Một sự thay đổi về giá dầu chắc chắn sẽ tạo ra những hậu quả mang tính toàn cầu. Vậy ai sẽ là người thắng, ai là kẻ thua? Có lẽ bên “thắng” đầu tiên là nền kinh kế thế giới. Theo Tom Helbling, người đứng đầu cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Thế giới của IMF, giá dầu thay đổi 10% sẽ khiến GDP toàn cầu biến động khoảng 0,2%. Bình thường, giá dầu giảm sẽ thúc đẩy GDP toàn cầu tăng bằng cách chuyển nguồn lực từ nhà sản xuất sang người tiêu dùng. Nếu nguồn cung tăng lên là nguyên nhân dẫn đến giá dầu giảm, thì tác động có thể sẽ lớn hơn.
Giá dầu giảm sẽ có lợi cho các nước nông nghiệp đang phát triển như Ấn Độ. Ảnh: AP |
Ví dụ ở Mỹ, nơi mà việc sản xuất khí đá phiến tăng đẩy giá dầu xuống thấp tương đối so với ở châu Âu, đã giúp xuất khẩu của nước này tăng 6% so với phần còn lại của thế giới. Nếu giá dầu giảm 25% trong thời gian dài, GDP toàn cầu có thể sẽ tăng 0,5 điểm % trong điều kiện bình thường.
Hiện nay, sản lượng dầu mỏ của thế giới khoảng hơn 90 triệu thùng /ngày. Với mức giá 115 USD/thùng, giá trị của lượng dầu trên khoảng 3,8 nghìn tỷ USD/năm; nếu giá là 85 USD/thùng, giá trị là 2,8 nghìn tỷ USD/năm. Bất kỳ quốc gia hoặc khu vực nào tiêu thụ dầu nhiều hơn so với lượng mà họ sản xuất ra hầu như sẽ hưởng lợi trong mức chênh lệch 1 nghìn tỷ USD trên.
Với Trung Quốc, đây là quốc gia nhập khẩu dầu nhiều thứ hai thế giới. Dựa vào số liệu năm 2013, giá dầu giảm 1 USD sẽ giúp nước này tiết kiệm được 2,1 tỷ USD hàng năm. Với sự suy giảm gần đây, nếu kéo dài, Trung Quốc sẽ tiết kiệm được 60 tỷ USD. Trong khi đó, hầu hết xuất khẩu của nước này là những hàng hóa có mức giá không giảm, trừ phi nhu cầu yếu làm thay đổi điều đó, nếu không ngoại tệ của nước này sẽ tăng lên và mức sống của người Trung Quốc sẽ được nâng cao.
Giá dầu giảm cũng giúp Trung Quốc xử lý tình trạng ô nhiễm không khí bằng cách hạn chế dần việc sử dụng nhiên liệu bẩn như dầu diesel. Theo Giáo sư Lin Boqiang tại Đại học Hạ Môn, nhìn chung giá dầu giảm sẽ hỗ trợ cho những nỗ lực của chính phủ giảm bớt sự trợ cấp (nước này đã giải phóng giá một vài loại xăng và điện được cho sẽ là đối tượng tiếp theo trong năm tới).
Ngoài ra, những nước đang phát triển vốn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp cũng được hưởng lợi đáng kể từ việc giá dầu giảm. Ấn Độ là một ví dụ. Giá dầu rẻ hơn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nước này. Đầu tiên, giống như ở Trung Quốc, hàng hóa nhập khẩu sẽ rẻ hơn tương đối so với xuất khẩu. Dầu mỏ chiếm khoảng 1/3 lượng nhập khẩu của Ấn Độ, nhưng xuất khẩu của nước này rất đa dạng (từ thực phẩm cho đến các thiết bị máy tính), do đó sẽ không xuất hiện hiện tượng giảm giá.
Thứ hai, giá năng lượng giảm giúp lạm phát của nước này hạ xuống từ 10% vào đầu năm 2013 xuống còn 6,5% hiện nay. Thứ ba, giá dầu giảm giúp Ấn Độ giảm thâm hụt ngân sách (hiện ở mức 4,5% GDP) bằng cách giảm trợ giá nhiên liệu và phân bón. Đây là những khoản khá lớn. Cùng với trợ giá thực phẩm, 3 loại trợ giá này có thể tiêu tốn của Ấn Độ 2,5 nghìn tỷ rupee (41 tỷ USD) trong năm tài khóa sẽ kết thúc vào tháng 3/2015, tương đương 14% chi tiêu công và 2,5% GDP.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thừa nhận rằng chương trình trợ giá năng lượng trên toàn thế giới (hầu hết ở các nước đang phát triển) tiêu tốn tới 550 tỷ USD/năm. Giá dầu giảm sẽ khiến gánh nặng này nhẹ bớt, giảm xuống còn khoảng 400 tỷ USD. Điều này cũng có nghĩa là nhiều nước sẽ đứng trước lựa chọn: Nắm lấy thời cơ để dỡ bỏ hoàn toàn chương trình trợ giá hay vẫn duy trì chương trình giờ đã tốn ít tiền bạc hơn và tạo ra sự ổn định? Nhưng cả hai lựa chọn này đều có lợi.
Sự lựa chọn trên cũng được thể hiện rõ rệt đối với các nhà nhập khẩu dầu ở Trung Đông. Tại Ai Cập, trợ cấp năng lượng chiếm 6,5% GDP năm 2014, trong khi tỷ lệ này ở Jordan là 4,5% GDP, ở Morocco và Tunisia nằm trong khoảng 3 - 4%. Theo IMF, giá dầu giảm 20% giúp cải thiện cân bằng ngân sách của Ai Cập và Jordan gần 1% GDP.
Với Mỹ, giá dầu giảm có tác động cả tích cực và tiêu cực, bởi vì nước này vừa là nhà tiêu dùng vừa là nhà nhập khẩu cũng như sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Nhìn chung, Mỹ được hưởng lợi từ giá dầu rẻ hơn, nhưng không nhiều như trước đây.
Các chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Đầu tư và Công ty Chứng khoán toàn cầu Goldman Sachs thừa nhận rằng giá dầu rẻ hơn và lãi suất thấp hơn có thể góp 0,1% điểm phần trăm vào tăng trưởng năm 2015 của Mỹ. Nhưng điều này bị triệt tiêu bởi đồng USD mạnh, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và thị trường chứng khoán yếu đi.
Bên cạnh đó, việc khai thác dầu từ đá phiến là rất tốn kém. Vì vậy, khi giá dầu giảm, Mỹ là một trong những nước buộc phải thu hẹp hoạt động này. Theo Michael Cohen tại Ngân hàng Barclays, giá dầu thế giới giảm 20 USD sẽ khiến lợi nhuận trước đây của các nhà sản xuất Mỹ giảm 20%. Mặc dù vậy, tác động lan nhanh đến đâu vẫn là điều chưa rõ và tác động cũng sẽ thay đổi theo từng khu vực. Ở California, giá dầu giảm là một tin tốt, nhưng ở Bắc Dakota (bang khai thác dầu từ đá phiến nhiều nhất), đây lại là điều đáng để lo lắng.
Mỹ là nước nhập khẩu ròng, do đó giá dầu thấp hơn có nghĩa là người Mỹ sẽ giữ tiền và chi tiêu nhiều hơn ở trong nước. Tuy nhiên, tác động mang tính kích thích đã giảm đi so với trước vì nhập khẩu ngày càng trở nên kém quan trọng hơn và dầu đang chiếm thị phần ngày càng ít trong nền kinh tế Mỹ. Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) Mỹ, dự báo nhập khẩu ròng dầu mỏ của nước này sẽ giảm xuống 20% trong năm tới, chiếm thị phần thấp nhất kể từ năm 1968.
Đón đọc kỳ cuối: “Kẻ khóc”Công Thuận (
tổng hợp)