Lời thú nhận chấn động của cựu mật vụ IS - Kỳ cuối

Đang sống trong nhà nước thánh chiến được mệnh danh là “5 sao” (ít nhất là so với ở Iraq), tại sao Khaled lại tìm cách trốn chạy?


ĐÀO THOÁT

Khởi nguồn là từ những gì mà cựu mật vụ IS tận thấy ở một nông trang. Khaled quen một người có trang trại riêng. Mọi ngày trong tuần, người này đến đây, rồi lại phát hiện ra những xác người trên mặt đất. Đó là những nạn nhân xấu số, bị IS sát hại rồi ném xác vào khu đất này. Mỗi khi cày cuốc, y như rằng lại có nhiều thi thể lộ ra. Chủ trang trại này phàn nàn với Khaled và “mật vụ” IS báo cáo sự việc lên Trưởng phòng an ninh al-Bab. Nhân vật này hứa sẽ cho điều tra và trả lời sớm nhất. Vài hôm sau, Khaled được trùm an ninh thông báo là không tìm thấy kẻ đã ném xác, nhưng an ninh không dính líu đến vụ này.

Chủ trang trại lại gọi Khaled đến, nói rằng nơi đây IS đã từng cho đào một hố chôn người tập thể. Hố đã đầy và giờ quân khủng bố chẳng buồn đào, mà ném xác luôn trên mặt đất. “Khắp trang trại, mọi gốc cây ôliu  - chỗ nào cũng có thi thể”, người này kể. “Mật vụ” IS lần này gặp trùm an ninh al-Bab và yêu cầu đến tận nơi xem xét. Không khó để Khaled tìm thấy tang chứng là những phần xác trước sự chứng kiến của quan chức an ninh vùng. Nhưng chưa đầy 24 giờ sau, Khaled nhận được cuộc điện thoại từ người kia với lời chỉ thị: “Chúng ta sẽ mua đứt trang trại đó. Hỏi xem nó bao nhiêu tiền?”.

Các tay súng người Kurd được sự hỗ trợ của Liên quân đã gây cho IS tổn thất nặng nề trong trận chiến ở Kobani. Ảnh: AFP

Đây chính là nguồn cơn khiến “mật vụ” IS bắt đầu cảm nhận được bộ mặt thật của Nhà nước khủng bố. Dần dà, sống trong môi trường bị kìm kẹp, luôn nghi ngờ lẫn nhau, đôi khi mất mạng chỉ vì lỡ buông lời bông đùa không đúng, những người như Khaled dần hiểu rằng họ đã bị IS lừa dối, điều khiển. Họ không được xem ti vi và cánh cửa duy nhất để tiếp cận thông tin là tờ báo do IS phát hành, tờ Akhbar Dawli Islamiya, với đầy thông tin tin sai lệch. Họ sống trong một thế giới nhỏ bé, khép kín, bức bối do chính IS tạo ra, trạng thái tinh thần lúc nào cũng như đang bị trói buộc. Quyết định đào thoát cuối cùng cũng được Khaled lựa chọn.

Nhưng bằng cách nào? Anh không thể chạy trốn như cách nhiều binh sĩ dưới quyền từng làm, nhất là sau thất bại nặng nề của IS tại “cối xay thịt Kobani”. 5.000 tay súng bị chết, nguyên nhân chủ yếu là do các thủ lĩnh IS không có chiến lược, chiến thuật phù hợp; chỉ biết lùa quân vào “nồi hầm”, trong khi đám chiến binh dưới quyền thì không có được kĩ năng chiến đấu. Trận chiến Kobani đã giáng đòn mạnh vào IS, khiến nhiều chiến binh thánh chiến kinh hãi, không dám tham chiến. Một lượng lớn đã tìm cách lẩn trốn.

“Khi đã ở trong hàng ngũ cơ quan mật vụ, tức là phải chấp nhận mọi thứ đều bị kiểm soát chặt. Rất khó để thoát ra, ví như tôi - tất cả các chốt biên giới đều do cơ quan an ninh - tình báo rà soát. Tôi từng đào tạo, huấn luyện những gã đó, hầu hết bọn họ biết tôi. Tôi khá nổi tiếng ở al-Bab”, Khaled chia sẻ. Đó là lý do mà mật vụ IS phải lên kế hoạch chi tiết, với các bước chuẩn bị kĩ càng.

Tại các chốt kiểm soát biên giới của IS, dân thường được phép tự do đi lại, miễn là có thẻ căn cước hoặc một loại giấy tờ tùy thân. Trong khi đó hộ chiếu của Khaled vẫn lưu tại Bộ Nguồn lực. Vì thế, việc đầu tiên mà “mật vụ” IS phải lo là giấy tờ hợp pháp hóa. Anh liền tới nhà một người bạn, hành nghề in ấn thẻ căn cước giả bất hợp pháp. Với mức phí 20 USD, Khaled được bảo đảm là sẽ có trong tay giấy thông hành cần thiết, trông y như thật.

Anh quyết định khởi hành vào một ngày đầu tháng 9/2015 và chỉ đi một mình. “Khi rời nhà, tôi không kể với vợ. Tôi chỉ nói là muốn tới Raqqa để xử lý một số công việc. Tôi để khẩu AK ở nhà, chỉ mang theo súng ngắn và vận bộ đồng phục. Rời đi lúc 7 giờ sáng, tôi tới nhà anh bạn làm giả thẻ căn cước, thay đồ. Tôi nhận lấy giấy tờ, cạo râu, nhưng không cạo hết, làm sao để trông giống hình trong ảnh chụp”, cựu mật vụ IS kể. 

Khaled rời ab-Bab và tới Minbji bằng xe máy. Từ đây, anh bắt một chiếc xe buýt loại nhỏ để tới Aleppo. Tại bến dừng đỗ, luôn có nhân viên an ninh đứng kiểm tra hành khách. Khaled trình căn cước giả và được cho lên xe. Nếu là ở al-Bab, anh rất dễ bị nhận dạng, thế nhưng đây là ở Minbij và không ai biết anh là ai. Ở Aleppo, Khaled di chuyển tới vùng do quân nổi dậy kiểm soát. Từ đây, anh điện cho vợ, bảo thu dọn đồ đạc, một ít quần áo, một chiếc túi nhỏ và dặn phải bắt xe rời đi trong vòng một tiếng nữa. 45 phút sau, vợ Khalde lên đường, đi cùng còn có cả bố mẹ đẻ và người em gái. Tầm 2-3 tiếng sau, cả nhà đã tụ hợp ở Aleppo.

Abu Khaled không phải là trường hợp duy nhất đào thoát khỏi IS, có rất nhiều người đã chọn cách hành xử như vậy. Giờ đây, Khaled đã xây dựng một “tiểu đoàn nhỏ” cho riêng mình, với sự trợ giúp của lữ đoàn Ahrar al-Sham thuộc phe nổi dậy, nhưng hoạt động độc lập. Quân của Khaled chiến đấu chống lại cả IS và lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad. Có 2 lữ đoàn của IS ở miền bắc Aleppo đối đầu với quân của Khaled và anh đều biết thủ lĩnh của cả hai đạo quân này: Một tên đến từ Maroc và tên còn lại đến từ Libya. Chiến thuật của chúng là điều mà anh không lạ.

Phóng viên tờ The Dailybeast đặt câu hỏi tại sao Khaled vẫn quyết trụ ở Syria trong bối cảnh anh và các thành viên trong gia đình chắc chắn sẽ là mục tiêu truy đuổi của IS. Cựu mật vụ IS nói rằng, nếu tới Thổ Nhĩ Kỳ mà không bị làm phiền nhiễu thì có thể đó sẽ là một lựa chọn. Nhưng dường như anh không chắc chắn về điều đó. “Tôi không hiểu mối liên hệ giữa IS với Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng trong trận Kobani, vũ khí được chuyển đến tay quân khủng bố từ hướng Thổ Nhĩ Kỳ. Hãy nhìn những gã này xem - họ ăn bánh McDonald, bánh hamburger. Bọn họ lấy nguồn từ đâu vậy? Từ Thổ Nhĩ Kỳ”, Khaled bày tỏ.

Lắc đầu dứt khoát và nói “Tôi không sợ chết” - đó là phản ứng của cựu mật vụ IS khi được hỏi liệu có muốn nghỉ ngơi một thời gian sau những biến cố vừa qua hay không.

Xem từ Kỳ 1: Con đường gia nhập IS

Hoài Thanh (Theo The Dailybeast)
Lời thú nhận chấn động của cựu mật vụ IS - Kỳ 4
Lời thú nhận chấn động của cựu mật vụ IS - Kỳ 4

Cùng với guồng máy an ninh, tình báo, cảnh sát tinh vi, IS rất chú tâm đến việc duy trì một xã hội Hồi giáo Sharia dựa trên nhiều quy định, luật lệ hà khắc mang nặng tính răn đe.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN