I-400: Bí mật lớn nhất trong Thế Chiến II

I-400: Bí mật lớn nhất trong Thế Chiến II - Kỳ cuối: Kế hoạch tấn công cuối cùng

Kỳ cuối: Kế hoạch tấn công cuối cùng

Trước khi cuộc tấn công bắt đầu từ căn cứ hải quân Nhật Bản tại Maizuru, thông tin về việc Okinawa thất thủ, cũng như việc quân đồng minh đang chuẩn bị tấn công các vùng lãnh thổ của Nhật Bản đã được lan truyền. Những sự kiện này buộc Bộ tổng tham mưu Hải quân Nhật Bản phải rà soát lại kế hoạch tấn công kênh đào Panama và họ kết luận rằng cuộc tấn công này không còn cần thiết bởi nó không xoay chuyển được cục diện chiến tranh. Điều quan trọng lúc đó là phải có những hành động tức thì để ngăn chặn bước tiến của Mỹ trong bối cảnh Oasinhtơn đang tập trung một lực lượng lớn quân ở đảo san hô Ulithi, chuẩn bị tiến hành một loạt các cuộc đột kích nhằm vào Nhật Bản. Do đó, Nhật Bản đã thay đổi nhiệm vụ sang tấn công căn cứ Ulithi.

Hải quân Mỹ sững sờ trước kích thước của tàu ngầm I-400.


Kế hoạch này sẽ diễn ra theo hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, mang tên Hikari (ánh sáng), liên quan đến việc chuyển 4 máy bay trinh thám tốc độ cao C6N Saiun đến đảo Truk. Chúng sẽ được đưa lên khoang chứa của các tàu ngầm I-13 và I-14. Trên đường đến Truk, các máy bay Saiun sẽ bay trên bầu trời Ulithi để xác nhận sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ neo đậu ở đó. Sau khi chuyển máy bay Saiun đến đảo Truk, các tàu I-13 và I-14 sẽ đến Hồng Công để tiếp nhận 4 chiếc máy bay chiến đấu Seiran. Tiếp đó, hai tàu này sẽ đến Xinhgapo và gia nhập cùng hai tàu I-400 và I-401 để thực hiện các chiến dịch tiếp theo.

Giai đoạn thứ hai mang tên Arashi (bão táp). Hai tàu ngầm I-400 và I-401 sẽ gặp nhau tại một vị trí định trước vào đêm 14 hoặc 15/8. Vào ngày 17/8, hai tàu này sẽ phóng 6 máy bay Seiran trước lúc rạng đông để thực hiện sứ mệnh cảm tử lao thẳng vào các tàu sân bay Mỹ. Các máy bay Seiran, mỗi máy bay mang 800 kg bom, sẽ bay ở độ cao dưới 50 m trên mặt biển để tránh bị rađa phát hiện.

Ngoài ra, ngay trước khi rời căn cứ Hải quân Maizuru, các máy bay Seiran được sơn lại màu bạc hoàn toàn, trên đó các ngôi sao và phù hiệu vạch sọc của Mỹ che lấp hình mặt trời đỏ. Biện pháp này nhằm làm kẻ địch thêm phần lúng túng nếu máy bay bị phát hiện sớm nhưng không phải là quyết định được tổ lái hoan nghênh. Một số phi công cảm thấy việc này không những không cần thiết mà còn là một sự nhục nhã khi lái máy bay mang các ký hiệu của Hải quân Mỹ và đáng hổ thẹn đối với Hải quân Đế quốc.

Tàu khu trục của Mỹ áp sát mạn tàu ngầm I-400.


Sau khi tấn công Ulithi, hai tàu ngầm I-400 và I-401 sẽ đến Hồng Công và nhận 6 máy bay Seiran mới. Từ đây, hai tàu này sẽ đến Xinhgapo, nơi có sẵn nguồn nhiên liệu tiếp tế, và gia nhập cùng hai tàu I-13 và I-14 để tiến hành các cuộc tấn công tiếp theo với lực lượng kết hợp gồm 10 máy bay Seiran.

Ngày 22/6, các tàu I-13 và I-14 đến cảng Maizuru để nạp nhiên liệu. Chúng đến Ominato vào ngày 4/7 để đón các máy bay do thám Saiun. Ngày 11/7, chiếc I-13 rời cảng để đến Truk nhưng không bao giờ đến đích. Tàu này đã bị các máy bay chiến đấu TBM Avenger phát hiện và tấn công ngày 16/7 khi nổi lên mặt nước. Một tàu khu trục hộ tống của Mỹ sau đó đã đến và đánh đắm chiếc I-13 bằng bom phá tàu ngầm.

Hơn nữa, Nhật Bản đã đầu hàng quân đồng minh trước khi kế hoạch tấn công trên được triển khai. Ngày 22/8/1945, thủy thủ đoàn của các tàu ngầm được lệnh phá hủy tất cả vũ khí của họ. Các ngư lôi được bắn đi mà không có đích đến, các máy bay được phóng đi nhưng không mở cánh và đuôi. Khi chiếc I-401 đầu hàng một tàu khu trục của Mỹ, thủy thủ đoàn của Mỹ đã bị sốc trước kích thước của tàu ngầm. Hải quân Mỹ đã thu được 24 tàu ngầm, kể cả ba tàu I-400, và đưa chúng đến Vịnh Sasebo để nghiên cứu (trước đó Mỹ chưa bao giờ biết đến sự tồn tại của các tàu ngầm lớp I-400 cho đến khi các tàu này đầu hàng).

Cùng lúc đó, họ nhận được tin Liên Xô đã cử một đoàn thanh sát viên đến để nghiên cứu loại tàu ngầm này. Tuy nhiên, trước khi người Nga có cơ hội đó, Hải quân Mỹ đã mở Chiến dịch Cuối con đường (Operation Road's End): Đưa hầu hết các tàu ngầm đến Point Deep Six, vị trí nằm ngoài khơi quần đảo Gotō cách Nagasaki 60 km về phía tây, và đánh chìm chúng bằng thuốc nổ C-2. Hiện xác các tàu này đang nằm ở độ sâu 200 m dưới đáy biển. Bốn tàu I-400, I-401, I-201 và I-203 được đưa tới Hawaii để nghiên cứu thêm. Khi người Nga một lần nữa đòi thanh sát các tàu này, chúng đã bị đánh đắm ở ngoài khơi Kalaeloa gần Oahu, Hawaii vào ngày 31/5/1946. Mãi đến tháng 3/2005, xác chiếc tàu I-401 mới được các tàu ngầm Pisces của Phòng thí nghiệm nghiên cứu đáy biển Hawaii phát hiện ở độ sâu 820 m.

Huy Lê (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN