Mahatma Gandhi – Lãnh tụ tinh thần của nhân dân Ấn Độ

Ngày 2/10 năm nay, Ấn Độ kỷ niệm trọng thể 150 năm ngày sinh của Mahatma Gandhi, vị anh hùng dân tộc, lãnh tụ tinh thần của người dân Ấn Độ.

Chú thích ảnh
Ông Gandhi ngồi bên máy quay sợi cuối những năm 1920. Ảnh: Alamy

Mahatma Gandhi (2/10/1869 - 30/1/1948) có tên đầy đủ là Mohandas Karamchand Gandhi. Ông là nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, được tôn vinh là Cha già dân tộc, có đóng góp to lớn vào thành công của cuộc đấu tranh giành độc lập cho tiểu lục địa Ấn Độ khỏi ách thống trị của thực dân Anh năm 1947.

Đại thi hào Rabindrath Tagore từng tôn vinh Mahatma Gandhi là “tâm hồn vĩ đại” - một con người có dáng vóc nhỏ bé nhưng chí lớn vô biên, thấm đẫm tư tưởng nhân văn, phản đối mọi hình thức bạo lực và tôn thờ tiêu chuẩn đạo đức tối cao, thực hành đấu tranh bất bạo lực với nguyên lý Satyagraha (Chấp trì chân lý) và Ahimsa (Bất hại hay bất bạo động) trong phong trào phản kháng chống chế độ thực dân Anh hà khắc, giành độc lập cho dân tộc.

Ông đã thành công vì được quảng đại nhân dân Ấn Độ ủng hộ. Satyagraha (theo tiếng Phạn, satya là chân lý, agraha là giành lấy) và Ahimsa trở thành di sản tư tưởng lớn, quý báu nhất ông để lại cho Ấn Độ nói riêng và thế giới nói chung.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Gandhi đã sống, hành nghề luật sư tại Nam Phi 21 năm từ năm 1893 đến năm 1914. Tại đây, ông hình thành và hoàn thiện triết lý đấu tranh bất bạo động dựa trên kiến thức tôn giáo như đạo Phật, Ấn Độ giáo (Hindu) và các tôn giáo khác mà ông dày công nghiên cứu, cũng như dựa trên kinh nghiệm đấu tranh chống bất công, phân biệt đối xử đối với cộng đồng Ấn kiều.

Xuất thân từ gia đình đẳng cấp cao trong xã hội, chàng trai Gandhi được gia đình đưa sang Anh học luật năm 1888 bất chấp nguyện vọng của ông được học ngành y để giúp đỡ người nghèo. Ông sớm thể hiện lòng yêu nước, thương dân, đã dấn thân vào chính trị.

Sau khi tốt nghiệp đại học ở London, ông trở về nước làm việc một thời gian ngắn và cảm thấy công việc không suôn sẻ, ông chấp nhận sang làm việc ở Nam Phi với một công ty Ấn Độ. Năm 1915 ở tuổi 45, ông trở về nước với vốn sống tích lũy được và trở thành người đứng đầu đảng Quốc đại theo chủ nghĩa dân tộc năm 1918, dẫn dắt người dân Ấn Độ trong cuộc đấu tranh giành độc lập.

Ông đã trải qua nhiều đợt tù đày, tuyệt thực để bảo vệ chân lý đấu tranh trước sự trấn áp dã man của thực dân Anh. Ông vẫn đứng vững và chiến thắng. Nhưng nguyện vọng cuối cùng của ông về một Ấn Độ hòa hợp tôn giáo đã không đạt được trọn vẹn, khi thực dân Anh dùng chiêu bài bảo vệ tôn giáo để thực hiện chính sách “chia để trị”, chỉ đồng ý trao trả độc lập cho tiểu lục địa nếu Ấn Độ với điều kiện chia ra làm hai nước: Ấn Độ của người Hindu, Pakistan của người Hồi giáo.

Lúc đầu Gandhi không đồng ý, nhưng đa số lãnh đạo đảng Quốc đại nhận thấy mục tiêu cao nhất là độc lập đã đạt được, và đây là cách duy nhất để ngăn cản một cuộc nội chiến lớn giữa môn đồ theo đạo Hindu và Hồi giáo lúc bấy giở, nên ông đã lặng lẽ chấp thuận.

Mahatma Gandhi không bao giờ coi mình là nhà tư tưởng, cho rằng phương pháp đấu tranh bất bạo động đã có trong tư tưởng tôn giáo, phổ biến trên thế giới từ xa xưa. Ông luôn thể hiện là con người của hành động, tự hoàn thiện bản thân, đề cao đạo đức, lối sống truyền thống.

Ông đã từ bỏ lối sống phương Tây để trở về lăn lộn với cuộc sống thực tiễn dân nghèo, đấu tranh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Ông dành thời gian đi khắp đất nước Ấn Độ, ăn vận như một người nông dân truyền thống.

Ở đâu tư tưởng hòa bình, bất bạo động của ông cũng được nhiệt liệt hưởng ứng, để rồi từ một trí thức Tây học ông trở thành nhà hoạt động chính trị kiên cường. Thực dân Anh sớm nhận ra sự nguy hiểm, sức mạnh tinh thần và vai trò của ông đối với công chúng.

Chú thích ảnh
Mahatma Gandhi. Ảnh: Wikipedia

Gandhi chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng bất tuân dân sự (Civil disobedience) của nhà triết học Mỹ Henry David Thoreau (1817- 1862). Ông đã áp dụng phương pháp đấu tranh bất tuân dân sự, bất hợp tác với chính quyền thực dân Anh, tạo ra phong trào đấu tranh bất bạo động rộng khắp Ấn Độ dưới hình thức các cuộc đình công, nghỉ việc để phản kháng.

Trong những năm 20 của thế kỷ trước, ông dẫn dắt đảng Quốc đại với cương lĩnh mới là tự chủ (svadeshi), thu hút sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng lao động. Ông đã tạo dựng được phong trào Khadi - tự quay sợi, dệt vải bằng tay làm quần áo dân tộc để mặc, tẩy chay hàng hóa của Anh. Đây được coi là cuộc tập dượt khích lệ lòng yêu nước của quần chúng, xây dựng phong trào đấu tranh giành độc lập.

Tháng 3/1930, Gandhi khởi xướng cuộc Hành trình muối (Salt March), dẫn đầu đoàn người đi bộ trong 24 ngày để phản đối chính sách độc quyền muối do chính quyền Anh áp đặt. Ở tuổi 61, ông Gandhi thân hình gày gò, mặc chiếc quần cộc, khoác một mảnh vài thô tự dệt, mắt đeo kính lão, chân đi dép sandan, cùng 78 môn đệ thân tín tiến hành cuộc đi bộ trên quãng đường dài 388 km đến vùng bờ biển để thực hiện một hành động biểu trưng là bốc một nắm muối đem về, thách thức nhà cầm quyền Anh. Sau đó hàng trăm ngàn người Ấn Độ ở nhiều vùng miền theo gương Gandhi cũng ra bờ biển lấy muối về ăn.

Để đàn áp phong trào, thực dân Anh bắt giam Gandhi, xử tù gần 60.000 người khác. Chính quyền Anh không thể dập tắt được ngọn lửa đấu tranh. Hành động bất bạo lực bị bạo lực đàn áp và đã chuyên thành bạo lực. Cuối cùng, thực dân Anh phải xuống thang, trả tự do cho Gandhi. Đảng Quốc đại dừng cuộc phản kháng muối.

Trong hành trình đấu tranh bất bạo động, Gandhi nhiều lần bị chính quyền thực dân Anh bắt giam, tù đầy. Nhiều lần ông tiến hành tuyệt thực để phản kháng. Lo sợ trước làn sóng ủng hộ Gandhi, chính quyền thực dân Anh phải nhượng bộ thả ông. Ảnh hưởng của Gandhi đã quá lớn.

Tới giữa năm 1942, khi chiến tranh thế giới thứ 2 lan tới vùng châu Á, Thái Bình Dương, uy hiếp Ấn Độ, đảng Quốc đại, đặc biệt là Gandhi phản đối việc ủng hộ quân đội Anhtham chiến và đẩy cuộc đấu tranh giành độc lập lên một bước mới với khẩu hiệu “Cút khỏi Ấn Độ” (Quit India), đòi Anh rút khỏi Ấn Độ, trao trả độc lập cho quốc gia này.

Phong trào được tiến hành với nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu là tuần hành biểu dương lực lượng theo tinh thần satyagraha. Gandhi và những người ủng hộ ông tuyên bố Ấn Độ sẽ không trợ giúp quân đội Anh trong thế chiến, nếu Ấn Độ không được đảm bảo tự do ngay lập tức.

Thực dân Anh quay ra đàn áp, hàng ngàn người bị sát hại và bị thương, hàng trăm ngàn người đấu tranh giành độc lập bị bắt giam. Gandhi tiếp tục kiên trì mục tiêu đấu tranh, bất chấp sự hiểm nguy tới tính mạng.

Thế chiến chấm dứt. Sau 5 năm kiên trì đấu tranh, đến năm 1947, thực dân Anh sụp đổ trước quyết tâm sắt đá của Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Gandhi và đảng Quốc đại, buộc phải thừa nhận nền độc lập cho Ấn Độ.

Gandhi suốt đời tôn thờ học thuyết đấu tranh bất bạo động và khoan dung tôn giáo, nhưng ông lại phải chết ở tuổi 78 bởi ba phát súng của một phần tử Hindu cực đoan ngày 30/1/1948 tại thủ đô New Delhi.

Kẻ sát nhân là người theo đạo Hindu quá khích, khai rằng hắn giết ông Gandhi vì căm ghét ông vận động cho sự đoàn kết giữa người theo đạo Hindu và người theo đạo Hồi. Chính cái chết đó đã biến Gandhi thành bất tử, một vị thánh.

Hà Minh Huệ
Mahatma Gandhi - vị anh hùng dân tộc vĩ đại của Ấn Độ
Mahatma Gandhi - vị anh hùng dân tộc vĩ đại của Ấn Độ

Mahatma Gandhi sinh ngày 2/10/1869, cách đây tròn 150 năm. Ông đã dành cả cuộc đời mình để phản đối hình thức khủng bố bạo lực, gây ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh bằng hòa bình và phi bạo lực ở Ấn Độ và quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN