Kẻ thù giấu mặt-Kỳ 1: Biểu tượng rực lửa

Dẫu biết sẽ vấp phải sức kháng cự dữ dội khi tiến quân vào Italia, nhưng quân đồng minh không thể ngờ họ còn phải đương đầu với một kẻ thù thậm chí còn không nằm trong danh sách tấn công. Đó là Vesuvius, ngọn núi lửa khét tiếng từ thời cổ đại. Núi Vesuvius, cao 1.281 mét, ngày nay khá im lìm nhưng vẫn hoạt động mạnh mẽ và được một số nhà khoa học đánh giá là núi lửa nguy hiểm nhất trên thế giới.

 

Kỳ 1: Biểu tượng rực lửa

 

Các phi đội oanh tạc thuộc Không lực 12 của Mỹ đã quá quen với việc thu hút hỏa lực phòng không. Họ thường xuyên phải đương đầu với hỏa tuyến của kẻ thù ở Trung Âu trước khi được điều đến hỗ trợ cuộc tấn công Italia của quân Đồng minh năm 1943. Thế nhưng vào ngày 22/3/1944, Phi đội ném bom 340, dù chưa hề cất cánh khỏi mặt đất, đã bị một kẻ thù không có tên trong danh sách mục tiêu “oanh tạc” tới tấp. Thủ phạm chính là Vesuvius, ngọn núi lửa “khét tiếng”, nỗi kinh hoàng từ ngàn đời xưa từng biến thành cổ Pompeii hưng thịnh một thời thành phế tích bị chôn vùi theo thời gian và cướp đi sinh mạng của hàng nghìn cư dân thành phố này.


 

Máy bay B-25 thuộc Phi đội 447 bay qua sát ngọn núi đang phun trào trên đường oanh tạc các mục tiêu.

 

Mang bóng dáng như một công trình cũ kỹ, ủ ê, núi Vesuvius hiện ra mờ ảo trên Vịnh Naples và khu vực xung quanh. Nó gồm hai nón núi lửa, một là ngọn Vesuvius vẫn còn đang sôi sục và “người anh em” đã tắt là ngọn Somma. Lần phun trào vào năm 79 sau Công nguyên của núi Vesuvius đã trở thành một thảm họa làm thay đổi nền văn minh khi xóa sổ không chỉ thành phố Pompeii phồn hoa mà cả những thành phố khác của La Mã như Herculaneum, Oplontis và Stabiae. Nhà cửa, hàng quán và các công trình đồ sộ khác tại những nơi này đã biến mất trong nhiều thế kỷ. Các cuộc khai quật khảo cổ quy mô lớn bắt đầu từ thế kỷ thứ 18 đã khám phá ra một phần lộng lẫy của thành phố Pompeii bị chôn vùi dưới lớp tro dày 6 mét.


Trong những thế kỷ sau khi Pompeii bị phá hủy, thành phố Naples hiện đại đã phát triển dọc bờ biển Tyrrhenian, cách núi Vesuvius khoảng 10 km về phía tây. Một số thị trấn và làng mạc nhỏ hơn cũng đã mọc lên ngay sát ngọn núi này. Đất đai màu mỡ nơi đây là điều kiện lý tưởng cho việc trồng nho và những loại cây trồng quan trọng khác. Mãi đến năm 1906, núi Vesuvius lại phun trào sau một vụ nổ cướp đi sinh mạng của khoảng 100 người. Trong những năm sau Thế Chiến I, núi lửa Vesuvius như được nạp thêm năng lượng, ngày càng sôi sục trước khi phun trào vào năm 1929.


 

Miệng núi lửa Vesuvius nhìn từ trên máy bay.

Khi quân Đồng minh quyết định tấn công Italia vào cuối năm 1943 thì núi Vesuvius tiếp tục ẩn chứa mối đe dọa tiềm tàng. Ngày 29/9/1943, khu phế tích Pompeii rơi vào tay quân Đồng minh, tiếp đến là thành phố Naples hoang tàn vào ngày 1/10. Trong mùa thu năm 1943, các kỹ sư Mỹ đã bố trí hai sân bay tạm thời gần núi Vesuvius, gồm sân bay Vesuvius nằm phía bắc miệng núi lửa và sân bay Pompeii nằm ở phía nam, gần hai ngôi làng Terzigno và Poggiomarino. Cách sân bay Pompeii hơn 4 km về phía nam là khu thành cổ Pompeii. Vài tháng trước đó, thỉnh thoảng những quả bom lạc lại phát nổ gần phế tích Pompeii, nhưng địa điểm này vẫn mở cửa chào đón khách du lịch, trong đó có phóng viên chiến trường Mỹ nổi tiếng Ernie Pyle (1900-1945). Cũng như nhiều quân nhân Anh và Mỹ khác, Ernie Pyle đã trả 10 xu để có được cái nhìn cận cảnh di tích này.


Pyle sau đó để ý thấy hướng dẫn viên du lịch người Italia đã nhận ra trong số các du khách có thiếu tá Edwin A. Bland thuộc Phi đội chiến đấu cơ chiến thuật 525 của Mỹ. Anh hướng dẫn viên này sau đó “có vài câu nói đay nghiến chỉ trích các cuộc ném bom khiến chúng tôi thỉ biết đứng nhìn nhau. Thiếu tá Bland đã nhiều lần oanh tạc ở Italia nhưng chưa bao giờ dội bom xung quanh Pompeii”.


 

Vụ phun trào của núi lửa Vesuvius tháng 3/1944.

Hành quân qua những lối mòn đầy băng tuyết trơn trượt trên núi Vesuvius, quân Đồng minh đã tiến được hơn 80 km trước khi chạm trán với lực lượng Đức cố thủ bên ngoài núi Cassino. Quân Đồng minh phải mất tới 5 tháng với bốn trận đánh mới có thể đánh bật được đối phương khỏi các công sự bê tông kiên cố và mở đường tiến thẳng đến thành Rôma hoa lệ. Trong suốt thời gian này, những quầng lửa bốc lên từ núi Vesuvius ngày càng thu hút sự chú ý. Thoạt đầu, ngọn núi dường như tạo ra một điềm may mắn cho quân Đồng minh. Đầu tháng 1/1944, hai dòng dung nham đỏ rực trào xuống các sườn núi phủ trắng tuyết và giao nhau tạo thành hình một chữ “V” khổng lồ. Mà đối với người Mỹ thì chữ V tượng trưng cho “Victory” tức là chiến thắng. Chính biểu tượng rực rỡ ngoạn mục này là nguồn động viên khích lệ tinh thần chiến đấu của các binh sĩ thuộc đơn vị Lục quân số 5 đang rệu rã sau những ngày tháng khói lửa liên miên.


Tuy nhiên, vào ngày 18/3, quân Đồng minh bắt đầu nhận ra rằng núi Vesuvius thực ra không hề đứng về phía họ. Các nhân viên mặt đất đang làm việc tại hai sân bay Pompeii và Vesuvius vào buổi chiều tối hôm đó đã để ý thấy núi Vesuvius réo rắt mạnh hơn mọi khi. Sau khi sôi sục trong vòm miệng núi lửa, một dòng dung nham nóng chảy dày đặc đã bất ngờ tuôn trào và quét qua đoạn đường sắt rộng hơn 30 mét chuyên dùng để đưa du khách lên sườn núi bằng hệ thống dây cáp.


Thượng sĩ Fredick Drake ước tính dòng dung nham chảy xuống với tốc độ gần 50 km/giờ, nhanh hơn chạy rất nhiều. Ông nói: “Dung nham lan tỏa nhanh như nước chảy. Đêm hôm đó, sườn núi sáng rực rỡ như hàng nghìn chiếc đèn neon lấp lóe, và những viên đá nóng chảy thì bắn lên cao vút”.


Huy Lê

 

Đón đọc kỳ 2: Cơn giận dữ của kẻ thù

Kẻ thù giấu mặt-Kỳ 2: Cơn giận dữ của kẻ thù
Kẻ thù giấu mặt-Kỳ 2: Cơn giận dữ của kẻ thù

Trong hai ngày tiếp theo, phi hành đoàn trên các máy bay ném bom mới của Mỹ khi bay qua núi Vesuvius trong lúc đang làm nhiệm vụ đã được chứng kiến hơi nóng bốc lên nghi ngút từ miệng núi. Cảnh tượng này khiến họ không khỏi lo ngại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN