"Hồ sơ Paradise" gồm khoảng 13,4 triệu tài liệu chủ yếu đến từ Appleby, một công ty luật có văn phòng tại Bermuda và một số địa điểm khác. Nguồn: theguardian.com |
Hãng Reuters (Anh) dẫn hồ sơ rò rỉ cho biết Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, cũng là một tỷ phú đầu tư, nắm giữ 31% cổ phần của tập đoàn Navigator Holdings thông qua một mạng lưới đầu tư phức tạp. Theo đó, Navigator Holdings có quan hệ đối tác làm ăn với tập đoàn năng lượng Sibur của Nga.
Trong số các cổ đông của tập đoàn Sibur có con rể của Tổng thống Nga Vladimir Putin là Kirill Shamalov và bạn của Tổng thống Putin là Gennady Timchenko.
Trong một tuyên bố chính thức, người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ khẳng định ông Ross "không liên quan tới các quyết định làm ăn với Sibur của Navigator và chưa từng gặp các cổ đông của Sibur cũng như biết về quan hệ giữa 2 công ty".
Tờ New York Times (Mỹ) đăng tải tuyên bố của Sibur cho biết các đàm phán với Navigator do giới lãnh đạo điều hành của công ty tiến hành chứ không liên quan đến các cổ đông. Công ty này cũng chưa từng gặp Bộ trưởng Ross.
Trong khi đó, tờ Guardian (Anh) đưa tin khu điền trang Duchy of Lancaster của Nữ hoàng Elizabeth II đã đầu tư hàng triệu bảng Anh vào một quỹ đầu tư trên Đảo Cayman.
Báo trên cho biết điền trang này đã sử dụng các quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài thường được giới đầu tư Anh sử dụng để trốn thuế.
Một người phát ngôn của điền trang Duchy of Lancaster khẳng định tất cả các khoản đầu tư của điền trang này đều được kiểm toán đầy đủ và hợp pháp.
Hãng tin Pháp AFP đưa tin ông Stephen Bronfman, người gây quỹ và cố vấn cấp cao của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, đã cùng cựu Thượng nghị sĩ nước này Leo Kolber chuyển khoảng 60 triệu USD tới các thiên đường trốn thuế ở nước ngoài.
Những thông tin trên là một phần của "Hồ sơ Paradise" do Hiệp hội báo chí điều tra quốc tế (ICIJ) công bố. "Hồ sơ Paradise" gồm khoảng 13,4 triệu tài liệu chủ yếu đến từ Appleby, một công ty luật có văn phòng tại Bermuda và một số địa điểm khác.
Số tài liệu này ban đầu được báo Đức Suddeutsche Zeitung nắm được và sau đó chia sẻ với ICIJ và các đơn vị truyền thông đối tác.
ICIJ là một trong những cái tên đứng đằng sau vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama" gây chấn động thế giới hồi năm ngoái khi tiết lộ những bí mật của giới nhà giàu trên toàn thế giới.
Khoảng 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ của công ty luật Mossack Fonseca ở Panama ghi lại hoạt động của công ty trong suốt 40 năm (từ năm 1975) giúp hàng nghìn người và nhiều doanh nghiệp trốn thuế.