Đồng chí Võ Chí Công và sự nghiệp cách mạng Việt Nam
Nhân 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công
(7-8-1912 / 2012), Báo Tin tức trân trọng điểm lại một số đóng góp quan trọng
của đồng chí Võ Chí Công với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, từ thời kỳ giải
phóng dân tộc tới giai đoạn đổi mới đất nước.
Bài 1: Những đóng góp đối với sự nghiệp
giải phóng dân tộc
Ðồng chí Võ Chí Công tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ngày 7/8/1912, trong một
gia đình nhà nho yêu nước tại thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ (nay là
huyện Núi Thành), tỉnh Quảng Nam; mất ngày 8-9-2011.
Đồng chí Võ Chí Công nói chuyện thân mật với cán bộ huyện Tân Biên ( Tây Ninh ) ở lán làm việc của đồng chí Phạm Hùng trước đây tại Khu Trung ương Cục miền Nam (Căn cứ trong những ngày kháng chiến chống Mỹ), trong chuyến thăm tỉnh Tây Ninh từ ngày 18 đến ngày 23/1/1990.
Ảnh: Minh Điền – TTXVN |
Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí Võ Chí Công đã tham gia hoạt động phong trào
thanh niên ở cơ sở từ những năm 1930 - 1931. Tháng 5 năm 1935, đồng chí được
kết nạp vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương (nay là Ðảng Cộng sản Việt Nam).
Tháng 3-1945, từ nhà tù Buôn Mê Thuột trở về, đồng chí Võ Chí Công tham gia
ngay vào Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh Quảng Nam, làm Trưởng Ban khởi nghĩa. Đồng
chí Võ Chí Công đã cùng Ban lãnh đạo khởi nghĩa giành được thắng lợi trong tỉnh
một cách nhanh chóng. Quảng Nam trở thành một trong 4 tỉnh giành chính quyền về
tay nhân dân sớm nhất trong cả nước.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Võ Chí Công đã cùng
Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời trực tiếp chỉ đạo xây dựng chính quyền cách
mạng và lực lượng vũ trang ở Quảng Nam - Đà Nẵng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí là một trong những nhà
lãnh đạo chủ chốt của Liên khu V, lãnh đạo nhân dân Liên khu V kiên cường chiến
đấu, tăng gia sản xuất, chia lửa với chiến trường chính Điện Biên Phủ, góp phần
vào thắng lợi chung của cả nước, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, lập lại
hòa bình ở Việt Nam.
Được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng
Campuchia, trên cương vị Bí thư Ban cán sự Đông Bắc Miên, đồng chí đã cùng các
đồng chí của mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị là Bí thư khu ủy kiêm Chính
ủy Quân khu V, đồng chí đã vượt mọi gian khổ, hy sinh, kiên trì bám đất, bám
dân, luôn đi sát cơ sở, sát phong trào, tổ chức chỉ đạo quân và dân Liên khu V
chiến đấu không lùi bước, giành được nhiều thắng lợi to lớn.
Trải nghiệm, tôi luyện trong thử thách, trong thực tế lãnh đạo, điều hành các
cấp, với tác phong sâu sát quần chúng, với bản lĩnh cách mạng và tài trí kiên
cường, đồng chí đã đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề có tính chiến lược về
con đường của cách mạng miền Nam, đóng góp vào việc xây dựng dự thảo Nghị quyết
Trung ương 15 lịch sử, mở ra bước ngoặt lớn cho cách mạng miền Nam.
Sau phong trào Đồng Khởi thắng lợi, trên cương vị là Phó Bí thư Trung ương Cục
miền Nam, đồng chí đã xuống nhiều địa phương của Nam Bộ nghiên cứu, khảo sát, đúc
kết kinh nghiệm để phổ biến cho toàn miền Nam chống bình định, phá ấp chiến
lược, chống chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận của địch trong Chiến tranh
Đặc biệt.
Đồng chí được Bộ Chính trị điều động về khu V – một chiến trường cự kỳ gian khổ
ác liệt, nơi Mỹ đổ bộ những đơn vị quân viễn chinh đầu tiên để triển khai Chiến
tranh Cục bộ, trong đó Thành phố Đà Nẵng cùng với Chu Lai trở thành một trong
những căn cứ liên hiệp quân sự lớn nhất ở miền Nam. Khu ủy khu V dưới sự lãnh
đạo của đồng chí, đã quyết định đánh trận phủ đầu quân viễn chinh Mỹ ở cứ điểm
Núi Thành, tiêu diệt gọn một đại đội địch, mở ra khả năng quân và dân ta có thể
đánh và thắng Mỹ trong chiến tranh. Với chiến thắng Núi Thành, quân và dân
Quảng Nam được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam
tặng danh hiệu “Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, dưới sự lãnh đạo
đúng đắn, sáng tạo của đồng chí Võ Chí Công và Khu ủy khu V, quân ta đã tiến
công vào các thành phố, thị xã đạt được mục tiêu rồi nhanh chóng rút về căn cứ,
nên đã bảo toàn được lực lượng, ít bị thiệt hại với những nơi khác.
Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Là người trực
tiếp lãnh đạo trên chiến trường, từ sự chỉ đạo chiến lược của Trung ương, từ
kinh nghiệm thực tiễn, đồng chí và lãnh đạo khu ủy khu V xác định: sẽ không có
hòa bình ngay, kẻ địch còn tiếp tục đánh phá, phá hoại Hiệp định. Đồng chí coi
trọng lãnh đạo công tác tư tưởng, xốc lại đội ngũ, kiên quyết tiến công địch,
giành đất, giành dân, xây dựng thực lực về mọi mặt, góp phần đẩy nhanh sự suy
yếu của ngụy quân, ngụy quyền.
Tháng 3/1975, Bộ Chính trị chủ trương tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu,
hành động táo bạo, bất ngờ, quyết tâm giải phóng miền Nam. Đồng chí Võ Chí Công
đã tích cực chuẩn bị về mọi mặt cho chiến dịch, tham gia chỉ đạo đánh mở màn
vào Buôn Mê Thuột, giải phóng toàn bộ vùng đất chiến lược Tây Nguyên, làm cho
quân địch choáng váng, tháo chạy về Đà Nẵng sớm hơn kế hoạch đã định. Thắng lợi
ở Tây Nguyên và Đà Nẵng góp phần tạo thế và lực to lớn cho toàn quân, toàn dân
ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Hơn 80 năm hoạt động cách mạng,
đồng chí Võ Chí Công đã được Đảng và Nhà nước tin tưởng trao nhiều trọng trách.
Đồng chí là nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, nguyên Chủ tịch
Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, nguyên Phó Thủ tướng
Chính phủ, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, đại biểu Quốc hội các
khóa VI, VII, VIII. Dù ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất
sắc nhiệm vụ, đóng góp nhiều công sức vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống
nhất và xây dựng đất nước.
Nguồn: Trung tâm Tư liệu TTXVN