Trong lịch sử có không ít những người phụ nữ dũng cảm và mạnh mẽ. Họ can đảm dấn thân vào những lĩnh vực tưởng chừng chỉ dành riêng cho giới mày râu và đã làm được những việc phi thường. Một trong số đó là Amelia Earhart - nữ phi công đầu tiên một mình bay qua Thái Bình Dương.
Amelia Earhart bên chiếc phi cơ đã cùng bà bay xuyên lục địa Mỹ năm 1928. |
Amelia Earhart sinh ngày 24/7/1897 tại Atchison, bang Kansas (Mỹ), trong một gia đình có truyền thống làm nghề luật sư. Khi còn nhỏ, Amelia là một cô bé tinh nghịch, thường thích những trò như trèo cây, săn chuột… Và đặc biệt, cô bé luôn ước ao được trở thành “chim” để nhìn thấy tất cả thế giới.
Trong một lần đến xem triển lãm hàng không ở Long Beach cùng với cha, lần đầu tiên Earhart được nếm trải cảm giác ngồi trên máy bay và trải nghiệm đó khiến bà vô cùng thích thú.
Năm 1921, ở tuổi 24, Earhart quyết định theo học lớp huấn luyện phi công với một nữ phi công tiên phong khác của Mỹ là Neta Snook. Earhart cho rằng việc được bay trên bầu trời quan trọng hơn bất cứ điều gì khác trong cuộc đời bà.
Cả gia đình bà kịch liệt phản đối quyết định đó. Earhart đã phải cố gắng làm việc để có tiền theo học các khóa dạy lái máy bay và cuối cùng, bà đã trở thành một nữ phi công cừ khôi. Tuy nhiên, ước nguyện được bay trên bầu trời của Earhart bị gián đoạn vào năm 1924, khi bà phải bán chiếc máy bay thân yêu đã mua trước đó hai năm và quay về miền đông nước Mỹ làm công tác xã hội.
Năm 1928, sau 4 năm xa rời sở thích của mình, Earhart trở lại với nghiệp bay và trở thành người phụ nữ đầu tiên một mình bay xuyên lục địa Mỹ. Từ đó trở đi, Earhart thường xuyên tham gia vào các cuộc tranh tài, lập và phá nhiều kỷ lục về vận tốc và phi trình.
Amelia Earhart – Người phụ nữ dũng cảm. |
Earhart được cả nước Mỹ biết đến và trở thành thần tượng của bao người, nhất là các cô gái trẻ. Năm 1932, Earhart trở thành người phụ nữ đầu tiên và là người thứ hai một mình bay qua Đại Tây Dương.
Với thành tích đó, bà được nhận Huy chương cao quí Distinguished Flying Cross do Quốc hội Mỹ trao tặng, Huy chương vàng của National Geographic Society do Tổng thống Hoover trao tặng và Huy chương của chính phủ Pháp. Ngày 11/1/1935, Earhart trở thành người đầu tiên trên thế giới một mình bay qua biển Thái Bình Dương.
Báo chí khắp thế giới viết về bà. Khi nhận giải thưởng “Phụ nữ nổi bật trong năm”, bà nói: “Tôi nhận giải thưởng này cho những người phụ nữ ở nhà làm bánh và những người phụ nữ khác cũng làm được những việc quan trọng tương tự như lái phi cơ...”.
Tháng 6/1936, Earhart chuẩn bị cho chuyến bay vòng quanh thế giới có phi trình dài nhất, khoảng 29.000 dặm. Ngày 17 tháng 3 năm 1937, Earhart bắt đầu chặng bay đầu tiên từ Oakland, California đi Honolulu, Hawaii.
Nhưng định mệnh đã không cho bà hoàn tất chuyến bay khi Earhart chỉ còn khoảng 7.000 dặm nữa là kết thúc phi trình. Sau khi cất cánh từ Niu Ghinê ngày 2/7/1937, chiếc phi cơ chở Earhart và hoa tiêu Noonan đã biến mất ngoài khơi. Cuộc tìm kiếm do lực lượng tuần dương và hải quân Mỹ tổ chức không đem lại kết quả nào.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, máy bay của Earhart đã đâm xuống biển do hết nhiên liệu. Có giả thuyết khác là Earhart đã cho máy bay hạ cánh xuống đảo Gard và bỏ mạng ở đó. Một giả thuyết khác cho rằng, Earhart và Noonan đã bay trở về Mỹ và sống cuộc đời bình lặng dưới những cái tên mới.
Những câu chuyện đồn thổi về sự mất tích của bà đến nay vẫn... chỉ là đồn thổi. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, cuộc đời và phong cách sống của Amelia Earhart đã và sẽ là nguồn động viên, khích lệ cho rất nhiều thế hệ phụ nữ sau này.
TL