Lời thú nhận chấn động của cựu mật vụ IS - Kỳ 4

Cùng với guồng máy an ninh, tình báo, cảnh sát tinh vi, IS rất chú tâm đến việc duy trì một xã hội Hồi giáo Sharia dựa trên nhiều quy định, luật lệ hà khắc mang nặng tính răn đe.


HÌNH PHẠT VÀ NGUỒN TÀI CHÍNH CỦA IS

“Họ đặt một chiếc lồng sắt tại quảng trường này”, Abu Khaled mô tả địa điểm mà IS cho thực thi công lý ở al-Bab, một thị trấn mà mới đây thôi anh vẫn sinh sống, làm việc với tư cách là một mật vụ của “Nhà nước”. Đó cũng chính là địa điểm mà IS thực thi các vụ hành quyết nhằm vào số đối tượng phản kháng, có âm mưu tạo phản. Thế nhưng lồng sắt thì lúc nào cũng có người. Họ bị nhốt trong khoảng ba ngày và rồi sẽ có một viên chức đến thông báo lý do bị nhốt. Lý do để bị “sộ  lồng” cũng rất nhiều - một người đến tòa làm nhân chứng, nhưng khai man và lập tức bị nhốt.

Những tay súng người Kurd bị quân khủng bố IS bắt giữ, nhốt trong lồng, đem diễu trên phố. Ảnh: AFP

Để duy trì một mô hình nhà nước theo hình thái tập quyền, độc tài, IS cũng cho lập cả lực lượng cảnh sát giáo lý, để duy trì việc thực hiện các giáo lý Sharia. Số này được gọi là al-Hisbah. Không thích Pita (một loại bánh phổ biến ở Trung Đông) ư? Cứ gọi Hisbah. Nghĩ rằng tảng thịt chuẩn bị đem nướng kia mất vệ sinh hay bị nhiễm ký sinh trùng? Gọi Hisbah. Cảnh sát luôn đi tuần tra để xem mọi người hành động, ứng xử ra sao.

Ở al-Bab, có khoảng 15 nhân viên này - không nhiều, nhưng lúc nào cũng có cảm giác họ hiện diện khắp nơi. “Bọn chúng đi trên một chiếc xe bán tải có trang bị loa, luôn hét lớn những câu đại loại như ‘đến giờ cậu nguyện rồi, đến giáo đường ngay! ‘Đóng cửa hiệu lại’. ‘Cô kia, đeo mạng che mặt vào’... dáng bộ rất nghiêm khắc. Nếu như nhà hàng bị phát hiện không sạch sẽ, ngay lập tức sẽ bị đóng cửa trong vòng 15 ngày”, Khaled dẫn chứng.

Mọi vật dụng tiêu dùng hàng ngày đều được kiểm soát chặt chẽ. Rượu là thứ đồ “xấu xa” bất hợp pháp (haram), bị cấm và nếu như ai đó bị phát hiện uống rượu sẽ bị đánh 80 gậy tại quảng trường trung tâm ở al-Bab. Nhưng IS không thể chỉ dựa vào việc reo rắc nỗi sợ hãi bằng luật lệ hà khắc, bởi lẽ tổ chức này cần có thêm nhiều thành viên mới. “Cải tạo tư tưởng” vì thế luôn là khía cạnh được “Nhà nước” chú trọng. IS chấp nhận những kẻ tình nguyện đến từ chính FSA hay các lực lượng thánh chiến khác, ví như nhóm Jabhat al-Nusra. Thế nhưng luôn có rào cản gia nhập được dựng lên.

Người mới đến sẽ phải trải qua khóa học chỉnh huấn kéo dài 3 tháng, cùng với đó là những chế tài áp đặt trọn đời với số này - được làm những gì, đi đến những đâu... “Không thể ở lại nơi mới đặt chân đến, cũng không thể quay đầu hồi hương. Cứ hình dung thế này: Nếu tôi đến từ al-Bab và trước đó có thời gian tham gia FSA. Giờ muốn gia nhập IS ư? Tôi sẽ phải đến trại 3 tháng, sau đó sẽ được phái tới một nơi khác trong vòng một năm, không được phép trở về al-Bab”, cựu mật vụ IS chia sẻ.

Nếu ai đó thuộc diện truy nã của IS, ngay lập tức toàn bộ tài sản của người này sẽ bị phong tỏa và chiếm đoạt. “Từ đất đai, nhà cửa, cửa hàng – nói chung là tất cả mọi thứ. Ngôi nhà mà tôi từng sống ở al-Bab thuộc quyền sở hữu của một gã bị cáo buộc làm việc cho chính quyền Syria. Quân khủng bố vì thế trưng thu cả tòa nhà. Bọn họ tới và dán một tờ thông báo cho mọi người sống trong đó, nội dung gọn lỏn: ‘Các anh/chị có 24 giờ để rời đi'”, Khaled kể.

Bởi IS muốn tạo ra những thế hệ trong tương lai sẵn lòng bắn giết, nên chúng quan tâm nhiều đến việc giáo huấn lớp trẻ. Những cựu giáo viên ở Syria được tái triệu tập để đứng lớp ở những vùng mà IS kiểm soát. Thế nhưng họ cũng phải trải qua các lớp học cải tạo tư tưởng trong ba tháng, phải tự hối lỗi vì đã làm việc với chính quyền Damascus.  Dạy học ở nhà không được phép, vì quân khủng bố không thể kiểm soát được chương trình.

IS tiêu hủy thuốc lá, vì xem đây là hàng hóa "haram". Ảnh: Reuters

Như nhiều phần tử thánh chiến khác, Khaled được trả lương 100 USD/tháng – bằng đồng bạc xanh, chứ không phải là đồng nội tệ lira của Syria. Anh còn được nhận thêm 50 USD/tháng vì có vợ. Nếu ai có con nhỏ thì còn có khoản phụ cấp 35 USD/cháu, còn có bố mẹ già thì được thêm 50USD/người. Cựu mật vụ IS tiết lộ, anh thuê một ngôi nhà và IS trả toàn bộ chi phí thuê, tiền điện. Bảo đảm y tế cho “người dân” được IS chú trọng và quân khủng bố từng rất tự hào với cái gọi là “Dự luật Y tế BaghdadiCare” (ngầm so sánh với Dự luật Y tế ObamaCare của Mỹ). Mọi người được quyền đăng ký khám chữa bệnh miễn phí. Chính nguồn thu nhập, phúc lợi này là một phần nguyên do thúc đẩy nhiều tay súng gia nhập IS. Câu hỏi là quân khủng bố lấy tiền từ đâu?

Đầu tiên là khoản thu thuế, phí và tiền phạt. Mọi hoạt động kinh doanh đều phải đóng thuế theo tháng và đầu mối đứng ra thu là “Ngân hàng nhà nước” (Jibaya). Cảnh sát sẽ thường xuyên đi tuần để bảo đảm mọi vật dụng đều được bán đúng giá, nhưng kèm theo đó là việc các hộ kinh doanh phải nộp 2,5% tổng doanh thu cho “chính quyền”. Hàng hóa từ nơi khác chuyển vào lãnh thổ IS cũng đều phải chịu thuế. Các hành vi vi phạm giáo luật, quy định của “Nhà nước” (ví như hút thuốc, buôn lậu, uống rượu) đều sẽ bị phạt tiền. Ngoài ra, còn có nhiều loại phí khác về điện, nước, vệ sinh, an ninh…

Đồ cổ cũng là nguồn tài sản mà IS chú trọng khai thác. Tuy tuyên bố những công trình, tác phẩm, di sản thời kì tiền “Nhà nước” sẽ bị phá hủy, quân khủng bố vẫn cho phép mua bán các loại đồ cổ quý hiếm trên thị trường chợ đen. IS có thể đập phá nhiều đền thờ, tượng đài quy mô cỡ lớn, nhưng luôn giữ lại những chế tác khảo cổ cỡ nhỏ, với lý do đó không phải là vật “chiêm bái, thờ phụng”. Đó có thể là những đồng tiền xu từ thời La Mã, vương quốc Babylon mà rất nhiều kẻ sưu tầm, buôn bán cổ vật đều muốn có.

Dầu mỏ đương nhiên là nguồn tài nguyên đem lại khoản tiền chủ yếu cho IS. Kiểm soát toàn bộ các mỏ dầu ở miền đông Syria, quân khủng bố nắm giữ trong tay nguồn cung nhiên liệu lớn nhất nước và nhiều khi xem đây là thứ vũ khí để tống tiền. Vòng cung Bab al-Salameh – hiện là tuyến đường duy nhất của IS tiến lên miền bắc Syria, giữ vai trò mạch sống cho cả “Nhà nước” trên vùng đất kéo từ Aleppo tới Fallujah. Hàng ngày có vô số xe chở dầu qua lại đây.

Bab al-Salameh nằm dưới quyền kiểm soát của “một phái Syria” nhưng không phải là quân nổi dậy và đương nhiên có sự can dự của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Vậy tại sao lại không thể đóng cửa tuyến đường và tước bỏ nguồn doanh thu dầu mỏ của IS? “Đó là bởi không có sự lựa chọn nào khác. IS có dầu diesel, dầu mỏ. Mới nhất, ngay trước thời điểm diễn ra Lễ Ramadan, quân nổi dậy phong tỏa cung đường. IS trả đũa bằng cách khóa van cấp dầu. Giá dầu ở Syria lập tức tăng mạnh. Phe nổi dậy buộc phải ngừng bao vây, vì mất nguồn cung dầu diesel. Xe ôtô, bệnh viện - tất cả đều phải dừng hành động”, Khaled lý giải.

Đáng chú ý, ngoài việc bán dầu lậu ra bên ngoài, IS được cho là bơm ngược “vàng đen” cho chính quyền Damascus. Đơn cử như tại Aleppo, điện là thứ hàng hóa khan hiếm. Các hộ gia đình chỉ được cấp 3-4 tiếng/ngày. Nguồn cung ứng gần như duy nhất là nhà máy điện chạy dầu ở Asfireh – vùng do IS kiểm soát, gần sân bay Kweris. Vì thế, chính quyền Syria phải chi trả tiền cho số dầu chạy máy phát, chịu toàn bộ chi phí cho nhân công vận hành nhà máy. IS nắm 52% tiền bán điện và chính phủ Syria nắm 48% - đó là một thỏa thuận ngầm.

Xem Kỳ cuối: Đào thoát
Hoài Thanh (Theo The Dailybeast)
Lời thú nhận chấn động của cựu mật vụ IS - Kỳ cuối
Lời thú nhận chấn động của cựu mật vụ IS - Kỳ cuối

Đang sống trong nhà nước thánh chiến được mệnh danh là “5 sao” (ít nhất là so với ở Iraq), tại sao Khaled lại tìm cách trốn chạy?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN