn nhất trong lịch xử Hồng Công. Ngày 20/1/1988, hội đồng xét xử kết luận tất cả các bị cáo đều có tội. Heung Wah-yim bị kết án 7 năm rưỡi tù giam, nhưng chỉ 2 năm sau, ông trùm này được trả tự do nhờ luật sư của Heung Wah-yim giúp ông ta cung cấp được bằng chứng chứng tỏ ông ta “vô tội.” Heung Wah-yim tuyên bố rằng ông ta là Chủ tịch của một giáo hội địa phương có tên là Lions Club (Câu Lạc bộ Sư tử) và bản danh sách được tìm thấy tại văn phòng của ông ta gồm có các nhà tài trợ tiềm năng. Chánh án phiên tòa mở lại đã tuyên bố bản danh sách trên không thể là chứng cứ kết tội Heung Wah-yim và ra lệnh thả nhân vật này.


Chánh án Ti-Liang Yang, một thẩm phán rất được tôn trọng ở Hồng Công, đã nổi khùng vào ngày mà Heung Wah-yim được trả tự do. Ông công khai lên án Heung Wah-yim tại tòa án, gọi nhân vật này là một tên vô lại và là “một con chuột bẩn thỉu trốn trong ống cống”. Sau vụ này, anh em nhà Heung tránh xa công việc kinh doanh và luôn luôn làm ra vẻ mình là một công dân bình thường.


Heung Chin còn có hai người con khác là Charles Heung và Jimmy Heung, trong đó Jimmy cũng là một nhân vật xã hội đen cộm cán ở Hồng Công, dù được coi là một tay “xã hội đen tử tế”. Cả Charles Heung và Jimmy Heung dường như đều yêu thích điện ảnh. Charles là một nhà sản xuất phim và cũng đóng phim từ những năm 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, nhân vật này được cho là cố gắng tránh xa các hoạt động mờ ám của gia đình mình. Trong số các bộ phim được đối tượng này sản xuất có “God of Gambler” (Thần bài), “Casino Raiders” (Đánh cướp sòng bạc)... Có nguồn tin nói rằng bộ phim “True Mob Story” dựa trên một số chi tiết về cuộc sống của Charles và Jimmy, nhưng Charles đã phủ nhận điều này”.

 


Tiến Trung


Đón đọc kỳ cuối: Hòa An Lạc và cuộc chiến đẫm máu trong thế giới ngầm

Những băng đảng xã hội đen khét tiếng Hồng Công và Ma Cao - Kỳ 4: 14K- Băng Tam Hoàng lớn thứ hai thế giới
Những băng đảng xã hội đen khét tiếng Hồng Công và Ma Cao - Kỳ 4: 14K- Băng Tam Hoàng lớn thứ hai thế giới

Trong số “Tứ đại Hắc bang”, băng xã hội đen 14K nổi bật bởi hoạt động ngầm ở cả hai đặc khu hành chính đặc biệt của Trung Quốc là Hồng Công và Ma Cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN