Lời thú nhận chấn động của cựu mật vụ IS - Kỳ 3

Để duy trì sự vận hành của một “Nhà nước” liên tục bị nhiều lực lượng nhòm ngó, tấn công, IS đã cho thiết lập một guồng máy an ninh, tình báo tinh vi, với nòng cốt là những cựu sĩ quan trong chính quyền Saddam Hussein.


GUỒNG MÁY AN NINH, TÌNH BÁO TINH VI CỦA IS

Người xây dựng lên mô hình tổ chức của IS chính là Haji Bakr, một cựu Đại tá thuộc lực lượng tình báo không quân Iraq dưới thời ông Hussein. Bộ máy an ninh  (ammiyat) này gồm có 4 cơ quan chuyên biệt, có chức năng năng riêng. Đó là Amn al-Dakhili – tương đương với Bộ Nội vụ, chịu trách nhiệm duy trì an ninh ở mỗi thành phố, khu vực. Kế đến là Amn al-Askari – tức Cơ quan tình báo quân sự làm nhiệm vụ thu thập và phân tích thông tin, dữ liệu về vị trí đóng quân, khả năng chiến đấu của đối phương. Amn al-Kharji là Cơ quan tình báo đối ngoại, chuyên phái các điệp viên vượt khỏi đường ranh giới đối phương để thu thập thông tin, lên kế hoạch và thực hiện các chiến dịch tấn công khủng bố. Mục tiêu đánh phá không chỉ gồm các nước, thành phố ở phương Tây, mà còn là những khu vực do lực lượng trung thành với Tổng thống Assad hay Quân đội Syria tự do (FSA) kiểm soát. Cuối cùng là Cơ quan an ninh (Amn al-Dawla), nơi mà Khaled làm việc.

Đao phủ "John thánh chiến" khét tiếng của IS. Ảnh: WSJ

Trong công việc, mọi chỉ huy, nhân viên thuộc 4 cơ quan trên đều bịt mặt. Thế nhưng một số chiến binh nghiền truyền thông mạng xã hội, muốn được nổi tiếng đôi khi cũng quên mất điều này. Đao phủ “John thánh chiến” bị lộ mặt là do một người chuyển tin thuộc chính quyền vùng chộp được bức hình John tung tăng đi lại ở Raqqa mà không đeo lớp che mặt và bức hình được chuyển tới đầu mối ở London. Có một điều rất lạ là trong khi những mật vụ, điệp viên của IS phần lớn là người Syria, thì người đứng đầu lại thường là những người Palestine đến từ Dải Gaza. Khaled không thể hiểu tại sao lại như vậy.

Phân cấp tổ chức theo chiều dọc này lại được “đục lỗ” theo chiều ngang, với vai trò của chính quyền các bộ tộc ở địa phương hoạt động theo mô hình bán tự trị. Theo đó, trưởng cơ quan tình báo cấp vùng (tỉnh, thành) sẽ chịu trách nhiệm báo cáo tình hình cho người đứng đầu cơ quan an ninh cùng cấp - nhân vật cũng đảm nhân luôn cương vị cấp phó quản lý hành chính trong lãnh hạt. Cứ vậy, mô hình được áp dụng đến cấp quận, huyện và cuối cùng là tận làng, xã. Mục đích chính là để theo dõi chéo lẫn nhau. 

“Cỗ máy” này giải thích tại sao IS lại nhanh chóng vươn vòi và chiếm được một vùng lãnh thổ rộng lớn, với nhiều phần đất ở cả Syria và Iraq. Đó là nhờ vào việc điều khiển những “kẻ ngủ đông” (sleeper) nằm vùng tuyển mộ điệp viên và người đưa tin, thu thập tin tức về các nhóm đối lập, gồm cả quân đội chính phủ hay các nhóm phiến quân khác ở Iraq và Syria. Abu Khaled nhiều lần nhấn mạnh chính nguồn lực do thám, tình báo này (chứ không phải là tư tưởng tử vì đạo) đã tạo cho IS sức mạnh ghê gớm, đủ sức để chiếm đoạt và quản lý nhiều vùng đất. Rõ nhất là việc FSA dù được Mỹ và nhiều đồng minh trong khu vực chống lưng, nhưng rồi cũng nhanh chóng thất thế trước IS.

Khaled kể: “Một tuần trước khi đào thoát, tôi có dịp ngồi với Abu Abd Rahman al-Tunisi – Cục trưởng Cục tình báo Đối ngoại của IS. Al-Tunisi nói với tôi: ‘Chúng ta sẽ huấn luyện những kẻ quen biết, đám mới tuyển, người Syria… Hãy đón số này, huấn luyện, rồi phái trở lại chính nơi mà họ sinh sống. Ta sẽ đưa cho họ số tiền tầm 200.000-300.000 USD. Bởi vì các điệp viên nằm vùng này có nhiều tiên, nên FSA sẽ đưa họ lên những vị trí cao trong tổ chức của chúng'”. “Kẻ đào tẩu” nhìn nhận đây là yếu tố giúp IS chiếm được nhiều vùng đất ở Syria, với nhiều tay chân ở khắp các làng, xã, thị trấn mà FSA kiểm soát. Nói cách khác, không phải tất cả những người mà Mỹ coi là đồng minh ở Syria là “bạn bè” thực sự của Washington. Nhiều trong số này đã bị IS thao túng, mua chuộc để rồi phải hợp tác, tuân phục. 

Yếu tố phân vùng bên trong IS cũng gây ra một số hệ lụy, đó là tính cục bộ cũng như đấu tranh ngầm. Hai thế lực mạnh nhất quân đội và an ninh-tình báo luôn không ưa nhau. Chứng kiến Khaled giảng bài, những “đồng cấp” từ phe quân đội thường nói giễu là tại sao lại đi giảng dạy cho những kẻ vô thần như thế. Nhiệm vụ chính của Khaled là huấn luyện cho giới chức an ninh địa phương ở al-Bab. Địa điểm là một khu lán trại cách thành phố 5km về phía bắc. Kèn báo thức bật lúc 5 giờ sáng. Các chiến binh "thánh chiến" sau đó sẽ phải tập hợp đội hình. Khaled đến trại lúc 7 giờ và giảng bài cho đến trưa. Nội dung chủ yếu là chiến thuật chiến trường và kiến thức về tác chiến, ví như làm sao để bảo vệ phòng tuyến hay phát động phản công. Sau 2 tiếng nghỉ trưa, lớp học lại tiếp tục và kết thúc lúc 5h30 chiều.

IS công bố bức ảnh hành quyết 4 người bị nghi là làm việc cho chính quyền Baghdad. Ảnh cắt từ Youtube

Các thủ lĩnh IS đặc biệt sôi máu trước việc bị tình báo bên ngoài cài cắm người vào tổ chức. Chúng cho thực thi chính sách “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót” nhằm vào đạo quân thứ 5 đến từ bên ngoài này. Quyền lực của “Nhà nước” dựa rất nhiều vào mạng lưới điệp viên, người đưa tin và vì thế số này được tuyển chọn kỹ, với nền tảng là niềm tin giáo phái. Cùng lúc, IS luôn khiến những người có tư tưởng tạo phản phải khiếp sợ, với việc cho hành hình công khai những kẻ tình nghi là “điệp viên nằm vùng” của nước ngoài.

Tội này luôn phải chịu hình phạt cao nhất: Cộng tác với FSA - xử tử; cộng tác với CIA hay tình báo các nước - xử tử. Người đứng đầu cơ quan an ninh tại al-Bab, một người Kuwai, bị nghi làm việc cho Cơ quan tình báo Anh MI6 đã bị chặt đầu, trên thi thể còn có cả dòng chữ “một điệp viên người Anh”. Một người Nga, một người người Palestine khác cũng từng bị hành quyết tàn độc kiểu như vậy sau khi bị xem là tay trong của cơ quan mật vụ Nga và Israel. Thế nhưng có một vụ mà Khaled ám ảnh mãi. Một lần, IS cho hành quyết một gã chỉ vì tên này ném sim điện thoại gần nơi đặt trụ sở các cơ quan an ninh, tình báo. Quân khủng bố nghi đây là thiết bị theo dõi, có thể là định vị GPS, hoặc là chip điện tử báo tần số báo cho máy bay của Mỹ và liên quân. Phần tử này bị bắt, chặt đầu, để hai phần thi thể phơi nắng trong suốt 3 ngày.

Xem Kỳ 4: Hình phạt và nguồn tài chính của IS
Hoài Thanh (Theo The Dailybeast)
Lời thú nhận chấn động của cựu mật vụ IS - Kỳ cuối
Lời thú nhận chấn động của cựu mật vụ IS - Kỳ cuối

Đang sống trong nhà nước thánh chiến được mệnh danh là “5 sao” (ít nhất là so với ở Iraq), tại sao Khaled lại tìm cách trốn chạy?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN