Theo trang history.net, Thủ tướng Anh khi đó Neville Chamberlain, người đã ký Hiệp ước Munich, đã ca ngợi hiệp ước là sự đảm bảo cho “hòa bình của thời đại chúng ta”. Khi ký hiệp ước với trùm phát xít Đức Adolf Hitler ngày 20/9/1938, các nước châu Âu hy vọng sẽ ngăn chặn một cuộc chiến toàn cầu.
Tuy nhiên, ngay cả khi đó, các lãnh đạo Đức Quốc xã cũng đã âm mưu bạo lực. Nhật ký của Bộ trưởng Tuyên truyền Đức Quốc xã Joseph Goebbels cho thấy Đức Quốc xã có kế hoạch cố tình xuyên tạc thông tin về sự gây hấn của Tiệp Khắc và thổi phồng phản ứng chính trị của Đức nhằm gây sức ép để cộng đồng quốc tế nhân nhượng với yêu cầu của Berlin.
Tháng 6/1938, Goebbels mô tả chiến dịch của Đức Quốc xã nhằm chiếm Tiệp Khắc: “Chúng ta phải cứng rắn, nếu không tình hình sẽ rất nguy hiểm”. Hắn cho rằng chiến dịch xuyên tạc thông tin của mình đã buộc các nước phương Tây phải ngồi vào bàn đàm phán với Hitler. Hắn viết về cuộc đàm phán Hiệp ước Munich: “Trên hết, chiến dịch tuyên truyền của chúng ta hiệu quả một cách ngoại lệ. Chiến dịch đã khiến cả thế giới chịu áp lực. Thông qua đó, chúng ta đã thắng nửa cuộc chiến”.
Đúng như dự báo của Goebbels, Pháp và Anh đã hoảng sợ và vội thỏa thuận với chính quyền của Hitler để cho phép người Đức đưa quân vào lãnh thổ Tiệp Khắc mà không gặp phản kháng gì.
Goebbels hả hê trước số phận của người Tiệp Khắc: “Prague vẫn đang sống trong ảo tưởng hoàn toàn. Người ở đó cho rằng sẽ được Pháp, Nga và thậm chí cả Anh hỗ trợ. Lũ ngu ngốc tội nghiệp”.
Mặc dù nhiều người vui mừng trước ảo tưởng hòa bình, nhưng ông Winston Churchill, khi đó là thành viên Nghị viện Anh, không bị lừa gạt về số phận kinh hoàng đang chờ những người sắp rơi vào ách cai trị của Đức Quốc xã. Ông nói trước Hạ viện Anh ngày 5/10/1938: “Tất cả đã hết. Câm lặng, đau thương, bị bỏ rơi, tan vỡ, Tiệp Khắc chìm trong bóng tối”.
Nhưng ngay cả ông Churchill cũng không thể nào dự báo được nỗi kinh hoàng chờ người dân Tiệp Khắc dưới ách cai trị bàn tay sắt của Reinhard Heydrich, được đôn lên làm “người bảo hộ đế chế Đức” của Behemia và Moravia năm 1941.
Heydrich thích khoe kỹ năng thể thao vào bộ đồng phục bảnh bao khi chụp ảnh. Hắn vươn lên trong chế độ Đức Quốc xã nhờ kỹ năng tổ chức hoạt động tội phạm quy mô lớn.
Từng là cựu chuyên gia liên lạc và thông tin trong Hải quân Đức, Heydrich giỏi tổ chức các vụ giết người, trộm cắp và buôn người hàng loạt. Hắn dùng kỹ năng quỷ quyệt để lừa mục tiêu vào khu vực thành thị hàng loạt rồi bắt giữ và giết họ một cách dễ dàng. Hắn dùng chiến thuật tịch thu và tiêu hủy tài sản của nạn nhân.
Cùng với Bộ Giao thông của đế chế Đức, các văn phòng đường sắt và đồn cảnh sát địa phương, Heydrich đã đặt các trại tập trung và trung tâm bắt giữ dọc đường sắt và các đường bộ chính để vận chuyển nạn nhân như hàng hóa xuyên biên giới.
Ngoài việc phát triển hệ thống trại tập trung của Đức Quốc xã, Heydrich còn sắp xếp các nạn nhân theo nhóm và dán nhãn họ để xác định có thể sử dụng họ cho mục đích gì sau đó. Hắn hỗ trợ lên kế hoạch cuộc tàn sát khét tiếng Kristallnacht năm 1938, thành lập các đội tử thần Einsatzgruppen năm 1939 và xây dựng “Giải pháp cuối cùng” của Đức Quốc xã – một kế hoạch để diệt chủng hoàn toàn người Do Thái.
Sau khi chiếm quyền ở Tiệp Khắc, Heydrich sắp xếp hành quyết nhanh gọn ông Alois Elias, nguyên thủ quốc gia Tiệp Khắc trên danh nghĩa. Điều này đã hủy hoại chủ quyền quốc gia của Tiệp Khắc và cho phép Heydrich cai trị như một nhà độc tài.
Heydrich bỏ qua quy trình tòa án thông thường. Thay vào đó, hắn tạo ra một nhà nước cảnh sát và khuyến khích người dân tố cáo nhau. Các phiên xét xử do cả dân thường và cảnh sát thực hiện.
Heydrich thiết lập trại tập trung Theresienstadt và tổ chức hành quyết nhanh như chớp. Theo Bảo tàng Tưởng niệm Diệt chủng Mỹ, tháng 10 và 11/1941, hệ thống tòa án kiểu kangaroo của Heydrich đã hành quyết 342 người và giao nộp thêm 1.289 người cho cơ quan mật vụ Gestapo. Ngoài ra, hắn còn trục xuất 14.000 người Do Thái ở Đức và Áo cùng trên 20.000 người Do Thái ở Tiệp Khắc tới các trại tập trung ở nhiều địa điểm.
Tiệp Khắc nhanh chóng kiệt quệ dưới tay người Đức khi chúng đối xử hung bạo với người dân và rút cạn nguồn lực. Dưới ách cai trị của Đức, người Tiệp Khắc không được học hành. Học sinh và sinh viên bị đuổi khỏi trường và các cơ sở giáo dục bị đóng cửa.
Ngoài ra, sinh viên và người có học vấn bị cấm làm trong những ngành nghề trí thức và bị bắt lao động trên cánh đồng. Người Tiệp Khắc trẻ tuổi bị ép lao động chân tay hoặc bị đưa tới trại lao động ở Đức. Trẻ em từ 3 đến 6 tuổi bị “Đức hóa” khi giáo viên chăm sóc đều là người Đức.
Thư viện, bảo tàng, nhà thờ và các khu vực khác liên quan tới văn hóa, tri thức của người Tiệp Khắc đều bị dỡ bỏ. Người Đức vứt toàn bộ sách vở, dụng cụ khoa học, đập bỏ các phòng thí nghiệm mà chúng tìm thấy, phá hủy các đền đài. Chúng kiểm soát mọi ngân hàng, nhà máy, công ty Tiệp Khắc, đóng cửa nhà xuất bản, ngăn người Tiệp Khắc đọc văn học nước ngoài, thậm chí còn áp thuế cao hơn với người Tiệp Khắc để có tiền mở rộng lực lượng quân đội Đức.
Định kiến của Đức Quốc xã với người Tiệp Khắc rất rõ ràng. Tới ngày 6/2/1930, Goebbels mô tả thủ đô Prague của Tiệp Khắc là “thành phố Đức” và gọi người Tiệp Khắc là ký sinh trùng. Hắn viết ngày 3/8/1937: “Tiệp Khắc không phải là một quốc gia”. Mục tiêu của đảng Quốc xã là biến Tiệp Khắc thành quốc gia vệ tinh phương Đông và rút cạn mọi tài nguyên dùng được.
Trong khi người dân Tiệp Khắc kiệt quệ và chết dần dưới ách cai trị của Đức Quốc xã, Heydrich hưởng thụ cuộc sống xa hoa trong một lâu đài ở Panensky Brezany với người vợ Đức Quốc xã cực đoan và rất nhiều con cái. Cháu trai hắn nói rằng toàn bộ gia đình được đối xử như người nổi tiếng và nhận ưu đãi đặc biệt. Khao khát được đối xử như thành viên hoàng gia, Heydrich còn đòi trao các tài sản đáng giá nhất của các vua Tiệp Khắc cổ đại cho hắn.
Mặc dù “đồ tể Prague” dường như bất khả chiến bại thời gian đó nhưng sự cai trị của Heydrich với Tiệp Khắc đột ngột chấm dứt khi các chiến sĩ kháng chiến Tiệp Khắc được huấn luyện ở Anh đã làm hắn bị thương trong một vụ tấn công bằng bom xe năm 1942. Heydrich về sau chết vì nhiễm trùng khi đang hồi phục.
Mặc dù Đức Quốc xã trả thù tàn độc sau vụ ám sát Heydrich, nhưng vai trò chủ mưu độc ác của Heydrich đã vĩnh viễn biến mất. Ngay cả Goebbels cũng thừa nhận không thể bù đắp được cái chết của Heydrich: “Mất Heydrich là điều không thể thay đổi. Heydrich là chiến sĩ hiệu quả nhất, cấp tiến nhất. Sẽ có mà tìm được người kế nhiệm phù hợp”.
Ước tính 118.000 người Do Thái sống ở Tiệp Khắc tại thời điểm Hiệp ước Munich được ký năm 1938. Chỉ có 6.000 người ở đó còn sống tới năm 1946. Có một điều rõ ràng là nếu không có Hiệp ước Munich, Tiệp Khắc sẽ không bao giờ phải chịu đựng ách cai trị tàn ác của Reinhard Heydrich.