Chân dung chính khách mới nổi của gia tộc Gandhi tại Ấn Độ

Một nhân vật mang họ Gandhi danh giá trong thời gian qua đã gặt hái được nhiều thành công trên chính trường Ấn Độ.

Ngày 11/12, ông Rahul Gandhi được bầu là chủ tịch đảng Quốc Đại Ấn Độ. Như vậy ông Rahul sẽ tiếp quản vị trí từ mẹ là bà Sonia Gandhi – người đã đứng đầu đảng Quốc Đại từ năm 1998.

Ông Rahul Gandhi. Ảnh: AP

Vào ngày 16/12, ông Rahul chính thức đảm nhận vị trí. Hãng tin Aljazeera (Qatar) cho biết ông Rahul đã giữ chức phó chủ tịch đảng Quốc Đại từ năm 2013. Đảng Quốc Đại được ghi nhận là đảng phái chính trị lâu đời nhất Ấn Độ, thành lập từ năm 1885.

Cha của ông Rahul là cựu Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi tại vị từ năm 1984 tới 1988. Bà ngoại của ông Rahul là nữ thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Indira Gandhi nee Nehru. Trong khi đó, ông cố của tân chủ tịch đảng Quốc Đại chính là Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru.

Người con của gia tộc Gandhi

Ông Rahul Gandhi sinh ngày 19/6/1970 tại New Delhi. Thời kỳ phổ thông, ông theo học trường Doon, một trong những cơ sở giáo dục tư nhân danh tiếng nhất Ấn Độ.

Ông Rahul đến Mỹ học đại học chuyên ngành kinh tế. Năm 1995, ông hoàn thành chương trình thạc sĩ triết học tại Đại học Trinity (Anh).

Sau đó, ông Rahul dành thời gian làm việc tại London (Anh). Đến năm 2002 ông quay trở về Mumbai, Ấn Độ.

Trong quá trình trưởng thành, Rahul Gandhi đã phải trải qua những nỗi mất mát lớn. Cả cha và bà ngoại của ông đều bị ám sát.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình năm 2014, ông Rahul tâm sự: “Trong cuộc đời mình, tôi đã chứng kiến bà ngoại qua đời (1984) và cha tôi tử nạn (1991). Tôi còn thấy bà ngoại phải vào tù và tôi thực sự đã trải qua những nỗi đau rất lớn khi còn là một đứa trẻ”. Rồi ông khẳng định: “Không còn điều gì khiến tôi sợ hãi cả”.

Ông Rahul Gandhi bên mẹ là bà Sonia Gandhi - cựu Chủ tịch đảng Quốc Đại. Ảnh: Financial Express


Dấn thân vào chính trường

Vào năm 2004, ông Rahul được bầu vào quốc hội. Những năm đầu bước vào chính trị, ông dường như có nhiều lưỡng lự và thường nhắc đến câu ngạn ngữ “quyền lực là thuốc độc”.

Tuy nhiên, sau 13 năm hoạt động trên chính trường, ông Rahul dường như đã được “tôi luyện”. Các nhà quan sát chính trị đánh giá ông Rahul đã không còn sợ gây sai lầm và cũng luôn kịp thời nhận thiếu sót nếu mắc lỗi.

Tuy nhiên, một nhà báo kỳ cựu của Ấn Độ, ông Saeed Naqvi đánh giá rằng chính khách Rahul có một điểm yếu, đó là phát biểu trước công chúng.

Ông Naqvi đánh giá rằng khi gặp gỡ trực diện, Rahul Gandhi là một người thông minh, sẵn sàng lắng nghe nhưng khi phải phát biểu trước công chúng, ông lại không được như vậy. "Việc phát biểu trước công chúng rất quan trọng với các chính trị gia”, ông Saeed Naqvi nhận xét.

Và trong những tháng gần đây, ông Rahul đã có những thay đổi thấy rõ. Ví dụ như việc ông dùng phương pháp hóm hỉnh để “tấn công” đối thủ chính trị qua  Twitter và nhờ đó nhận được nhiều chú ý từ công chúng.

Hà Linh/Báo Tin tức
Điều gì xảy ra với thi thể những sát nhân hàng loạt sau khi chết?
Điều gì xảy ra với thi thể những sát nhân hàng loạt sau khi chết?

Không được tổ chức nghi lễ tưởng niệm, thắp nến hay đặt hoa cầu nguyện, vậy điều gì sẽ xảy đến với thi thể của những tên sát nhân hàng loạt khét tiếng sau khi chết?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN