“Ngoại giao bóng bàn” từng phá băng quan hệ Mỹ - Trung

45 năm trước, căng thẳng đỉnh điểm thời Chiến tranh Lạnh giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc đã được xoa dịu nhờ một “công cụ” ngoại giao khác lạ: bóng bàn.

Kể từ năm 1949, quan hệ Trung Quốc và Mỹ bị “đám mây mù” Chiến tranh Lạnh che phủ kéo theo đó là cấm vận thương mại, ngoại giao nguội lạnh. Hai cường quốc này đã gặp nhau trên trận mạc của cuộc chiến tranh Triều Tiên, tuy nhiên không một phái đoàn chính thức nào của Mỹ đặt chân tới Trung Quốc trong suốt 20 năm. Mãi tới năm 1971, khi cả hai bên đều loay hoay tìm cách mở đối thoại thì bất ngờ có bước đột phá liên quan tới bóng bàn.

Thời điểm đó, Giải Vô địch Bóng bàn thế giới đang diễn ra tại Nagoya, Nhật Bản. Một buổi chiều sau giờ tập luyện, tay vợt người Mỹ 19 tuổi Glenn Cowan bị lỡ xe buýt của đội tuyển và phải lên xe chở đội tuyển quốc gia Trung Quốc để đi nhờ. Hầu hết các tay vợt trên xe đều nhìn vào gã người Mỹ có mái tóc bờm xờm kia bằng ánh mắt dè chừng. Duy chỉ có Zhuang Zedong, tay vợt cừ khôi nhất đội Trung Quốc, bước ra phía trước bắt tay Cowan và nói chuyện với anh ta thông qua phiên dịch viên. Zhuang thậm chí còn tặng cho người bạn ngoại quốc một món quà là bức tranh lụa vẽ dãy núi Hoàng Sơn của nước này. Cowen hôm sau đã đáp lại thịnh tình bằng cách tặng Zhuang một chiếc áo phông in biểu tượng hòa bình cùng với lời bài hát “Let It Be” của nhóm nhạc nổi tiếng The Beatles. Các phóng viên đã ghi lại được cảnh tượng đó, và sự nhiệt thành không ngờ tới giữa hai đội tuyển bóng bàn đã sớm trở thành chủ đề được bàn tán suốt giải đấu.

Hai tay vợt Xu Shaofa người Trung Quốc và Errol Resek người Mỹ thi đấu tại Bắc Kinh năm 1971.

Các vận động viên bóng bàn Trung Quốc tới Nhật Bản thi đấu năm đó được chỉ thị nghiêm ngặt rằng tránh tiếp xúc với đội tuyển Mỹ. Tuy nhiên, sau khi biết tới hoạt động trao đổi quà giữa hai đội tuyển, Chủ tịch Mao Trạch Đông quyết định biến nó thành một cơ hội chính trị. Ông khen ngợi: “Zhang Zedong không chỉ là một vợt thủ giỏi mà còn là một nhà ngoại giao giỏi”. Ít hôm sau, khi đội Mỹ chuẩn bị rời Nagoya về nước, Chủ tịch Mao đã đích thân mời họ tới Trung Quốc trong một chuyến thăm mà phía Trung Quốc đài thọ toàn bộ chi phí – động thái khiến cả thế giới kinh ngạc. Sau khi kiểm tra lại với bên đại sứ quán, đội tuyển Mỹ đã nhận lời. Về phần Tổng thống Nixon, ông sau này viết trong hồi ký rằng: “Tôi vừa ngạc nhiên vừa lấy làm hài hòng. Tôi chưa bao giờ hy vọng rằng sáng kiến Trung Quốc sẽ thành hiện thực trong hình dạng một đội tuyển bóng bàn”.

Ngày 10/4/1971, 15 vận động viên bóng bàn cùng huấn luyện viên của đội tuyển Mỹ đã tới Trung Quốc. Các thành viên người Mỹ này rất đa dạng, từ dân hippie như Clenn Cowen tới một giáo sư đại học, một người nhập cư gốc Guyana tới các nữ sinh trung học. Chẳng ai trong số họ là tay vợt chuyên nghiệp và khi đó đội bóng bàn nam của Mỹ cũng chỉ xếp hạng thứ 24 thế giới. Phần lớn họ phải vay mượn tiền để đi thi đấu tại Nhật Bản. Ấy thế mà chỉ ít ngày sau, họ bỗng trở thành những nhà ngoại giao quan trọng nhất hành tinh. Mọi bước chân của họ đều được một toán phóng viên theo sát.

Tạp chí Time đăng hình ảnh đội tuyển bóng bàn Mỹ thăm Vạn Lý Trường Thành.

Tại Trung Quốc, đội tuyển Mỹ có 10 ngày đi du lịch khắp Quảng Châu, Bắc Kinh và Thượng Hải, tận mắt nhìn, tận tai nghe những gì thuộc về đất nước Trung Hoa cổ kính. Tay vợt Tim Boggan trả lời phóng vấn tờ báo Thời đại New York: “Mọi thứ đều khác biệt so với những thứ tôi từng thấy, đường phố khác, thức ăn khác. Con người, tất nhiên, cũng khác. Xe đạp cũng khác”.

Nhóm vận động viên được thiết đãi yến tiệc hào phóng như quan chức. Ngoài Vạn Lý Trường Thành, Di hòa Viên và một vở kịch opera chủ đề cách mạng, đội tuyển Mỹ còn tham gia một loạt hoạt động giao hữu bóng bàn được tổ chức dưới tinh thần “Bằng hữu trên hết, cạnh tranh sau thứ”. Vận động viên nước chủ nhà Zheng Minzhi trả lời phỏng vấn rằng: “Tôi biết tôi không chỉ tới đây để chơi bóng bàn, quan trọng hơn đó là đạt được những gì mà các kênh ngoại giao chính thống chưa thể đạt được”. Đích thân Thủ tướng Chu Ân Lai cũng đã tới xem hai đội tuyển thi đấu tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Ông chúc mừng các vận động viên đã “mở ra một chương mới trong quan hệ giữa nhân dân Mỹ và Trung Quốc”.

Đội tuyển bóng bàn xứ “cờ hoa” rời Trung Quốc hôm 17/4, quay về nước với sự chờ đợi của một rừng phóng viên. Lúc đó, “tiếng ping đã vang khắp thế giới” - như tạp chí Time đã mô tả - đã đậu “quả ngoại giao”. Ngày 14/4, cùng ngày các tay vợt Mỹ gặp gỡ Thủ tướng Chu Ân Lai, Tổng thống Nixon đã tuyên bố rằng nước Mỹ xóa bỏ lệnh cấm đi lại và cấm vận giao dịch thương mại đối với Trung Quốc. Chính phủ hai nước cũng sớm mở ra các kênh thông tin liên lạc mới với nhau. Tháng 7 năm đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger đã bí mật tới Bắc Kinh.

Những hiệu ứng âm vang của “ngoại giao bóng bàn” thực sự bắt đầu vào năm sau đó. Trung Quốc đã cử đội tuyển bóng bàn của mình tới tham quan 8 thành phố Mỹ. Đặc biệt, tháng 2/1972, Tổng thống Richard Nixon quyết định công du Trung Quốc trong 8 ngày, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử có một vị tổng thống Mỹ đặt chân tới Trung Quốc Đại lục. Nhà lãnh đạo Mỹ gọi đây là “tuần lễ thay đổi thế giới” sau khi ông gặp Thủ tướng Chu Ân Lai và Chủ tịch Mao Trạch Đông. Động thái này đã đặt những bước đi đầu tiên trong công cuộc bình thường hóa quan hệ song phương Mỹ - Trung. Sau này khi viết về chuyến thăm “phá băng” trong cuốn hồi ký, ông Nixon kể rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc “đã đặc biệt vui thích khi nhắc lại với tôi về việc giao lưu giữa các đội bóng bàn đã khởi đầu một bước đột phá trong quan hệ hai nước”.
Hoàng Trang
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN