Hồ sơ Paradise là gì?Gần 1.400GB tài liệu nằm trong Hồ sơ Paradise đã đưa ra ánh sáng phương thức các chính trị gia, người nổi tiếng, tập đoàn lớn sử dụng hệ thống phức hợp để bảo vệ tiền của họ khỏi việc bị đánh thuế cao.
Trong tổng số dữ liệu Hồ sơ Paradise, có 6,8 triệu tài liệu liên quan tới một công ty luật cung cấp các dịch vụ pháp lý ở hải ngoại có tên Appleby (được thành lập tại Bermuda) và công ty cung cấp dịch vụ doanh nghiệp Estera cùng hoạt động dưới tên Appleby. Đến năm 2016, Estera tách riêng thành một công ty độc lập.
Trụ sở của Appleby tại Hamilton, Bermuda. Ảnh: Guardian |
6 triệu tài liệu còn lại là chi tiết về 19 cơ quan đăng ký được vận hành bởi chính phủ các "thiên đường trốn thuế" như Antigua và Barbuda, Aruba, Bahamas, Barbados, Bermuda, quần đảo Cayman, quần đảo Cook, Dominica, Grenada, Labuan, Lebanon, Malta, quần đảo Marshall, St Kitts và Nevis, St Lucia, St Vincent, Samoa, Trinidad và Tobago, Vanuatu.
Những dữ liệu trong Hồ sơ Paradise trải dài qua khoảng thời gian từ 1950 đến 2016. Đài BBC (Anh) đánh giá Hồ sơ Paradise là một trong năm vụ rò rỉ dữ liệu tài chính lớn của 4 năm gần đây. Năm 2016, Hồ sơ Panama có khối lượng dữ liệu lớn hơn nhưng quy mô thông tin của Hồ sơ Paradise cũng như nội dung về mánh khóe tinh vi được lật tẩy là sự việc chưa từng có.
Có bao nhiêu cơ quan truyền thông đã nghiên cứu dữ liệu này?Tờ Guardian (Anh) New York Times (Mỹ) là 2 trong 96 đối tác truyền thông tham gia vào dự án. Tổng cộng có 381 phóng viên từ 67 quốc gia đã hợp tác phân tích dữ liệu.
Các cơ quan truyền thông đánh giá Hồ sơ Paradise thu hút sự quan tâm của công chúng bởi dữ liệu rò rỉ đã lột trần được các việc làm sai trái. Từ đây dẫn đến hàng trăm cuộc điều tra liên quan tới những chính khách, quan chức cấp cao.
Ai đã thu thập được số dữ liệu này và bằng cách nào?Tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung đã nhận được những tài liệu rò rỉ trong Hồ sơ Paradise và chia sẻ chúng với Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) có trụ sở tại Mỹ. Süddeutsche Zeitung nhất quyết giữ bí mật về nguồn cung cấp thông tin của tờ này.
Hồ sơ Paradise tập trung vào công ty hay cá nhân?Cả hai. Tất cả đều có điểm chung là tiền bạc. Một trong những tập đoàn đa quốc gia lớn nhất có tên trong vụ rò rỉ này bao gồm Apple, Nike và Facebook. Bên cạnh đó là những cái tên cá nhân đình đám như Nữ hoàng Anh, ca sĩ Bono… Theo Hồ sơ Paradise, khách hàng chính của Appleby đến từ Mỹ với hơn 31.000 danh tính.
Những tài liệu này cho thấy điều gì
Chúng cho thấy các "đế chế hải ngoại" này đang lớn hơn và phức tạp hơn nhiều người nghĩ. Ngay cả Appleby, một trong những công ty luật tự vỗ ngực coi mình là mẫu mực trong lĩnh vực này cũng rơi vào rắc rối. BBC cho biết công ty luật Appleby thường giúp các tập đoàn, cá nhân thành lập và đăng ký công ty kinh doanh tại những "thiên đường thuế".
Theo Telegraph (Anh), "thiên đường thuế" là những quốc gia hoặc khu vực nơi thuế kinh doanh và thuế cá nhân thường rất thấp hoặc thậm chí không tồn tại. Do vậy, những nơi này thu hút cá nhân và công ty đang tìm cách để trả ít tiền thuế hơn so với quê nhà của họ.
Từ đây, các công ty có thể chuyển trụ sở tới "thiên đường thuế" trong khi cá nhân lựa chọn sống tại đây trong một thời gian để đạt đủ tiêu chuẩn thành đối tượng được đóng mức thuế thấp này.
Hồ sơ Paradise vạch trần những phương thức để các công ty và cá nhân có thể trốn thuế nhờ các thực thể kinh doanh giả tạo. Tờ Guardian đánh giá những kế hoạch này có thể trở thành hợp pháp nếu được vận hành đúng cách nhưng phần lớn lại không được như vậy. Một câu hỏi phát sinh từ Hồ sơ Paradise là: phải chăng các chiêu bài trốn thuế đã đi quá xa?
Phản ứng của Appleby
Công ty này hoàn toàn phủ nhận có hành vi sai trái liên quan tới chính họ hoặc khách hàng. Nhưng Appleby cũng lấp liếm rằng công ty này không phải là đúng tuyệt đối và vẫn cố gắng học hỏi từ những sai lầm của mình. Bên cạnh đó Appleby đồng ý tham gia các cuộc chất vấn. Về phần Estera, công ty này đã từ chối đưa ra bình luận liên quan đến vấn đề. Được biết Appleby có tổng cộng 470 nhân viên, 200 luật sư hoạt động tại 10 văn phòng rải rác khắp thế giới.