Trong một buổi ăn tối tại nhà của Chủ tịch Ngân hàng bưu điện Hungari Gabriel Barross năm 1923, Windischgraetz đã làm quen với chuyên gia nhà in Arthur Schulze nổi danh là một kẻ làm tiền giả và hay huênh hoang. Chẳng bao lâu sau, họ đề cập với chủ đề tiền giả và kế hoạch của Windischgraetz.
Cảnh sát trưởng Imre Nadosy cũng bị ngồi tù vì tham gia âm mưu làm tiền giả. |
Schulze khuyên nên tập trung vào tiền franc của Pháp, vì ở một xưởng làm tiền giả ở gần Cologne (Đức) người ta đã bắt đầu làm công việc này, vì vậy có thể tiết kiệm được rất nhiều công việc khó khăn ban đầu. Schulze tự nhận việc liên hệ với các chuyên gia làm tiền giả và mua sắm những trang thiết bị cần thiết.
Windischgraetz rất hào hứng và nhận lời đề nghị của Schulze. Mọi sự phù hợp một cách hoàn hảo. Rốt cuộc, người Hungari trước hết coi Pháp là kẻ phải chịu trách nhiệm về nền hòa bình trong tủi nhục của họ. Với những đồng franc giả, một mũi tên có thể bắn trúng hai đích: Thứ nhất là kiếm ra tiền cho phong trào đấu tranh, thứ hai là gây thiệt hại cho nhà nước Pháp đang bị căm ghét. Cuối cùng vào năm 1923, xưởng in tiền giả tuyệt mật đã được thiết lập ở tầng hầm của Viện bản đồ ở Budapest. Cảnh sát trưởng Nadosy đã tạo điều kiện cho làm việc đó. Điều tế nhị ở đây là, vào thời điểm đó, Viện bản đồ trực thuộc Thủ tướng Teleki và như vậy ông phải là người biết và chấp nhận để điều gì diễn ra trong trụ sở cơ quan dưới quyền mình.
Thủ tướng Istvan Bethlen (người ngồi giữa). Mặc dù không thể chứng minh ông có tham gia âm mưu này, nhưng cũng không thể xóa bỏ sự nghi ngờ. |
Đầu năm 1925, khoảng 30.000 đồng tiền giả mệnh giá 1.000 franc đã được in xong. Nhưng kết quả còn xa mới được như trông đợi. Bởi vì, chẳng cần nhìn kỹ lắm tờ giấy in tiền, người ta đã có thể nhận ra đây là tiền giả. Windischgraetz liền quyết định thay đổi kế hoạch: Thay vì đưa tiền giả vào lưu hành ở Pháp, ông muốn tìm cách đưa vào lưu hành ở những nước khác. Để làm việc này, ông tìm cách liên hệ với những người trong tầng lớp cực hữu.
Trong hàng ngũ những người phiêu lưu này, Jankovich, một người đứng tuổi, nổi bật lên. Vì vậy, Jankovich được giao vai trò lãnh đạo. Đó là thiết lập một dạng tổ chức phân phối 30.000 đồng bạc giả này ở La Hay (Hà Lan) để dần đưa vào lưu hành. Nhưng ông không tuân theo chỉ thị từ Budapest và ngay từ khi bắt đầu sứ mạng đã phạm phải sai lầm có tính chất quyết định. Jankovich thử đưa đồng bạc giả vào đổi trong một chi nhánh ngân hàng ở Amsterdam. Windischgraetz đã nổi giận khi nghe tin này: "Thật ngu ngốc hết mức, tại sao lại đưa tiền giả vào đổi ngay tại ngân hàng!". Thêm nữa là một sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng: Jankovich đã ghi lại mọi chi tiết về hoạt động này trong nhật ký của mình. Các nhà điều tra khi có được cuốn nhật ký đã nhanh chóng nhận ra rằng cảnh sát trưởng Nadosy đã tích cực tham gia vào vụ việc này và những chính khách tầm cỡ như Teleki và Thủ tướng Bethlen chắc chắn phải được thông báo về kế hoạch đó.
Tiền làm giả quá tồi, chỉ thoáng nhìn đã nhận ra. |
Ban đầu, vụ việc không được dư luận chú ý lắm. Nhưng chỉ vài ngày sau, đồng franc giả đã xuất hiện ở Hamburg, Kopenhagen và Milan. Những kẻ trung gian đã thử vận may ở khắp nơi. Chẳng bao lâu sau thì cảnh sát Pháp, Hà Lan và Đức đều quan tâm tới vụ việc này. Và họ chỉ cần vài ngày là có thể làm sáng tỏ sự việc. Ngày 4/1/1926, Windischgraetz đã bị bắt ở Budapest. Các phương tiện truyền thông Đức và Pháp không bỏ lỡ một cơ hội vào để chế giễu "Nội các sản xuất tiền giả". Cả thế giới cười nhạo những kẻ làm tiền giả ngớ ngẩn và vụng về.
Nhưng cho tới phiên tòa cuối cùng cũng không thể chứng minh rằng chính phủ Bethlen tích cực tham gia vào vụ bê bối tiền giả này. Vì vậy, Thủ tướng Bethlen đã vượt qua cuộc khủng hoảng mà không bị thiệt hại gì. Để có được điều này, trước hết Bethlen phải cảm ơn Hoàng thân Windischgraetz đã nhận hết tội về mình. Trong phiên tòa diễn ra vào tháng 5/1926, ông nhiều lần khẳng định rằng mình làm điều đó hoàn toàn vì lòng yêu nước. Cuối cùng, ông bị kết án 4 năm tù giam, nhưng trên thực tế chỉ phải ngồi tù một phần thời gian đó. Mặc dù vậy, nhiều năm sau, ông vẫn coi mình là "con tốt thí", như ông viết trong cuốn hồi ký "Anh hùng và kẻ bất lương" được xuất bản trong những năm 1960 ở Viên. Nadosy bị kết án tù 3 năm rưỡi.
Khi đó, sự việc trở nên ầm ĩ, nhưng giờ đây, ở một khoảng cách xa nhìn lại, như nhà sử học Hungari Balazs Ablonczy nhận xét thì đây chỉ là "một âm mưu nghiệp dư của một số nhân vật cao cấp". Ngay từ đầu chủ trương sử dụng tiền giả để chi phí cho một cuộc đấu tranh đòi xét lại Hiệp định hòa bình, đồng thời phá hoại kinh tế Pháp đã là quá ngây thơ, khờ dại, Qua đó, những kẻ chủ mưu đã gây ảnh hưởng lớn đến thể diện Hungari, cho dù vụ bê bối này không gây ra những hậu quả chính trị cụ thể.
Vũ Long (Tổng hợp theo báo chí Đức)