6. Đảo ma
Ngày 10/7/1831, tại khu vực biển phía tây Vương quốc Tôngga, một hòn đảo nhỏ nhô lên khỏi mặt biển. Đó là kết quả hoạt động của núi lửa dưới đáy biển ở đây. Cùng với sự phun trào của núi lửa, hòn đảo này cao dần lên và rộng dần ra. Lúc cực đại, nó cao tới 60 m và có chu vi tới 5 km. Khi mọi người đang bàn luận về sự xuất hiện và dự định sẽ thám hiểm hòn đảo này thì nó đột nhiên biến mất. Vài năm sau, dư luận nhạt dần, bất ngờ hòn đảo lại nhô lên mặt biển.
Theo sử sách ghi lại, vào năm 1890, hòn đảo này nhô lên mặt biển 49 m, nhưng tới năm 1898 thì chìm xuống dưới mặt nước biển 7 m. Tháng 12/1967, nó lại nhô lên mặt biển, sang năm 1968 lại biến mất và 11 năm sau lại xuất hiện. Vì lẽ đó, người ta gọi hòn đảo này là “đảo ma”.
Ở vùng biển cách đảo Miyako (thuộc tỉnh Okinawa, Nhật Bản) khoảng 20 km về phía tây bắc cũng có một hòn “đảo ma” với diện tích chừng 150 km2. Điều đáng tiếc là một năm nó chỉ chịu nhô lên mặt biển một lần vào ngày thủy triều lớn nhất trong năm, mỗi lần khoảng ba tiếng đồng hồ rồi lại lặn mất.
7. Đảo bụi
Trong số hơn 200.000 hòn đảo ở trên biển, Hawaii là một hòn đảo đặc biệt vì nó chủ yếu được hình thành từ bụi đất. Suy luận này là của một nhóm các nhà khoa học đứng đầu là Tiến sĩ Williams Zoller thuộc Đại học Maryland (Mỹ). Qua nghiên cứu phân tích chất đất và nghiên cứu khí tượng ở Hawaii, họ bất ngờ phát hiện phần lớn đảo Hawaii được hình thành từ bụi từ Trung Quốc, được gió mang đến.
Tiến sĩ Zoller giải thích rằng ở Trung Quốc, mùa xuân là mùa xảy ra nhiều trận bão bụi. Một lượng lớn bụi của vùng sa mạc rộng lớn của Trung Quốc được cuốn lên không trung, hình thành những đám mây bụi rộng hàng trăm km. Đám mây bụi này được gió thổi qua bắc Thái Bình Dương tới vịnh Alaska, sau đó di chuyển về phía nam, cuối cùng rơi xuống vùng biển mà nay là đảo Hawaii. Mỗi năm bồi đắp một chút và cuối cùng hình thành nên đảo Hawaii ngày nay.
8. Đảo thẩm mỹ viện
Sau một lần phun trào, núi lửa trên đảo Baerkaluo (dịch âm) ở miền nam Italia đã để lại ở đây hơn 10 cái ao bùn. Ngoài tác dụng tẩy trắng và làm làn da trở nên căng mịn, mềm mại, bùn trong những chiếc ao này còn có thể giúp chữa bệnh đau thắt lưng và giảm béo. Nhờ có “quà tặng” từ núi lửa, đảo Baerkaluo chuyển mình trở thành thiên đường của nghỉ dưỡng và làm đẹp.
Vào mùa hè, dịch vụ tắm bùn ở Baerkaluo luôn trong tình trạng quá tải. Du khách đến đây, người ngâm mình trong bùn, người lấy bùn xoa lên mặt và những chỗ rám nắng, nếp nhăn để mong có một làn da “Bạch Tuyết” hoặc thoát khỏi sự tra tấn của căn bệnh đau lưng cũng như hình ảnh xấu xí của vòng hai quá cỡ.
9. Đảo chim cánh cụt
Cách châu Nam Cực không xa là quần đảo Malvinas (người Anh gọi là quần đảo Falkland). Quần đảo Malvinas vốn nổi tiếng thế giới vì nó là đối tượng tranh chấp giữa Anh và Áchentina trong hàng thế kỷ nay và trở thành đốm lửa châm ngòi cho cuộc chiến tranh Falkland kéo dài hai tháng vào năm 1982 mà không có sự tuyên chiến giữa hai nước này. Nhưng nhiều người không biết rằng quần đảo Malvinas còn là thiên đường của chim cánh cụt. Lúc cao điểm nhất ở đây có tới cả triệu con chim cánh cụt. Trên thế giới có tất cả 17 giống chim cánh cụt khác nhau thì tại quần đảo Malvinas, người ta tìm thấy năm giống.
10. Đảo rùa
Cách Êcuađo lục địa khoảng 970 km về phía tây, trên Thái Bình Dương có một quần đảo tên là Galapagos, tiếng Tây Ban Nha nghĩa là “đảo rùa”. Quả thật, khi xưa ở đây chỗ nào cũng thấy rùa, cả rùa biển lẫn rùa cạn. Chúng bò lổm ngổm khắp nơi. Những con to nặng đến 400 kg, thậm chí là 500 kg, có thể cõng trên mai hai người vẫn di chuyển nhẹ nhàng. Đáng tiếc là cùng với nạn săn bắt, số lượng rùa ở Galapagos ngày càng giảm xuống. Hiện nay, tuy mang tên “đảo rùa”, nhưng Galapagos hầu như đã vắng bóng rùa.
Lê Minh (Tổng hợp)