Năm 1895, một vụ vi phạm thuần phong mỹ tục gây ra rất nhiều tai tiếng đã làm cho dư luận đàm tiếu rộng khắp ở nước Anh, dưới triều đại Nữ hoàng Victoria. Nhà văn có tên tuổi nhất dưới triều đại đó Oscar Wilde (ảnh) bị bố "người tình" của mình tố cáo và thế là ông bị đưa ra toà xét xử rồi bị kết án nặng nề..
Tình tiết "tội ác" của Oscar Wilde
Thanh giáo ở Anh dưới triều đại Victoria đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc đạo đức. Do đó năm 1885 có một đạo luật được ban hành coi những quan hệ đồng tính luyến ái là tội ác, mà "tội phạm" có khả năng phải chịu những hình phạt cực kỳ nghiêm khắc.
Lúc nhà văn Oscar Wilde dính líu vào một vụ thuộc loại này thì ở Anh dư luận tỏ ra hết sức ngỡ ngàng, bởi vì ông vốn có uy tín cao, được coi như là người trọng tài và là khuôn vàng thước ngọc cho những cách xử thế hào hoa phong nhã trong xã hội thượng lưu, đài các của Luân đôn.
Tuy nhiên, trong cuộc sống riêng, ông có những quan hệ đồng tính luyến ái với đám người trẻ tuổi sống bê tha, đám bồi bếp, nhân viên nhà hàng hoặc nhân viên phục vụ trong khách sạn. Oscar Wilde đã vụng trộm lao vào những trò hoan lạc mà luân lý và xã hội thời ông kịch liệt phản đối và tuyệt đối ngăn cấm.
Quan hệ đồng tính luyến ái này từ lâu được giữ kín, nhưng đến tháng 1/1891 đã bị lộ tẩy khi ông gặp Alfred Douglas, một nhà quý tộc trẻ tuổi, điển trai và rất quyến rũ khiến ông quên hết mọi lề thói phép tắc và sự thận trọng. Từ đó ông bám riết lấy cậu thanh niên quý tộc đó một cách không úp mở và ông gọi tên cậu ta một cách rất êm ái là "Bossie".
Cuộc đọ sức với vị huân tước bố của Bossie
Những lời đồn đại về mối quan hệ giữa Wilde và Alfred Douglas ngày càng nhiều và dai dẳng rồi đến tháng 2/1895, trong lúc Wilde đang được tâng bốc hết lời về vở hài kịch mới "Cần thiết phải đứng đắn" thì đột nhiên vụ bê bối này của ông bị bại lộ. Người bố của "Bossie" - huân tước Queensberry - biết được vụ này. Ông là người nổi tiếng trong giới thượng lưu quý tộc về thái độ thô bạo, về cách nói năng thô lỗ, cục cằn và cách xử thế ác độc. Khi được tin con trai út của ông có quan hệ đồng tính luyến ái với Oscar Wilde, Queensberry đã không từ một thủ đoạn nào tìm cách cắt đứt quan hệ giữa 2 chàng thanh niên đó.
Trong thời gian đầu, Wilde coi nhẹ những lời công kích mang tính chất thoá mạ của Queensberry. Nhưng, khi Queensberry ngày 26/2/1895 gửi cho Oscar Wilde một bức thư với một tấm bưu thiếp có lời lẽ thô tục, thì chính "Bossie" đã nổi giận và xui Oscar Wilde đưa đơn ra tòa kiện cha mình về tội vu khống.
Ngày 3/4/1895 Queensberry và Oscar Wilde đã đối mặt với nhau tại tòa đại hình Old Bailey ở Luân Đôn. Công chúng đến dự rất đông và ai nấy đều tin rằng nhà văn Wilde sẽ thắng kiện một cách dễ dàng. Nhưng không ai ngờ, ông Edward Carson, luật sư của Queensberry là một con người đáng gờm, đã từ từ, từng bước gài Wilde vào bẫy, đưa ra các nhân chứng gồm các nhân viên bồi bàn, người coi ngựa, người bán báo... là những người mà Wilde đã có những quan hệ tình dục đồng tính luyến ái để phơi bày đời tư kín đáo của ông. Trong số những người này có một người đàn ông trẻ tuổi thuộc một gia đình danh giá tên là Alfred Taylor mà Wilde đã nhiều lần nhắc tới để cầu cứu trước tình thế khó xử của mình thì hoá ra hắn lại là một kẻ chuyên kiếm ăn bằng cách tổ chức tại nhà riêng của hắn những cuộc hẹn hò của đám người đồng tính luyến ái.
Trước tòa, những câu trả lời mang tính hài hước của Wilde, những lý thuyết của ông về tình yêu đã không lọt tai các quan tòa. Đơn kiện của ông về tội vu khống của Queensberry đã bị toà bác.
Ngược lại, mấy hôm sau tòa án gửi trát đòi ông phải ra toà về tội "vi phạm lề thói luyến ái với những người nam giới".
Cuộc đời xuống dốcThế là ngày 26/4/1895, Oscar Wilde lại phải ra hầu tòa với tư cách là bị cáo cùng với tên ma cô Alfred Taylor. Trái với những lời tâng bốc trước đây, công luận quay sang không ngớt lời chửi rủa ông. Trong vòng 3 ngày, bản cáo trạng triển khai thành 25 điểm buộc tội chính đối với 2 bị cáo với số nhân chứng tới tòa đông vô kể. Sau 5 ngày xét hỏi, tòa tạm thời hoãn để chờ mở phiên tòa khác và tới tháng 5, Wilde lại phải ra tòa một lần nữa.
Lần này, tòa tuyên bố Wilde đã phạm tất cả các tội trong cáo trạng và ngày 27/5/1895, ông bị kết án 2 năm tù khổ sai.
Bị giam tại nhà tù Reading, Wilde phải sống 2 năm đen tối như ở địa ngục, trong cảnh đau đớn và cay đắng. Chính trong cảnh bị bỏ rơi bi thảm đó, ông đã viết 2 tác phẩm thuộc loại hay nhất của ông, đó là "Khúc ballade ở nhà tù Reading" và "De Profundis".
Khi ra tù năm 1897, sức khoẻ hao mòn, kiệt quệ, mất hết danh tiếng, ông sang Pháp lưu vong, sống một cuộc đời bần hàn cho tới lúc qua đời năm 1900.
Thượng Lý