Lời thú nhận chấn động của cựu mật vụ IS - Kỳ 2

IS tuyên bố thành lập ngày 29/6/2014, với nòng cốt là nhánh khủng bố al-Qaeda ở Iraq do trùm khủng bố Abu Musab al-Zarqawi người Jordan thành lập (ông trùm này bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt hồi năm 2006).


BỨC TRANH VỀ "NHÀ NƯỚC HỒI GIÁO"

Cơ quan tối cao của IS là Hội đồng Shura, có quyền lựa chọn chỉ định người đứng đầu chính quyền, cơ quan an ninh, quân sự ở các tỉnh, thành trực thuộc. Đứng đầu Hội đồng là al-Baghdadi và nhân vật quyền lực số hai là Abu Mohammed al-Adnani - kẻ được coi là tay chân đặc biệt tin cậy của al-Zarqawi.

Quân khủng bố IS. Ảnh: Reuters

Theo lời Khaled, giới chóp bu IS thường xuyên tiến hành các chuyến thị sát để nắm tình hình, xem bộ máy “Nhà nước” ở địa phương có vận hành đúng như trù tính hay không. Nếu có trục trặc, sẽ có cảnh “đầu rơi” đối với người đứng đầu, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Khaled từng có một lần đối mặt với Baghdadi khi ông trùm đi thị sát gần khu vực sân bay Kweris, gần Aleppo. Anh kể: “Chúng tôi có mặt ở đó và rồi al-Baghdadi xuất hiện. Một số người nhận ra ông trùm, nhưng tôi thì không. Khi đi kiểm tra, các thủ lĩnh IS thường không mang theo đội ngũ cận vệ hùng hậu. Thậm chí người ta còn chẳng biết là họ có mặt ở đó”.

Khaled nhìn nhận, từ lúc mới thành lập cho đến đỉnh cao hưng thịnh, IS rất chú ý tới khái niệm “bình đẳng trước pháp luật”, coi đây là trụ cột trong chương trình chính trị dân túy nhằm thu hút, tập hợp lực lượng. Bộ máy tuyên truyền của IS rất biết cách khai thác triệt để yếu tố này. Nội bộ “Nhà nước” từng truyền tai nhau và để lộ ra cho bên ngoài nhiều câu chuyện về sự ưu việt đó. Một trong số đó là giai thoại liên quan đến ông trùm al-Baghdadi. Trong một chuyến thị sát Minbji ở tỉnh Aleppo, thủ lĩnh IS có va chạm xe với một người. Ông này không biết Baghdadi là ai và hét lớn “tôi sẽ đưa ông ra tòa”. “Hãy làm thế đi”, Baghdadi nói. Tòa án Sharia ở Minbij mở phiên xét xử. Trước chánh tòa địa phương biết rõ mình là ai, thủ lĩnh IS thừa nhận là người có lỗi gây ra tai nạn. Tòa ra phán quyết buộc “Nhà nước” phải trả tiền phạt cho người tố cáo.

Chính Khaled cũng từng được hưởng quyền “bình đẳng trước pháp luật”. Trong một lần kiểm soát nội bộ, Amn al-Dawla trưng thu máy tính cá nhân của anh, rồi họ làm thất lạc. “Tôi buộc phải kiện họ ra tòa. Tôi thề trước thánh. Vị chánh tòa bốc máy gọi ai đó với lời lẽ ‘…được rồi, anh có 24 giờ để tìm ra máy tính cho người ta. Không thấy, anh sẽ phải bồi hoàn. Bằng không tôi sẽ đưa anh ra sân, đánh nhừ tử trước sự chứng kiến của nhiều người'”, cựu gián điệp IS kể và nói rằng đây là một trong những lý do mà những kẻ dù ghét IS nhưng vẫn có sự tôn trọng nhất định với tổ chức này.

Đó là lúc hưng thịnh, khi dòng người đổ về “Nhà nước” tăng chóng mặt và IS muốn tạo dựng uy tín, hình ảnh. Còn khi số lượng thành viên mới tụt giảm mạnh như thời gian gần đây, IS lại hướng đến một biện pháp bổ sung khác để kiểm soát chặt chẽ “công dân”: Reo rắc nỗi sợ hãi. Đó là những gì mà người ta từng được chứng kiến khi IS nhốt nhiều người phản bội, chống đối trong lồng sắt, xem đây là đòn trừng phạt răn đe.

Trong chiến dịch tuyên truyền của mình, IS thường cho chiếu cảnh các chiến binh nước ngoài (muhajireen) đốt hộ chiếu trong một nghi thức nhằm thể hiện sẽ không có việc tháo chạy khỏi IS và trở về cố hương. Dù là ai, đến từ Bruges hay là Baton Rouge, quốc tịch gốc của những muhajireen luôn được IS gọi là Dar al-Harb (vùng đất chiến tranh, bị áp bức, không thánh thần). Từ đây, họ sẽ là “công dân” của Dar al-Islam (vùng đất của niềm tin và hòa bình, nhưng dĩ nhiên là sau khi hoàn thành sự nghiệp lớn). Thế nhưng đó chỉ là cách khoa trương. Thực chất, những người mới đến vẫn giữ hộ chiếu hoặc chuyển giấy tờ này tới “Bộ Nguồn lực”, Khaled chia sẻ.

Liên quan đến guồng máy quân sự, vì những lý do thực dụng, IS từng chấp thuận sự “thuần nhất” trong hàng ngũ ở cấp tiểu đoàn quân sự (gọi là Kabitas), nhất là về yếu tố sắc tộc, ngôn ngữ - như những gì mà lực lượng tiến bộ của Pháp, Mỹ, Liên Xô từng làm qua việc thành lập các lữ đoàn quốc tế trợ giúp phe Cộng hòa trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha (1936-1939). Một trong những katibas được huấn luyện tốt nhất, trang bị mạnh nhất là Anwar al-Awlaki – được đặt theo tên gọi của một kẻ tử vì đạo người Mỹ thuộc al Qaeda, bị máy bay không người lái Mỹ tiêu diệt trong đợt không kích ở Yemen năm 2011. “Tiểu đoàn này chỉ sử dụng tiếng Anh. Bọn tôi còn có một tiểu đoàn khác là Abu Mohammed al-Amiriki (tên một kẻ thánh chiến người Mỹ đến từ New Jersey, bị chết trong trận chiến ở Kobani), cũng có rất nhiều người đến từ Mỹ”, Khaled kể.

Áo vest cài bom của các phần tử thánh chiến IS. Ảnh: Reuters

Thế nhưng gần đây IS đã cho dừng việc thiết lập, duy trì các tiểu đoàn dựa trên sắc tộc hay ngôn ngữ; thay vào đó là hòa trộn hỗn hợp các phần tử thánh chiến đến từ khắp nơi. Nguyên do chủ yếu là việc mô hình cũ đã gây ra cho “Nhà nước” những hệ lụy không mong muốn, khi có quá nhiều người cùng đến từ một nơi, cùng nói một thứ ngôn ngữ và giờ lại tụ hợp với nhau. Al-Battar, một trong những tiểu đoàn hùng hậu nhất của IS, gồm có 750 chiến binh từ Libya. Sau một thời gian, giới chóp bu IS nhận thấy những tay súng này trung thành với chỉ huy trực tiếp hơn là với tổ chức. Al-Battar bị giải thể từ đó.

Theo Khaled, trước thời điểm nổ ra cuộc chiến giành giật thành phố Kobani hồi năm ngoái, “Nhà nước” đã có sức cuốn hút, lan tỏa khó cưỡng. Dòng người trên khắp thế giới đổ về đây và tụ hợp dưới lá cờ đen chiến thắng biểu tượng của IS. Đỉnh điểm là vào tháng 9/2014, mỗi ngày IS tiếp nhận khoảng 3.000 chiến binh đến từ các nước. Thế rồi lực lượng người Kurd dưới sự yểm trợ của không quân liên quân, đã gây ra những tổn thất nặng nề cho IS trong nhiều tháng trên chiến trường Kobani. Quân khủng bố đã phái hàng nghìn chiến binh tới đây, nhưng không có chiến thuật và chiến lược, nên hệ quả là có 4.000-5.000 tay súng bị tiêu diệt, một lượng lớn gấp đôi như vậy bị thương và không có khả năng chiến đấu, Khaled nói.

Cũng từ đây, làn sóng gia nhập mới tụt giảm, đến nay thì không tuyển nổi 50-60 người/ngày. Sự lao dốc bất ngờ này khiến bộ chỉ huy IS phải tính toán lại, cân nhắc làm sao có thể huy động và sử dụng công dân ở bên ngoài IS một cách tốt nhất cho “sự nghiệp” của “Nhà nước”. Theo Khaled, điều quan trọng nhất chính là ở chỗ họ (IS) đang cố tìm cách tạo lập các ổ nhóm “ngủ đông” trên phạm vi toàn thế giới. Giới chóp bu IS yêu cầu các ứng viên thuộc nước nào thì tại vị yên vị, chiến đấu ở đó, giết hại dân thường, thổi bay các tòa nhà, trụ sở và không cần tới Syria hay Iraq.

Một số phần tử "thánh chiến" từng được Khaled đào tạo, huấn luyện đã rời khỏi “Nhà nước”. Anh có nhắc tới hai người Pháp tầm 30 tuổi. Nhưng khi được hỏi tên thì Khaled nói không biết, vì ở “Nhà nước” không ai hỏi câu hỏi đó, tất cả đều được gắn tên kiểu Abu hay đại loại vậy. Quá quan tâm đến lịch sử đời tư của người khác sẽ bị chú ý ngay lập tức. Sau khi xảy ra vụ khủng bố đẫm máu ở Paris hôm 13/11, phóng viên tờ Dailybeast liên lạc với Khaled để dò hỏi về kẻ đứng sau kế hoạch tấn công này. “Kẻ đào tẩu” tin rằng hai công dân Pháp kia gần như chắc chắn có tham gia kế hoạch.

Kỳ 3: Guồng máy an ninh, tình báo tinh vi của IS

Hoài Thanh (Theo The Dailybeast)
Lời thú nhận chấn động của cựu mật vụ IS - Kỳ cuối
Lời thú nhận chấn động của cựu mật vụ IS - Kỳ cuối

Đang sống trong nhà nước thánh chiến được mệnh danh là “5 sao” (ít nhất là so với ở Iraq), tại sao Khaled lại tìm cách trốn chạy?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN