Hai nữ anh hùng chấm dứt đại dịch ho gà chết người

Trong những năm 1930, hai nhà nghiên cứu nữ ở Mỹ đã dũng cảm cống hiến hết mình để tìm ra phương pháp ngăn ngừa căn bệnh lây nhiễm ho gà và cứu mạng sống nhiều trẻ em.

Chú thích ảnh
Bà Pearl Kendrick tại nơi làm việc những năm 1940 và hình minh họa về vi khuẩn ho gà. Ảnh: CDC

Vào cuối tháng 11/1932, thời tiết khá lạnh và nhiều gió, hai người phụ nữ đang chuẩn bị kết thúc ngày làm việc bình thường tại thành phố Grand Rapids, bang Michigan. Ở thời điểm này, cuộc Đại suy thoái đang ở năm thứ tư.

Hai nhà vi khuẩn học Pearl Kendrick và Grace Eldering làm việc tại phòng thí nghiệm nhà nước nhưng họ còn dành riêng thời gian đến thăm các bệnh nhi để chẩn đoán xem có phải các em đã mắc căn bệnh nguy hiểm chết người hay không. Hai nữ khoa học này nhận thấy nhiều gia đình đang sống trong hoàn cảnh rất khó khăn.

Mặc dù ho gà là căn bệnh không mới đối với nhiều phụ huynh thời nay nhưng vào những năm 1930, căn bệnh này đã “khủng bố” cuộc sống nhiều gia đình.

Việc chẩn đoán ho gà cũng vấp phải nhiều khó khăn nếu chỉ dựa vào các triệu chứng. Ban đầu, triệu chứng thường là chảy nước mũi và ho nhẹ. Các phụ huynh thỉnh thoảng thấy con ngưng thở nhưng sau đó họ lại nhẹ nhõm khi con trở lại bình thường. Bác sĩ cũng có thể bỏ qua và cho rằng đó chỉ là cảm lạnh, không có gì đáng lo lắng. Nhưng từ một đến hai tuần sau, cơn ho có thể trở thành từng cơn dữ dội, quá nhanh, gây khó khăn cho việc thở. Sau đó, đứa trẻ phải cố gắng để hít không khí xuống cổ họng với tiếng ho rít.

Đến giữa thế kỷ 20, ho gà vẫn là căn bệnh không thể ngăn chặn. Ho gà còn lây lan nguy hiểm đến mức một em bé mắc căn bệnh này có thể khiến nửa lớp học và tất cả anh chị em trong nhà cùng lây nhiễm. Vào đầu những năm 1930, ho gà là nguyên nhân dẫn đến cái chết của 7.500 trẻ em Mỹ mỗi năm. Những em nhỏ sống sót đôi khi còn bị tổn thương vĩnh viễn về thể chất và nhận thức.

Nhưng tất cả đã thay đổi nhờ Kendrick và Eldering. Công việc của họ là xét nghiệm hàng ngày mẫu phẩm y tế và môi trường. Nhưng việc nghiên cứu về ho gà lại trở thành đam mê của họ. Họ làm việc đến tối muộn và không được trợ cấp về tiền bạc. Tuy nhiên, sau đó họ nhận được sự quan tâm từ cộng đồng. Chính quyền thành phố Grand Rapids và nhiều nhà hảo tâm đã đứng ra chi trả cho các thử nghiệm lâm sàng đầu tiên của họ. Các bác sĩ, y tá cùng người dân thường cũng góp sức hỗ trợ. Nhiều bà mẹ sẵn sàng đưa con họ làm tình nguyện viên thử nghiệm trong dự án.

Kendrick, Eldering và đội ngũ của họ đã thành công trong điều chế vaccine phòng ho gà an toàn và hiệu quả đầu tiên. Nhờ sáng kiến của họ, số trẻ em tử vong vì ho gà tại Mỹ và trên toàn thế giới đã giảm.

Chú thích ảnh
Bà Grace Eldering. Ảnh: Trung tâm lịch sử Grand Rapids

Pearl Kendrick sinh năm 1980 và lớn lên tại New York. Bà có bằng cử nhân khoa học tại Đại học Syracuse và dành mùa hè năm 1917 nghiên cứu vi khuẩn học tại Columbia.

Ở thời điểm này, y tế công cộng là một trong số ít lĩnh vực khoa học tuyển dụng phụ nữ. Nam giới được đào tạo y tế công cộng thường tìm kiếm công việc được trả lương cao tại các trường đại học hoặc viện nghiên cứu. Trong khi đó, phòng thí nghiệm lại đề nghị mức lương thấp và hầu hết công việc lặp đi lặp lại. Mỹ khi này chủ trương cải thiện y tế công cộng trong nước và công việc mới thường được giao cho các phòng thí nghiệm, nơi cần nhân sự để đưa xét nghiệm chẩn đoán, vaccine và nhiều công cụ kiểm soát dịch bệnh khác vào sử dụng hàng ngày.

Một phòng thí nghiệm thuộc Sở Y tế bang New York đã tuyển dụng bà Kendrick. Sau đó, khi Sở Y tế bang Michigan mở một phòng thí nghiệm tại Grand Rapids vào năm 1926, bà Kendrick đảm nhận vai trò giám đốc đầu tiên tại đây.

Năm 1932, Kendrick hoàn thành chương trình tiến sĩ khoa học tại Trường Vệ sinh và Y tế công cộng Johns Hopkins. Bà quay trở lại Grand Rapids với mục tiêu nghiên cứu căn bệnh ho gà. Năm đó, Grand Rapids bùng phát dịch ho gà.

Grace Eldering sinh năm 1900, tốt nghiệp Đại học Montana và làm giáo viên tại Hysham quê hương bà. Từ năm 1928, bà trở thành tình nguyện viên sau đó được tuyển dụng vào phòng thí nghiệm bang Michigan tại Lansing. Rồi Grace Eldering được thuyên chuyển đến Grand Rapids để nghiên cứu về căn bệnh ho gà. Grand Rapids và Kendrick trở thành đồng ngiệp.

Ban đầu, mục tiêu chính của họ trong nghiên cứu về ho gà là chẩn đoán bệnh nhanh hơn và chính xác hơn để bệnh nhân có thể được cách ly càng sớm càng tốt, và trở lại trường học hoặc làm việc ngay khi giai đoạn lây nhiễm kết thúc. “Vũ khí” họ lựa chọn là đĩa ho, về cơ bản là một đĩa petri - dạng hình trụ có nắp đậy - với môi trường nuôi cấy vi sinh ở phía dưới. Kendrick, Eldering cùng các bác sĩ, y tá và những thành viên khác trong đội ngũ của họ giữ đĩa petri để bệnh nhân ho vào đó. Chiếc đĩa petri sau đó được đậy nắp và chuyển đến phòng thí nghiệm để nuôi cấy vi khuẩn thành các cụm khuẩn phù hợp cho phân tích.

Họ nhanh chóng mở rộng nghiên cứu trên toàn thành phố để theo dõi và kiểm soát bùng phát bệnh ho gà. Thay vì sử dụng máu người làm môi trường nuôi cấy, họ chuyển sang dùng máu cừu, vì nó ít tốn kém hơn và có sẵn. Đây là một trong những cải tiến trong phòng thí nghiệm, tạo điều kiện để họ mở rộng đáng kể chương trình xét nghiệm.

Vào tháng 1/1933, Kendrick và Eldering tạo ra vaccine thử nghiệm đầu tiên. Vaccine do Kendrick và Eldering điều chế bao gồm tế bào vi khuẩn ho gà bị triệt tiêu bằng chất sát trùng thông thường, được làm sạch, khử trùng và lơ lửng trong dung dịch nước muối.

Các nhà khoa học từng điều chế vaccine trước đó thường bỏ qua cung cấp thông tin quan trọng về việc chuẩn bị, liều lượng và các cân nhắc khác, dẫn đến kết quả một đợt có thể thay đổi rất nhiều so với đợt sau. Kendrick và Eldering lại áp dụng phương pháp hệ thống hơn ở mọi bước, từ việc thu thập ban đầu vi khuẩn cho đến việc thử nghiệm liệu vaccine có thực sự bảo vệ trẻ em hay không.

Họ nhận thấy vi khuẩn được thu thập ở một giai đoạn nhất định có nhiều khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn và họ đã thử nghiệm nhiều lần lặp lại để đảm bảo vaccine an toàn bằng cách tiêm chúng vào động vật thí nghiệm và chính bản thân họ.

Họ đều chưa có kinh nghiệm với thử nghiệm lâm sàng, vốn là một lĩnh vực khoa học khá mới mẻ ở thời điểm đó. Nhưng Kendrick sau này chia sẻ với phóng viên: “Tôi chưa từng nghĩ rằng sẽ có việc mình không thể làm nổi”.

Chú thích ảnh
Bà Kendrick (ngoài cùng bên phải) theo dõi đồng nghiệp tiêm vaccine ho gà cho một em nhỏ năm 1942. Ảnh: Trung tâm lịch sử Grand Rapids 

Trong vòng đầu tiên của nghiên cứu thực địa, đã có 1.592 trẻ em tham gia với 712 em tiêm vaccine và 880 em không tiêm. Sau mỗi lần tiêm chủng, hai người phụ nữ lại chờ đợi cuộc gọi thông báo về phản ứng xấu, ngoài cơn sốt nhẹ thông thường. Kendrick thừa nhận: “Hầu hết thời gian tôi đều sợ hãi. Bạn không thể ngủ ngon trong những đêm đó”. Kết quả thu được là nhóm không tiêm vaccine có 63 trẻ mắc ho gà, trong đó 53 em rơi vào tình trạng nghiêm trọng. Nhóm đã tiêm chỉ có 4 trường hợp mắc ho gà và đều ở thể nhẹ.

Các quan chức về tế công cộng sau đó đã yêu cầu nhà dịch tễ học Wade Hampton Frost tại Đại học Johns Hopkins đến xem xét nghiên cứu và đưa ra đề xuất. Ông Frost đến Grand Rapids, đánh giá cao cam kết của Kendrick và Eldering với khoa học. Ông đề xuất họ nâng cấp thử nghiệm lâm sàng. Hai nhà nghiên cứu sau đó quay trở lại làm việc cùng đội ngũ. Nghiên cứu của họ đến thời điểm này cần có thêm nhiều nhân viên hơn, cần họ đến thăm thường xuyên các bệnh nhân trong thời gian nhiều năm.

Nghiên cứu mới thu hút 4.212 đối tượng được thử nghiệm và lần này nhóm có tiêm vaccine lại được ghi nhận tỷ lệ mắc ho gà thấp hơn nhiều nhóm không được tiêm. Năm 1944, Hiệp hội Y khoa Mỹ đã bổ sung vaccine của Kendrick cùng Eldering vào danh sách khuyến nghị tiêm chủng. Kết quả là các trường hợp mắc ho gà tại Mỹ giảm hơn một nửa trong thập niên đó.

Số trường hợp tử vong vì ho gà vào đầu những năm 1970 chỉ bằng 1/10 so với năm 1934 khi có 7.518 trường hợp. Cũng trong quãng thời gian này, Kendrick đã đến nhiều quốc gia, từ Mexico đến Nga để giới thiệu về vaccine phòng ho gà và gặt hái thành công.

Để trẻ em khỏi phải tiêm quá nhiều mũi vaccine trong những năm đầu đời, Kendrick và Eldering sau đó đã bắt đầu nghiên cứu vaccine phối hợp bạch hầu, uốn ván và ho gà, tiền thân của loại vaccine đang được sử dụng phổ biến và bảo vệ 85% trẻ em trên thế giới.

Hà Linh/Báo Tin tức (Smithsonian )
Nhà thám hiểm Đan Mạch sống sót qua hai mùa Đông khắc nghiệt ở Bắc Cực
Nhà thám hiểm Đan Mạch sống sót qua hai mùa Đông khắc nghiệt ở Bắc Cực

Sau khi bị đoàn thám hiểm bỏ rơi, Ejnar Mikkelsen và một thành viên thiếu kinh nghiệm đã phải đấu tranh suốt 28 tháng để giành giật sự sống tại miền tuyết trắng Bắc Cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN