40 năm ngày Giải phóng miền Nam- Phần IV: Thông tấn xã Việt Nam trong Mùa Xuân đại thắng

Ký ức ngày đại thắng

Sắp đến ngày 30/4, trong tôi lại dâng đầy cảm xúc về ngày giải phóng Sài Gòn, ngày mà cách đây 40 năm (30/4/1975) tôi đã vinh dự có mặt trong đoàn quân tiến về thành phố. Ngày chúng tôi chan hòa cùng ánh mắt, nụ cười trong niềm vui dâng trào của người dân Sài Gòn. Ngày đem về hòa bình, độc lập tự do, non sông thu về một mối. Nó cứ hiện mãi lên trong tôi tất cả quá khứ hào hùng không bao giờ phai nhạt của toàn dân tộc, của thế hệ cha anh và cả của thế hệ chúng tôi.

Đầu năm 1975, chúng tôi đang ở căn cứ Lò Gò - Xa Mát thuộc Trung ương cục miền Nam. Sau chiến thắng Ban Mê Thuột 10/3/1975, tin chiến sự và tin giải phóng từ Trị Thiên Huế đến khu V khu VI được thông báo thường xuyên qua tin nội bộ và đài phát thanh dồn dập đưa về, làm cho cánh phóng viên của cơ quan Thông tấn xã Giải phóng tại B2 rất háo hức. Để theo dõi được liên tục tin chiến sự và chiến thắng ở các chiến trường, chúng tôi có sáng kiến vẽ tấm bản đồ Việt Nam trên khổ giấy to, cập nhật đánh dấu các vùng chiến sự và các tỉnh ta vừa giải phóng. Không khí trong khu căn cứ thực sự khẩn trương.

Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn sáng 30/4/1975.


Ước mơ đã thành hiện thực, tôi được biên chế vào một nhóm đi chiến dịch gồm 5 người, trong đó có 1 phóng viên ảnh, 1 phóng viên tin và 3 người làm công tác kỹ thuật truyền tin hướng về Sài Gòn. Náo nức ra trận. Ngày 13/4/1975, chúng tôi xuất phát từ căn cứ Lò Gò - Xa Mát thuộc huyện Tân Biên tỉnh Tây Ninh. Chúng tôi xuôi Vàm Cỏ Đông theo dọc biên giới giữa ta và Campuchia, băng theo Vàm Cỏ Tây, rồi băng qua cánh đồng “Chó Ngáp” thuộc tỉnh Long An. Lúc này vào cuối mùa khô, nên nước ăn uống vô cùng khó khăn, nước sông Vàm Cỏ bị tràn mặn không ăn uống được, suốt dọc đường hành quân phải vào các ấp đồng bào kiếm từng can nước. Có khi gặp khó đành phải nấu ăn bằng nước pha vị mặn của sông Vàm Cỏ. Đã thế, việc đun nấu cũng hết sức nghiêm ngặt, tránh khói lửa đề phòng địch oanh tạc. Nồi cơm nhiều khi “trên sống, dưới khê, tứ bề nhão nhoét”. Vậy mà không khí dọc đường ra trận vẫn đầy ắp tiếng cười.

Sau hơn 10 ngày gian nan vất vả, chịu nắng chịu khát, ì ầm pháo kích và máy bay rình rập, vào tối 26/4/1975 chúng tôi đã đến kênh Kháng chiến thuộc huyện Bình Chánh - cửa ngõ Sài Gòn. Cũng trong đêm đó chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh được phát lệnh. Đêm 28/4, chúng tôi theo các đơn vị vào gần thành phố hơn, đầy phấn khởi và háo hức. Rất đông dân chúng ra đầy đường đón chào quân giải phóng. Họ vây quanh chúng tôi. Có bà má ánh mắt đầy tò mò nhìn ngó xem vixi có đuôi không (!), kêu ồ lên: “Trai Bắc Kỳ đứa nào cũng cao to, đẹp trai, đâu phải 7 người leo một cọng đu đủ không gẫy”. Chúng tôi bật cười trong đêm, hòa với niềm hân hoan, háo hức của bà con cô bác lần đầu thấy Quân Giải phóng.

Suốt mấy ngày đêm, pháo ta đồng loạt bắn vào các cứ điểm địch. Trên trời phía phi trường máy bay với đủ loại trông như chuồn chuồn đang rút chạy khỏi Sài Gòn. Quân đội Sài Gòn cũng bắn trả quyết liệt từ các khu vực Trường đua Phú Thọ, ngã tư Bảy Hiền về phía tiến quân của các lực lượng giải phóng. Sài gòn lúc này rền tiếng súng và tiếng đại bác, đêm sáng lòe tiếng đạn nổ.

Rạng sáng 30/4/1975, nhóm chúng tôi tiến vào quận 11 theo đường Lê Đại Hành. Được đồng bào giúp đỡ, mỗi chúng tôi đào hố trú ấn, tổ kỹ thuật lo lắp đặt thiết để kịp thời gửi về Tổng xã những tin tức nóng nhất. Sáng sớm, không gian thành phố vẫn lãng đãng những lớp sương mỏng và ì ầm tiếng máy bay, tiếng súng đì đòm. Tôi có cảm giác mọi người đang chờ đợi một điều gì đó trong tiếng đạn nổ mỗi lúc một yên dần. Tôi nhận ra không khí chờ đợi ở đường phố xung quanh: Những lá cờ nhỏ sao vàng 5 cánh nửa đỏ nửa xanh, những băng rôn màu đỏ nhỏ quấn tay. Đúng như trong lời một bài hát: “Vận nước đã đến rồi…”!

Đúng 9 giờ sáng 30/4 lệnh buông súng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh được truyền đi qua các hệ thống truyền thanh, báo sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Lúc này tôi và phóng viên tin thực hiện nhiệm vụ của mình, chụp thật nhiều ghi chép thật nhiều ở cái ngày trọng đại này. Thật cảm xúc và xúc động, trên các tuyến phố ngày ấy tràn ngập người dân đứng hai bên đường tay cầm cờ, hoa chào đón anh giải phóng, họ đón chào chúng tôi như những người con lâu ngày trở về, trên tay nào là hoa, trái cây các loại trao gửi cho chúng tôi.

Cũng lúc đó hàng đoàn xe tăng của quân ngụy và người nhà tháo chạy từ phía cầu Sài Gòn về miền Tây. Được sự giúp đỡ của người dân và một lính lái xe tăng phản chiến, tôi chặn lấy một xe tăng rồi tiến về hướng Dinh Độc Lập qua các con đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3 tháng 2), Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách mạng Tháng Tám), Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai). Đứng trên tháp xe tăng Mỹ chạy trên đường phố, tay cầm cờ Tổ quốc nhìn phố phường đỏ rực cờ hoa, người người háo hức niềm vui trong những giờ hòa bình đầu tiên của ngày giải phóng, trong tôi không giấu nổi niềm tự hào và chợt nhớ về những người đã ngã xuống. Đến Dinh Độc Lập lúc gần 12 giờ trưa, trong sân Dinh đã tràn ngập xe tăng của Quân đoàn 2. Khi đó cũng có nhiều phóng viên của ta và phương Tây. Anh em đồng nghiệp báo ta gặp nhau tay bắt mặt mừng. Một phóng viên nhiếp ảnh AFP nói với tôi: “Tôi chờ giây phút này gần 20 năm”. Tất cả con người và cảnh vật đều toát lên niềm vui đại thắng cứ nghĩ như trong mơ…

Tôi đã chụp hàng trăm kiểu phim ghi lại những hình ảnh lịch sử của ngày Đại thắng, nào là chính phủ ngụy quyền Sài Gòn đầu hàng Quân Giải phóng; niềm vui của các chiến sĩ Giải phóng chiếm Dinh Độc Lập, các tầng lớp nhân dân Sài Gòn hân hoan đón chào Quân Giải phóng, giúp đỡ Quân Giải phóng… rồi về ngay căn cứ để kịp phát ảnh về tổng xã để gửi tin vui đến đồng bào cả nước và nhân dân thế giới.

Nguyễn Đình Na

Kỳ tiếp: Hà Nội trong ngày vui đại thắng

Xuống đường! Sài Gòn!
Xuống đường! Sài Gòn!

Một bữa sáng đầu tháng tư, 5 anh em chúng tôi, gồm: Trần Thiêm (phóng viên ảnh), Nguyễn Văn Chức (kỹ thuật điện đài), Đỗ Sĩ Mến, Phạm Trọng Tiệp (báo vụ) và tôi (phóng viên tin), được ban giám đốc triệu tập gấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN